Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo

 10212 lượt xem
(BTĐKT) - Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được ngành giáo dục triển khai với nhiều nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ sở giáo dục, khơi dậy tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo của cán bộ, viên chức trong ngành, thu được nhiều kết quả thiết thực. 

 Đối với một giáo viên trực tiếp đứng lớp, thầy giáo Lê Minh Hải dạy môn Địa lí - Bí thư Đoàn trường THPT Khánh Hòa đã tích cực hưởng ứng phong trào, trong đó chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, nhằm đạt kết quả dạy học tốt nhất.

Theo thầy Hải để đổi mới phương pháp dạy học, cần thực hiện các phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với nội dung bài học. Để chuẩn bị trước khi lên lớp, tôi thường phân tích nội dung bài học, nghiên cứu kỹ mục tiêu cần đạt được trong mỗi đơn vị kiến thức, kỹ năng, từ đó lựa chọn các phương pháp dạy học sao cho phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, hình thành và rèn luyện các kỹ năng, năng lực của học sinh. Thầy đã tích cực tìm tòi thiết kế các bài giảng có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông trong  dạy học môn Địa lý, khai thác các nguồn tư liệu mới rất phong phú và sẵn có trên internet như hình ảnh về thiên nhiên, đất nước, văn hóa các quốc gia, các bộ phim khoa học của các kênh truyền hình nổi tiếng (BBC, Discovery, National Geographic Channel), bách khoa toàn thư điện tử của Microsoft, ứng dụng các phần mềm trình chiếu PowerPoint, phần mềm biên tập video Movie Maker, phần mềm biên tập e-learrning, phần mềm sơ đồ tư duy MindMap... để phục vụ giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin như thế đã có tác dụng rất tích cực. Trong giờ học, thầy thường quan tâm tới sự tích cực tham gia hoạt động của các em học sinh, từ đó kiểm chứng hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học. Sau mỗi bài giảng, tự rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học để áp dụng cho các bài học sau.
 
Đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với trình độ học sinh, khuyến khích các em tự học, tự tìm hiểu. Thầy Hải đã tìm hiểu và phân loại trình độ học sinh để có phương pháp dạy học hiệu quả nhất với từng đối tượng học sinh. Bên cạnh chuẩn kiến thức - kỹ năng chung cần đạt, còn cho học sinh học yếu sẽ được thử sức với câu hỏi và bài tập ở mức độ trung bình, học sinh khá giỏi sẽ thử sức với câu hỏi và bài tập ở mức độ cao hơn. Bên cạnh đó, thầy thường chia nhóm và hướng dẫn các em tự học thông qua việc tự đọc trước bài học mới trước khi tới lớp, giới thiệu một số đầu sách, địa chỉ website, tạo các nhóm học tập trên mạng xã hội... 
 
Để dạy tốt - học tốt, cần đổi mới kiểm tra đánh giá. Bên cạnh các phương pháp kiểm tra đánh giá truyền thống, thầy thường chấm điểm phần chuẩn bị bài của các em, cho các em tự kiểm tra lẫn nhau, cho các em tự đặt ra câu hỏi đố các bạn khác. Chấm bài kiểm tra của các em bằng tất cả sự trân trọng cũng là một yếu tố quan trọng. Đối với học sinh khá, giỏi sự tiến bộ trong bài kiểm tra thường được thể hiện rất rõ, còn  đối với các em học sinh yếu sự tiến bộ thường chậm hơn. Chỉ khi giáo viên hiểu học trò, chấm bài kỹ lưỡng, có những lời phê, động viên kịp thời  thì sự tiến bộ của các em mới bền vững và liên tục. Thầy Hải cũng yêu cầu các em tự chấm điểm cho nhau để các em nắm kiến thức chắc chắn hơn, học hỏi ở nhau cách thức trình bày và diễn đạt. Nhìn chung, việc chấm bài cẩn thận, trả bài kịp thời sẽ mang lại hiệu quả lớn đối với việc nâng cao chất lượng dạy học.
 
Với phương pháp giảng dạy như trên, thầy đã đóng góp một phần nhỏ bé và kết quả chung của bộ môn Địa lí (bình quân xếp loại khá giỏi môn địa lý là 47,52%, hàng năm có từ 9 đến 12 em đạt học sinh gỏi cấp tỉnh).
Nhận thức rõ ý nghĩa của cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là: Làm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể cán bộ viên chức trong toàn ngành nhận thức những nội dung cơ bản và ý nghĩa về tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của mỗi thầy cô giáo trong hoạt động giáo dục - đào tạo. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ viên chức về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Trong quá trình công tác, thầy luôn giữ vững phẩm chất chính trị vững vàng, gương mẫu trong công việc, đoàn kết, hòa đồng với đồng nghiệp, thực hiệm nghiêm túc các quy định của nhà nước, của cơ quan, gia đình luôn đạt gia đình văn hóa. Với học trò, luôn quan tâm thăm hỏi và tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh của học sinh, công bằng, khách quan trong kiểm tra đánh giá, được học sinh quý mến. 
 
Thầy Hải luôn tích cực thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước: Mỗi giáo viên cần có sự rèn luyện phấn đấu liên tục, không ngừng về đạo đức nhà giáo, không ngừng tự học để  nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cần có tình yêu nghề, say mê với nghề để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, lập những thành tích cho tập thể nhà trường, cho ngành giáo dục.
Hoài Thanh
 
 
 
Ý kiến của bạn