Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn với phong trào thi đua yêu nước

 10775 lượt xem
(BTĐKT)-Thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015, 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát động và tổ chức triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, như phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng gia đình 5 không 3 sạch… Nội dung các phong trào luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ. Qua đó, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm của lực lượng lao động nữ. 

Nhận thức được phong trào thi đua có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là động lực, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; phong trào thi đua phải xuất phát từ thực tiễn địa phương, yêu cầu của công tác Hội trong tình hình mới, đặc biệt là trước yêu cầu đổi mới về công tác thi đua khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Hàng năm Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cụ thể hoá nội dung phong trào thi đua vào điều kiện cụ thể của tỉnh và xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể cho từng năm. Tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua giữa các huyện, thị Hội, đơn vị trực thuộc; tổ chức đăng ký thi đua, xây dựng biểu mẫu, bảng chấm điểm, bình xét thi đua; tiến hành kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua của các đơn vị; tổ chức theo dõi, đánh giá phong trào và xây dựng, nhân rộng mô hình, biểu dương khen thưởng kịp thời các gương điển hình tiên tiến, các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Cụ thể hóa phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chương trình mục tiêu quốc gia “xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Thông qua các nội dung của phong trào thi đua đã giúp cán bộ hội viên nhận thức đúng đắn ý nghĩa của việc học tập, nâng cao kiến thức phù hợp. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong lao động, học tập. Trong 5 năm qua đã có 36.598 lượt hội viên đạt danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Công tác cán bộ nữ ngày càng được chú trọng, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo các cấp. Đến nay, có 10/54 chị tham gia BCH Đảng bộ tỉnh; 2/14 đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 2/6 nữ đại biểu quốc hội; 18/48 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và 31/177 nữ tham gia lãnh đạo quản lý từ cấp Phó Giám đốc các sở, ban, ngành; 203 chị giữ chức trưởng, phó phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh. 

 
Các cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015 nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
 
Cùng với đó, các cơ sở hội thi đua thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 675 mô hình “ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi lợn nhựa”, “bỏ tiền ống tre”, “Sửa đổi lề lối làm việc”, với số tiền tiết kiệm được trên 3 tỷ đồng; trên 14 tấn gạo giúp gần 2.000 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương xuất hiện những điển hình tiên tiến như mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” và “Nuôi lợn đất” tại tổ 1B, 10A phường Đức Xuân; thôn Pá Danh, Khuổi Mật, xã Huyền Tụng (thị xã Bắc Kạn); mô hình “ống tiền tiết kiệm” ở Lương Bằng, Chợ đồn đã tiết kiệm được từ 25-50 triệu cho chị em hội viên nghèo vay không tính lãi. Chị Bàn Thị Nguyệt, thôn Nặm Làng (Đức Vân, Ngân Sơn) tiết kiệm cho hội viên vay không tính lãi với số tiền từ 20-80 triệu đồng.
 
Đồng thời, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ thi đua “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, đã xây dựng và duy trì được 301 mô hình trồng hàng rào xanh, 426 mô hình chỉnh trang vườn hộ, duy trì 206 đoạn đường phụ nữ tự quản, đặc biệt có 426 hộ gia đình hội viên tự nguyện tham gia hiến đất làm đường giao thông liên thôn, đường điện, nhà họp thôn, xây dựng trường mầm non… với tổng diện tích gần 30.000m2 đất, đóng góp 4.882 ngày công lao động và trên 150 triệu đồng. Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều điển hình thực hiện tốt phong trào thi đua này, như chi hội phụ nữ thôn Khuôn Bang, xã Như Cố (Chợ Mới); chi hội phụ nữ thôn Nà Bản, Xuất Hóa, Thị xã Bắc Kạn; gia đình hội viên Ma Thị Kiều, Mỹ Phương, Ba Bể đã hiến 1.300m2 đất; chị Hoàng Thị Thực, Hà Thị Thắm xã Đôn Phong, Bạch Thông hỗ trợ 40 triệu đồng để thuê máy ủi làm đường…
 
Đối với phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị kinh tế xã hội của địa phương. Các cấp hội phụ nữ tích cực vận động hội viên hưởng ứng tham gia thực hiện cuộc vận động “xây dựng và sửa chữa mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo” do TW Hội phát động. Đến nay, đã xây dựng được 90 mái ấm tình thương, trị giá gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó,  thông qua các hoạt động “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ chủ động vươn lên, lựa chọn hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, phương pháp sử dụng nguồn vốn hiệu quả cho trên 500 nghìn lượt hội viên. Tích cực khai thác các nguồn vốn cho chị em vay để phát triển kinh tế, tổng số các nguồn vốn do hội quản lý là 667 tỷ đồng, cho 52.458 chị vay, tăng 245 tỷ đồng so với năm 2010. Từ hiệu quả của việc vay vốn, các cấp hội đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình hợp tác xã hợp lực về sản xuất phở khô tại thị trấn Phủ Thông; hợp tác xã sản xuất bún khô 20/10 tại Nông Hạ, Chợ Mới… mô hình Chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, bán hàng tạp hóa, nấu rượu, nung gạch của chị Hoàng Thị Chìm, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, mỗi năm trừ các chi phí gia đình chị cho thu nhập trên 200 triệu đồng; mô hình ươm giống cây mỡ, bán vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Thức, thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc, có 7 lao động, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; mô hình cam quýt của chị Hoàng Thị Kìa, xã Quang Thuận, Bạch Thông cho thu nhập trên 200 triệu đồng .v.v. đã đem lại hiệu quả kinh tế và tạo thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. 
Song Huê
 
 
Ý kiến của bạn