(BTĐKT) - Thành lập từ năm 1962, các dây chuyền cũ kỹ lạc hậu, giá thành sản xuất cao, ô nhiễm môi trường, sản phẩm chủ lực là supe lân khó có khả năng cạnh tranh với hàng mới và hàng ngoại. Số lượng lao động của công ty Lâm Thao đông có lúc hơn 4.000 người lại bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế quan liêu, bao cấp, trông chờ, ỷ lại. Thu nhập của người lao động rất thấp năm 2005 chỉ 2,59 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận 40 tỷ đồng, cái tên Lâm Thao không là gì so với các thành viên khác trực thuộc một “mẹ” là Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.
Bản thân ngành phân bón của Việt Nam hầu hết đều sản xuất ra những sản phẩm đơn giản, công nghệ cách biệt so với thế giới non nửa thế kỷ. Chính vì thế mà hàng hóa không được các nước phát triển chấp nhận, chỉ loanh quanh nội tiêu và xuất lẻ tẻ sang một hai quốc gia dễ tính. Ngay cả một số nhà máy phân bón mới xây dựng với những khoản tiền rất lớn cũng lại nhập về các trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đồng vốn bị chôn chân không còn cơ hội đầu tư mới, sản phẩm bị bó hẹp không thể xuất khẩu đi các nước khác.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Duy Khuyến – Tổng giám đốc Công ty Lâm Thao quyết định bắt đầu khâu đột phá từ công nghệ sản xuất. Với kiến thức đã học trong nhà trường và tự nghiên cứu, ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và triển khai các đề tài như: Sản xuất ra loại phân bón đa dinh dưỡng từ các nguyên liệu sẵn có, đặc biệt là phát huy khai thác các nguyên liệu tại chỗ ở Phú Thọ, Thanh Hóa và phát huy sản phẩm truyền thống supe lân. Loại phân bón này thỏa mãn các dinh dưỡng đa lượng, trung, vi lượng cho cây trồng, cải tạo đất phèn, đất chua, đất chiêm chũng, phù hợp với giai đoạn phát triển sinh trưởng của cây trồng, đưa ra các loại phân bón lót, phân bón thúc. Ông đề xuất chương trình bón phân khép kín, các loại phân chuyên dùng cho cây lương thực, cây ăn quả, cây ngắn ngày, cây dài ngày…

Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Khuyến dẫn đoàn tham quan Máy làm tơi sản phẩm, công đoạn sau đóng bao - Đề tài sáng kiến mới được áp dụng năm 2014 tại Công ty.
Việc sản xuất các loại phân bón mới, cộng với quy trình bón phân mới, đặc biệt là loại phân NPK-S*M1 đã giúp nông dân nâng cao năng suất cây trồng (10 ÷30%) so với cách làm cũ, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, giảm chi phí đầu tư, giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Riêng phần năng suất gia tăng đã giúp nông dân đủ tiền mua phân bón.
Để đưa nhanh tiến bộ mới vào sản xuất, ông đề xuất và trực tiếp chỉ đạo phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, với các tổ chức khác như: Khuyến nông, Phụ nữ, Đoàn thanh niên xây dựng hàng nghìn mô hình, tổ chức hàng nghìn hội nghị tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, nâng cao kiến thức, tổ chức bán chậm trả một vụ cho nông dân, đặc biệt giúp các hộ nghèo thiếu vốn. Chấp nhận gian khổ để đến với vùng sâu, vùng xa giúp nông dân, dám chịu trách nhiệm khi bán chậm trả cho nông dân và khả năng không thu hồi được vốn cao nhưng ông đã đề xuất cơ chế quản lý rất khoa học.
Chương trình thành công tốt đẹp, giúp cho hàng triệu nông dân thay đổi tập quán từ bón phân đơn riêng rẽ hiệu quả thấp sang bón phân đa dinh dưỡng hiệu quả cao. Việc làm này mỗi năm làm lợi cho nông dân cả nước 2.400 tỷ đồng. Công ty năm 2005 lợi nhuận mới chỉ 40 tỷ đồng, năm 2014 lợi nhuận 562 tỷ đồng, tăng 14 lần; Doanh thu năm 2005 là 1.370 tỷ đồng, năm 2014 là 5.357 tỷ đồng, tăng 3,3 lần; Sản lượng phân bón tiêu thụ từ 950.000 tấn tăng lên 1.420.000 tấn. Một phần của đề tài đã được tặng giải Nhì - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEX).
Ngoài ra còn một loạt những sáng tạo khác mang dấu ấn của ông Khuyến và các đồng nghiệp ở Lâm Thao như: Nghiên cứu phương pháp chống đóng tảng, đóng cục sản phẩm phân bón, thiết kế chế tạo máy làm tơi sản phẩm. Đề tài được áp dụng thành công làm cho người lao động không còn vất vả nặng nhọc khi phải dùng vồ để đập sản phẩm mà lại nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí kho chứa, không phải mua chất chống đóng cứng của nước ngoài. Làm lợi cho đơn vị 165,39 tỷ đồng/năm đã đành còn tăng thêm tính nhân văn cho các lao động đứng máy đỡ cực nhọc. Đề tài dùng nguyên liệu sinh khối (cám cưa, trấu, phôi bào, đầu mẩu gỗ thải loại…) thay cho dùng dầu FO nhập ngoại mỗi năm làm lợi cho Công ty trên 6 tỷ đồng lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đề tài dùng công nghệ nghiền ướt thay cho nghiền khô và sấy quặng apatit tại công đoạn sản xuất Supe phốt phát 400.000 tấn/năm giúp tiết kiệm được 3.500 tấn than/năm, triệt tiêu lượng bụi phát sinh và khí thải CO, CO2, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, làm lợi hàng năm khoảng 10 tỷ đồng. Đề tài cải tạo bổ sung thiết kế cho dây chuyền sản xuất phân lân nung chảy đạt các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Khí thải của dây chuyền sản xuất trước khi có đề tài này vượt tiêu chuẩn Việt Nam như CO 15.000 mg/m3, lớn hơn 30 lần cho phép, khí SO2, khí H2S, HF đều cao vượt chuẩn. Sau khi cải tạo dây chuyền sản xuất khí CO, H2F, CO2, H2S đều thấp hơn tiêu chuẩn môi trường cho phép, thậm chí khí CO thấp hơn 10 lần…
Quỹ phúc lợi của Công ty dành đến 5% lợi nhuận cho hoạt động phong trào công nhân viên chức lao động, y tế, hội… Công đoàn nơi đây đã xây dựng hẳn quy chế thăm hỏi những trường hợp lao động có hoàn cảnh éo le như tai nạn, như bệnh hiểm nghèo và có quy chế xây dựng mái ấm công đoàn dành cho lao động gặp khó khăn về nhà ở như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn.
Ngoài giúp người lao động, Công ty còn nhận nuôi dưỡng 23 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tham gia tích cực ủng hộ giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, xây dựng trường học, nhà tình nghĩa, nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ, xe lăn cho người tàn tật, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…Để từ đó hình thành nên một phong cách sống, một văn hóa ứng xử mang cái tên Lâm Thao.
Hoài Thanh