Huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới

 66 lượt xem
 

Đến với huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) hôm nay, không ít người sẽ ngạc nhiên trước bức tranh nông thôn hoàn toàn khởi sắc, những con đường nhựa, bê tông thông thoáng, những cánh đồng lúa, đồng sen, vườn cây trái bạt ngàn, những căn nhà tường khang trang, những chiếc cầu nối liền những con kênh nơi xóm nhỏ... Đó là những thành quả đến từ sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ và nhân dân huyện trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Một tuyến đường từ mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh (ảnh: Thành Sơn)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ và Đề án xây dựng nông thôn mới của Ủy ban nhân dân tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cao Lãnh đã tập trung tiếp thu, triển khai, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để thực hiện. Qua hơn 10 năm, huyện đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. Đến nay, có 17/17 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), nhiều xã tuy điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỏ rõ quyết tâm phấn đấu để rút ngắn thời gian về đích NTM trước lộ trình. Huyện đã đạt đủ 9/9 tiêu chí Huyện Nông thôn mới. Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng người dân về kết quả xây dựng NTM của huyện Cao Lãnh đạt trên 95%.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thành lập nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới có hiệu quả cao được người dân thực hiện và duy trì, nhân rộng các mô hình: Cánh đồng lúa lý tưởng; ruộng nhà mình; sản xuất xoài rải vụ và bao trái; cây xoài nhà tôi; nuôi vịt rọ chuyên trứng; nuôi gà thảo dược; sản xuất rau an toàn; rau thủy canh; sản xuất tiểu thủ công nghiệp đan lục bình… góp phần giải quyết việc làm cho lao động không có điều kiện tham gia hoạt động các ngành nghề, lĩnh vực cao, giúp tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Đến nay, kinh tế của huyện Cao Lãnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thu hút các doanh nghiệp lớn đến huyện đầu tư hoạt động hiệu quả. Nông nghiệp phát triển theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ 4.0, thông minh, hữu cơ…

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt những kết quả tốt; đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn được chú trọng, phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường, nơi công cộng được nhân rộng... Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa nông thôn ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự antoàn xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM của huyện Cao Lãnh là bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn, địa phương đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là phát huy vai trò của chi bộ Đảng các cấp; vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng; sự hưởng ứng, đồng thuận, đoàn kết chung sức, chung lòng, tích cực tham gia thực hiện chương trình.

Mô hình “Hội quán nông dân góp phần hỗ trợ, giúp nông dân phát triển kinh tế” là một mô hình mới, sáng tạo đã tập hợp quần chúng nhân dân có cùng sở thích, sở trường trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cao Lãnh nói riêng. Hội quán tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với phương châm “Nghe nhau nói, nói nhau nghe”, trên tinh thần tự nguyện, hợp tác của người dân, từ đó đã làm nền tảng cho sự phát triển và thành lập các hợp tác xã hoạt động đúng theo Luật Hợp tác xã hiện hành. Mô hình “Tổ nhân dân tự quản” cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh, có tên gọi ban đầu là Tổ nhân dân tự quản cộng đồng. Với mô hình này đã phân nhóm các hộ gia đình cùng chung khu vực, xóm, ấp vào một tổ để thuận lợi trong việc tập hợp quần chúng triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Mô hình “Doanh nghiệp khởi nghiệp” đã làm xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.

Hiện toàn huyện có trên 330 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiêu biểu như: Mô hình canh tác rau thủy canh của anh Nguyễn Phước Việt Cường (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Công nghệ Xuân Minh, ấp 1, xã Mỹ Hiệp); trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota của anh Võ Duy Khánh, khóm Mỹ Thới, thị trấn Mỹ Thọ; Công ty TNHH Quang Vinh Food, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh... Bên cạnh đó là các mô hình giúp phụ nữ nghèo làm kinh tế, 5 không 3 sạch; các mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình xử lý rác thải bằng nước sinh học EM, Tổ phụ nữ thân thiện với môi trường, Tổ phụ nữ thu gom và xử lý rác thải, Tổ phụ nữ tự quản môi trường... của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Mô hình “Vườn ươm thanh niên” phát huy vai trò, sức trẻ của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng những hàng rào xanh góp phần bảo vệ môi trường...

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Cao Lãnh tiếp tục tập trung duy trì, nâng cao chất lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đô thị, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân.

                                                                                                                                                                                               Tố Quyên

 
Ý kiến của bạn