Ông Đặng Văn Thân - tạo bước đột phá cho ngành Bưu điện Việt Nam

 4134 lượt xem
Ông Đặng Văn Thân sinh năm 1932, quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là người đóng vai trò quan trọng và đưa ngành Bưu điện trở thành lĩnh vực tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước. Ông là một trong 18 cá nhân được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới. 

 Năm 1950, ông tình nguyện gia nhập quân đội, làm việc tại một đơn vị thông tin ở Quân khu 9. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc, rồi được cử đi học tại Liên Xô cũ. Năm 1966, tốt nghiệp đại học trở về nước, ông công tác tại Viện Khoa học - Kỹ thuật Bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện. Năm 1984, ông được điều ra Hà Nội giữ trọng trách Quyền Cục trưởng, rồi Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện năm 1986; Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.

Suốt những năm tháng công tác trong ngành Bưu điện, ông đã táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng tập thể Ngành Bưu điện bứt phá khỏi cơ chế cũ với phương châm: Bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa, lấy viễn thông làm khâu đột phá với kế hoạch tăng tốc phát triển giai đoạn từ năm 1993 - 2000 thắng lợi đã xây dựng Ngành Bưu điện trở thành một Ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới theo hướng hiện đại.

Kết quả đạt được trên các lĩnh vực: Phát triển phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, về phát triển máy, xây dựng ngành công nghiệp thông tin, đặc biệt các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách…với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 20 lần so với năm đầu thời kỳ đổi mới 1990. Trong suốt 46 năm gắn bó với Ngành Bưu điện dù ở cương vị nào Ông cũng luôn chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ, CNV để có đủ năng lực tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, hiện đại hóa ngành Bưu điện đồng thời hết lòng quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, CNVLĐ trong ngành Bưu điện. Với thành tích đó, ngành Bưu điện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ông đã có những đề xuất, sáng tạo, đột phá cho ngành Bưu điện Việt Nam: Về công nghệ hiện đại số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa; đề xướng, chỉ đạo phong trào thi đua “Tăng tốc độ phát triển ngành Bưu chính Viễn thông hai giai đoạn 1993 - 1995 và 1996 - 2020; Tìm tòi và thực hiện một loạt các biện pháp khéo léo, sáng tạo, “lấy ngoài nuôi trong”, lách được sự cấm vận của Mỹ để thu hút ngoại tệ và công nghệ cao của nước ngoài để đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Bưu điện”. Bứt phá khỏi tư tưởng ỷ lại, chờ đợi cấp trên, chờ đợi đầu tư của Nhà nước; thông qua hợp tác quốc tế, thông qua cơ chế tự vay tự trả để tạo nguồn vốn phát triển ngành Bưu điện; nhạy bén, kịp thời vận dụng phương thức thu cước các cuộc gọi từ người nhận ở nước ngoài để tăng nguồn ngoại tệ; lấy viễn thông quốc tế làm khâu đột phá để phát triển ngành Bưu điện và đề xuất với Nhà nước một cơ chế giúp ngành Bưu điện tạo vốn nhanh chóng từ các khoản vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh và do ngành Bưu điện tự trả…

Những giải pháp trên đã tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng tốc độ phát triển ngành Bưu điện những năm 1993 - 1995, 1996 - 2000 thắng lợi, đã góp phần để ngành Bưu điện đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực về phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, về phát triển máy, xây dựng ngành công nghiệp thông tin, đặc biệt các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách….là một trong những Ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vị thế của Bưu điện Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết. Với thành tích đó, Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012.

Hoài Thanh

 
Ý kiến của bạn