Người đội trưởng dũng cảm quên mình

 9987 lượt xem
BTĐKT – Với tuổi đời còn rất trẻ, 36 tuổi, Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. 
   Anh đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm vụ cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; tìm kiếm, giải cứu được hơn 30 người bị kẹt trong các công trình sụp đổ; tham gia lặn tìm được trên 100 thi thể nạn nhân không may bị tai nạn trên sông nước; phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra lặn tìm được nhiều tang vật hỗ trợ cho công tác điều tra khám phá án… Anh là một trong những gương công an xuất sắc tiêu biểu được vinh danh tại Đại hội Thi đua Vì an ninh Tổ quốc toàn lực lượng công an nhân dân lần thứ VII năm 2015.    
      Đại úy Huỳnh Văn Tuấn được điều động về công tác tại Tiểu đội cấp cứu thuộc Đội Phòng cháy chữa cháy trung tâm, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hồ Chí Minh (nay là Phòng Cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh) từ năm 2001.  Xác định rõ vai trò, trách nhiệm và tính chất công việc được giao, anh đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong công việc, ra sức học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ đi trước để hoàn thành tốt nhiệm vụ. 
     Đại úy Huỳnh Văn Tuấn đã tích cực tham gia nhiều vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: vụ chữa cháy, cứu hộ khẩn cấp liên tục 2 ngày tại Trung tâm thương mại Quốc tế ITC vào ngày 29/10/2002; cứu bệnh nhân tâm thần đang trong tình trạng nguy hiểm ở độ cao trên 20 m tại mái vòm nhà thi đấu Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh; cứu một nữ sinh trường Đại học Tôn Đức Thắng, quận Bình Thạnh có ý định tự tử tại tầng 5 của trường; vụ đương đầu với bệnh nhân tâm thần ở độ cao trên 30 m của trụ điện cao thế 500 KV Bắc Nam thuộc Phường 22, quận Bình Thạnh; vụ cứu sống một nạn nhân nam bị kẹt dưới gầm cầu tàu Cảng Rau quả, Quận 7. Anh đã trực tiếp lặn, tìm được nhiều thi thể nạn nhân bị tai nạn ở sông, rạch, ao, hồ; tìm nhiều vật chứng của các vụ án bị đối tượng ném xuống sông, suối để phi tang, như: súng ngắn, đạn tại tỉnh Lâm Đồng giúp Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an thành phố Hồ Chí Minh phá vụ án bắt cóc tống tiền của đối tượng Bình Kiểm ...  
     Mặc dù nhiều lần bị chấn thương trong công tác, bị kính nổ, rơi cắt mạch máu ở cổ tay (khi cứu người trong đám chảy nhà dân tại chợ An Bình, Quận 5); bị nhiễm khí độc khi xử lý khí Clo tại bệnh viện Từ Dũ, Quận 1 ... , anh vẫn không hoang mang, dao động, tự rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác để truyền đạt, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ qua các buổi huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ. Để lao vào nguy hiểm cứu người khác, các anh đã tự nhận về mình phần hiểm nguy đang chực chờ. Còn nhớ năm 2014, anh Tuấn cùng đồng đội là Đại úy Nguyễn Chí Thành lặn tìm một em bé 3 tuổi trong vụ chìm tàu ở sông Sài Gòn. Hai người phải lặn xuống độ sâu 21m, chui vào khoang hầm máy. Bất ngờ ống thở của anh Thành bị sự cố. Hai anh phải cùng sẻ chia một ống thở, thay nhau thở và bơi ra khỏi con tàu đang sụp đổ dưới nước bởi tác động của dòng nước ngầm xoáy. “Nếu mất bình tĩnh, anh Thành mà phóng thẳng lên mặt nước thì sẽ đụng khoang tàu, hoặc trồi nhanh đều cũng sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Hai anh em đều xử lý tốt tình huống đó nên thoát nạn được”, anh Tuấn nhớ lại. 
    Tháng 12 năm 2010, sau khi thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp tại tàu Dìn Kỷ tỉnh Bình Dương, anh được bổ nhiệm đặc cách giữ chức vụ Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ trung tâm. Với vai trò, trách nhiệm mới, anh luôn đặt công tác xây dựng lực lượng cứu nạn, cứu hộ ngày càng tinh nhuệ, để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Anh luôn đi đầu, vận động cán bộ chiến sĩ tích cực học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các phong trào thi đua do cấp trên phát động.
    Trong công tác chuyên môn, anh không ngừng học hỏi, tiếp thu, vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác cứu hộ, cứu nạn. Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tham mưu soạn thảo các quy trình thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn thường nhật, các tài liệu huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ trong các trường hợp cơ bản. Tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ làm công tác cứu hộ, cứu nạn; văn bản phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên trên địa bàn thành phố và các tỉnh lận cận... Anh luôn xung phong đi đầu trong công tác, phối hợp cùng đồng đội, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy và đã 2 lần phải nhập viện điều trị do bị chấn thương khi thực hiện nhiệm vụ. 
      Là người phụ trách công tác đoàn thể của đơn vị, anh đã chủ động, tích cực, xung kích trong công tác cải cách hành chính, 7 lần tự nguyện hiến máu nhân đạo; thường xuyên tổ chức cho đoàn viên học tập, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, của ngành... Ngày 17/12/2008, trong đợt công tác tại khu vực Tắt sông Trà, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thấy hoàn cảnh khó khăn của người dân địa phương, anh đã phát động, vận động cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp đoàn viên, thanh niên của cơ sở quyên góp tiền, phao cứu sinh, quần áo, gạo... và trực tiếp trao tặng những phần quà tình nghĩa trên cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp cùng Đoàn thanh niên thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè trao tặng phao cứu sinh cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Nhà Bè, trao tặng 16 phần quà cho 16 đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng. Phối hợp với Chi đoàn Phường 10, Quận 10, Chi đoàn công nhân điện Đức Huệ, tỉnh Long An trao quà tình nghĩa cho các em học sinh tiểu học, hộ gia đình nghèo, gia đình cách mạng tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.... Ngoài ra, anh còn tích cực, thường xuyên, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nghiệp vụ chữa cháy cho quần chúng, thanh niên là nòng cốt trong lực lượng PCCC cơ sở...
     Trong sinh hoạt, anh luôn gương mẫu thực hiện lối sống trong sạch, lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân, uy tín của Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh nói riêng và Công an nhân dân Việt Nam nói chung. Anh tận tình hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ nắm bắt về kỹ thuật, kinh nghiệm trong công tác, nhất là lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, anh còn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đánh giá năng lực của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, từ đó có những ý kiến thống nhất trong Ban chỉ huy đơn vị để phân công công tác phù hợp, phát huy sở trường, năng lực, phục vụ công tác tốt hơn, từng bước xây dựng đơn vị vững manh, đoàn kết nội bộ, nghiệp vụ tinh thông, góp phần xây dựng Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
    Với những thành tích xuất sắc, anh đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh …
Nhật Minh
 
 
Ý kiến của bạn