Ông Trần Trung Lập - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phà An Giang - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

 8458 lượt xem
(BTĐKT) - Ông Trần Trung Lập sinh ngày 04/10/1953, quê quán ở Xã Tân An, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ông giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phà An Giang; thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành, phục vụ phà ngang sông, đưa đón nhân dân an toàn, văn minh, giao thông thông suốt. 

Ông là người năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo. Khi tiếp nhận và thành lập công ty cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà làm việc ộp ẹp cất tạm bợ trên sông, có 22 phà nhỏ, máy móc cũ kỹ, không an toàn, bến bãi chật hẹp, công nhân trình độ thấp, làm việc ngoài trời vất vả, thu nhập thấp nhất ngành giao thông và tỉnh, vốn nhà nước giao chỉ có 13 tỷ. Đứng trước tình hình đó, ông trăn trở, suy nghĩ tìm các giải pháp cùng Ban Giám đốc Công ty đổi mới phục vụ, tiết kiệm chi phí, tận thu tích lũy tài chính, phát động các phong trào thi đua khích lệ tập thể cán bộ, công nhân viên tham gia cùng công ty hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, nhờ đó đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Các chỉ tiêu năm 2012 so với năm 2003: Doanh thu 138 tỷ tăng 2,3 lần; lợi nhuận 8,4 tỷ tăng 1,27 lần; nộp ngân sách 11,2 tỷ đồng tăng 2,2 lần; đầu tư tái sản xuất 15 tỷ đồng tăng 7 lần; phúc lợi xã hội 10 tỷ tăng 6,5 lần; thu nhập bình quân 6,9 triệu tăng 5 lần. Các bến phà đều được xây dựng khang trang, có công viên, nhà chờ, ponton cầu dẫn; năng lực vận tải có 38 phà trọng tải từ 30 tấn đến 200 tấn (công nghệ Đan Mạch); tổng vốn 787 tỷ tăng 60 lần so với năm 1997.

 

Ông chú trọng công tác đầu tư bằng nội lực tài chính hiện có, kết hợp vốn vay ưu đãi, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, ông đã xây dựng cầu Ông Chưởng (huyện Chợ Mới) có chiều dài 284 m, rộng 10 m, tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội các huyện Cù Lao; tiếp tục xây dựng cầu Cồn Tiên bắc ngang sông Hậu là cây cầu lớn nhất trong tỉnh có chiều dài 377 m, rộng 12 m nối liền 2 bờ Thị xã Châu đốc và huyện An Phú, tổng giá trị trên 100 tỷ đồng; đưa doanh thu thu phí bình quân trên 22 triệu đồng/ngày, tăng gấp 3 lần so với thu phí phà Cồn Tiên.

 

Ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh, ông mạnh dạn nhận đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông cơ sở trong tỉnh, như xây dựng Cầu Mương Sung huyện Chợ Mới; tuyến đường tỉnh 943 (dài 28 km rộng 12m (4 làn xe) và 8 cây cầu bêtông cốt thép tuyến Long Xuyên đi Thoại Sơn), tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng; xây dựng cầu Cụ Hội và tuyến tỉnh lộ 944 đoạn phà An Hòa đi Cụ Hội, dài 11 km, rộng 12 m (4 làn xe), kinh phí trên 260 tỷ đồng, tạo sự thuận lợi giúp nhân dân đi lại đảm bảo an toàn giao thông thông suốt.

 

Ông năng động trong việc tiếp nhận bến phà Tân Châu - Hồng Ngự đưa vào khai thác, đây cũng là công trình trọng điểm phục vụ tuyến N1 từ Long An đến Hồng Ngự, dự án do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư, kinh phí gần 100 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Bộ chưa thực hiện, vì thế ông tranh thủ ý kiến của tỉnh trình Bộ giao thông và được đồng ý, ông đã tiến hành xây dựng bến phà quy mô lớn, kinh phí trên 100 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đưa vào hoạt động.

Ông luôn không ngừng nghiên cứu, tìm các giải pháp, sáng kiến, từng bước đổi mới phục vụ, đổi mới công nghệ làm lợi cho đơn vị như: Áp dụng biện pháp khoán tiền lương/tua chuyến phà, đưa hoạt động phà nhanh, an toàn, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa… tạo đòn bẩy công nhân tăng năng suất lao động là 173 triệu đồng/năm tăng gấp 3,4 lần so với năm 2003.

 

Ông cũng chỉ đạo đổi hệ thống lái thủy lực thay cho hệ thống lái cơ, giúp thuyền trưởng lái nhẹ hơn, giảm hao phí lao động, tiềt kiệm chi phí sửa chữa 18 triệu đồng/ phà; trang bị 8 máy mới hiệu Ceterpillar, công suất 550CV, giá 420 triệu đồng/máy thay cho 08 máy GM8 giá thành 550 triệu đồng/máy tiết kiệm gần 1 tỷ đồng, máy mới nâng công suất giúp phà hoạt động nhanh hơn, rút ngắn thời gian vượt sông, tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí sửa chữa 2 tỷ đồng/năm; nghiên cứu tận dụng sắt 4 sà lan cũ 600 tấn chờ thanh lý đóng mới thành 7 phà 30 tấn đảm bảo các yêu cầu về lỹ thuật về an toàn được cơ quan đăng kiểm kiểm định và đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân qua Cù Lao Mỹ Hòa Hưng, tiết kiệm chi phí trên 1 tỷ đồng so với việc mua vật liệu mới.

 

Hàng năm, sau mùa lũ, phà hoạt động thường hay bị cạn do phù sa bồi lắng, phải tốn chi phí nạo vét. Ông nghiên cứu tận dụng 4 phà nhỏ hoán cải thành 4 chiếc sáng thổi mini, chuyên nạo vét khai thông luồng, giúp phà hoạt động tốt, tiết kiệm chi phí sửa chữa và chi phí nạo vét trên 700 triệu đồng/năm. Đây cũng là định hướng mở rộng ngành nghề khai thác cát, tạo việc làm cho người lao động.

 

Ông đã cho thiết kế hoán cải nâng cấp phà 100 tấn (gần hết khấu hao) thành phà 150 tấn, công nghệ Đan Mạch, nâng cao sức tải gấp đôi phà 100 tấn, phà được nối dài thông nước hoạt động nhanh hơn, giảm hao phí nhiên liệu 3.000 lít dầu/năm, giám chi phí so với giá thành đóng mới khoảng 5 tỷ đồng. 

 

Trong vai trò lãnh đạo ông luôn sáng suốt, nhạy bén, trầm tĩnh trong mọi vấn đề từ đối nội, đối ngoại đến chỉ đạo giải quyết công việc, cụ thể: Việc đền bù giải tỏa là công việc rất khó, vì thế ông đã mạnh dạn đến từng hộ dân đàm phán, bằng khả năng thuyết phục của mình, tất cả người dân đều đồng tình nhận bồi hoàn, giao mặt bằng… nên dự án sớm thi công đi vào hoạt động đạt hiệu quả; về đối nội, ông luôn xem tất cả cán bộ, công nhân viên lao động như chính người thân của mình, khi người lao động gặp khó khăn đến ông đều được giải quyết thấu đáo, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ, 

 

Ông còn là tấm gương tiêu biểu trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong xây dựng Đảng, trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong phong cách lối sống, trong hỗ trợ đền ơn đáp nghĩa… được tỉnh An Giang biểu dương điển hình tiên tiến. Nổi bật nhất là việc tiền thưởng Ban điều hành hàng năm (200 triệu đồng), ông đã vận động Ban Giám đốc đóng góp hết cho xã hội và vận động cán bộ, công nhân viên đóng góp bình quân khoảng 700 triệu đồng/năm.

 

Ông chú trọng đào tạo, đào tạo lại nguồn lao động chất lượng cao, vì thế hiện nay công ty có 03 thạc sỹ, 63 tốt nghiệp đại học, trung cấp và 298 thuyền máy trưởng. Ngoài ra, ông cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty quy hoạch chuyên môn, đề bạt, bổ nhiệm 28 cán bộ trẻ, nữ đủ tiêu chuẩn, chuyên môn, đạo đức vào vị trí then chốt, nâng cao hiệu quả công tác.

 

Ông mạnh dạn tiếp nhận các đơn vị làm ăn thua lỗ như Công ty Vận tải Sông biển, Trạm Thu phí tỉnh lộ 941 (gần 100 lao động), dưới sự lãnh đạo của ông, chỉ trong thời gian 1 năm, 2 đơn vị này hoạt động có hiệu quả, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

 

Về lĩnh vực tài chính, ông luôn chủ trương tiết kiệm, đẩy mạnh thi đua sáng tạo được đông đảo người lao động đồng tình. Từ đó, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt, hàng năm tình hình tài chính của Công ty được Kiểm toán Nhà nước, Cục Thuế, Sở Tài chính đánh giá cao. Công ty được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh An Giang tặng nhiều Bằng khen. 

 

Đảng bộ Công ty do ông lãnh đạo luôn đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu xuất sắc, cá nhân ông liên tục nhiều năm liền được công nhận đảng viên tiêu biểu xuất sắc. 

 

Trong quá trình công tác, ông đã được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2012, tập thể Công ty TNHH MTV Phà An Giang được phong tăng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc của ông trong lao động, sáng tạo, góp phần sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 13 tháng 12 năm 2013, tại Quyết định số 2365/QĐ-CTN, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động./.

 

Nguyễn Thị Bích Phượng

 
Ý kiến của bạn