Tự thuật thành tích của chiến sĩ Ngô Gia Khảm, chiến sĩ số 1 ngành Công nghiệp

 8159 lượt xem
 

 Thưa các đồng chí chiến sĩ,

Thưa các vị đại biểu,
 
Nhân danh một chiến sĩ trong ngành công nghiệp trước hết tôi xin chuyển đến Đại hội lời chào mừng của toàn thể anh chị em công nhân và lao động ở nhà hiện đang nỗ lực thi đua sản xuất và hướng về Đại hội.
 
Riêng tôi, tôi lấy làm vinh dự và sung sướng vô cùng được anh em cử đến đây để báo cáo thành tích thi đua của tôi cùng Đại hội.
 
Tôi xin nói ngay là nếu không có cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng và của Hồ Chủ Tịch thì không làm gì có phong trào thi đua ái quốc, có chiến sĩ thi đua và tôi cũng như các chiến sĩ khác được cái vinh dự như ngày hôm nay không đến đây trình bày thành tích thi đua trước Đại hội.
 
Thật vậy, nếu cứ sống mãi trong cảnh lầm than u tối như trước đây thì tôi không thể mơ tưởng đến điều đó bao giờ.
 
Tôi xin phép Đại hội kể sơ lược đời tôi:
 
Cha tôi là bần nông, tôi sinh được 18 tháng thì cha tôi chết, mẹ tôi đi lấy chồng. Tôi phải đi ở với một ông cậu đi làm cai despot ở Hải Phòng. Năm 16 tuổi, tôi xin vào học việc ở nhà máy Gia Lâm. Hơn 4 năm trời mà tôi chỉ biết có cào đất. Lương mỗi tháng được 2 đồng 60 mà giá cơm hàng thì phải hết 5 đồng, không những thế có tháng tôi lại bị chửi mắng đánh đập đến 15 lần. Sau cùng trải bao nhiêu gian truant tôi mới được học cái nghề thợ nguội.
 
Anh em công nhân hồi đó do bị áp bức bóc lột tàn nhẫn nên liên tiếp nổi dậy tranh đấu đòi tự do và cơm áo. Riêng tôi bị áp bức bóc lột đã đành, lại thấy những cảnh đau thương xung quanh mình, nên lại càng căm tức bọn thực dân. Vì vậy mà tôi tham gia phong trào tranh đấu và dần dần được giác ngộ.
 
Năm 1938 tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Tôi được các đồng chí cho biết phải noi gương Liên Xô, đoàn kết công nhân trong nước và công nhân toàn thế giới để tiêu diệt đế quốc xâm lược. Tôi cũng như người trong tối bỗng được trông thấy ánh sáng mặt trời. Đồng chí Lương Khánh Thiện một trong các lãnh tụ của Đảng hồi đó lại dậy tôi phải suốt đời trung thành với Đảng, tin tưởng ở cách mạng. Tôi luôn ghi nhớ điều đó.
 
Năm 1941, sau một cuộc tranh đấu lớn ở nhà máy Gia Lâm tôi cùng nhiều đồng chí khác bị giặc bắt cầm tù và bị đầy đi Sơn La. Giặc Pháp đã dùng mọi thủ đoạn dã man tra tấn lừa phỉnh hòng khuất phục các chiến sĩ cách mạng, nhưng chúng tôi đã một lòng trung thành với Đảng nên không bao giờ chúng tôi chịu đầu hàng, vẫn luôn luôn tranh đấu đòi cải thiện đời sống nhà tù. Ngày 15/5/1941 chúng tôi nổ cuộc tranh đấu tuyệt thực 11 ngày không ăn, không ở nhà hầm Sơn La.
 
Ra khỏi nhà tù chúng tôi lại tiếp tục hoạt động năm 1944 tôi cùng một số anh em được Tổng bộ Việt Minh giao cho việc sản xuất vũ khí cung cấp cho giải phóng quân Việt Nam mới thành lập. Nhiệm vụ thật là nặng nề và khó khăn, máy móc vật liệu thiếu thốn, kinh nghiệm chưa có, lưới giặc Nhật và Pháp chăng ra như ruồi. Nhưng tôi nghĩ: Đảng và nhân dân đã giao cho nhiệm vụ thi đua, khó khăn nguy hiểm đến đâu cũng phải làm. Lúc đầu, chúng tôi lúng túng quá không biết làm lựu đạn thế nào cả, khi thì dự định làm cách này, khi dự định làm cách khác, thử đi, thử lại vẫn không có kết quả. Chúng tôi lấy thùng dầu để làm lò đúc. Thuốc nổ thì giã bằng chày cối như giã cua.Máy móc chỉ có một cái máy tiện cũ kỹ và chiếc bệ làm bằng thân cây, phì phà phì phò cả ngày. Chúng tôi mày mò, mãi sau mới lượm được quả lựu đạn của Nhật, tháo ra lắp vào, xem cách làm thế nào, sau đó mới chế ra được một số lựu đạn hình quả tim có chữ có chữ VM. Quả lựu đạn đầu tiên chúng tôi sản xuất ra, dùng trong một trận phục kích tại chiến khu Hoàng Hoa Thám đã giết được 11 tên phát xít Nhật. Được tin này an hem chúng tôi ở  trong xưởng sướng quá ôm lấy nhau phấn khởi và cảm động đến nỗi rơi nước mắt.
 
Sau khi khởi nghĩa tháng 8 Chính phủ và đoàn thể giao cho tôi thành lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc để nhồi đạn và các thứ vũ khí khác. Lúc đó tôi đã có 2 con. Tôi không có kinh nghiệm gì về nghề thuốc nổ cả. Bất giác tôi nghĩ đến những tai nạn có thể xẩy ra. Tôi do dự. Nhưng tôi lại nghĩ đến ngày ở Sơn La, nghĩ đến đồng chí Tô Hiệu mặc dầu đã bị ho lao mà vẫn hăng hái đấu tranh, trung thành cách mạng, thì tôi lại hăng hái về nhận nhiệm vụ của Đảng giao cho.
 
Tôi đã cố gắng tim tòi pha hết chất này đến chất khác như một ông lang. Ít lâu, sau nhờ sự cộng tác, nghiên cứu của một số anh em tôi đã tìm ra cách pha thuốc nổ để làm hạt nổ đầu tiên. Sau đó tôi lại có sáng kiến chế ra máy dập mối nổ đạn D.M làm cho năng xuất tăng từ 600 cái lên đến 11000 rồi lại 14.000 cái mỗi ngày.
 
Tiếp đó tôi lại chế ra được máy cắt (thuộc quân bài) làm cho mức sản xuất tăng từ 5 lạng mỗi ngày đến 16 cân mỗi ngày. Nhờ vậy xưởng tôi đã cung cấp được một số đạn cho mặt trận Nam Bộ và Hải Phòng.
 
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi nghiên cứu và thực nghiệm đầu tiên cho việc phá “cô-lô-rat” với “sulfure antimoine” và “photpho” là mấy chất thuốc rất nguy hiểm để làm mồi lửa. Trong lúc sấy mồi lửa thuốc bộc nổ, tôi bị thương nặng, mau chảy ra mồm, mũi và tai, tưởng là chết. Trong lúc đang nằm nhà thương tôi được tin bộ đội giao làm nhiều đạn tiếp tế cho Nam Bộ. Tôi rất lo sợ ở nhà sản xuất không kịp và anh em chưa có kinh nghiệm lại xảy ra tai nạn. Vì vậy, nằm được ít lâu mặc dầu chưa khỏi, mắt chưa trông thấy rõ. Được tin bộ đội thiếu rất nhiều đạn và đạn lại xấu, nên sốt ruột tôi xin về để làm việc.
 
Nhưng đầu tháng 12/1946 lực lượng kháng chiến sắp bùng nổ tôi được lệnh phải nghiên cứu cải tiến phương tiện, phương pháp sản xuất mìn cho đội tự vệ thủ đô. Trong lúc làm việc tôi lại bị thương lần thứ 2 ở tay vì kíp nổ.
 
Được ít lâu khi kháng chiến bùng nổ, xưởng của tôi phải làm việc ngày đêm để cung cấp vũ khí, đạn dược cho bộ đội thủ đô. Một hôm, trong khi anh em đi ngủ, tôi đi xem lại chô sấy thuốc (sấy thuốc lúc bấy giờ rất thô sơ, như ta sấy chuối, sấy cau) than không có phải dùng củi, khi đến chỗ sấy, tôi thấy củi nổ lép bép, nhiều tàn lửa bay lên, tôi chạy vào định giơ 2 tay để dập, nhưng khi vào đến nơi thì thùng thuốc bị nổ, tôi bị cháy xém hết mặt mũi chân tay. Anh em xô vào cứu tôi ra. Lần này tôi tưởng không thể sống được nữa. Nhưng nhờ sự săn sóc chu đáo của anh em trong xưởng, 7 tháng sau tôi mới khỏi. Tay bị co quắp, mặt mũi cháy xém như ngày nay. Có anh em thấy tôi bị tàn tật mà vẫn băn khoăn về công tác thì nói: anh đã vì phục vụ mà bị tàn tật thế này anh cứ yên tâm ở nhà mà nghỉ, anh không cần phải làm gì nữa, đoàn thể, Chính phủ sẽ nuôi anh. Nhưng tôi chỉ lo nếu tàn tật không thể làm gì được nữa để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân thì khổ sở quá. Tôi tự nghĩ dù bị tàn tật, nhưng vẫn còn sức lực phục vụ kháng chiến. Vì vậy cuối năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc, tuy chưa khỏi hẳn, nhưng lại đề nghị với Cục quân giới cho ra nhận vào công tác.

Cục giao cho tôi nhiệm vụ xây dựng cơ sở sản xuất thuốc đen ở khu 10, hoàn cảnh sản xuất khó khăn không kém gì trước, nguyên vật liệu thiếu thốn, tôi đã nghĩ cách dùng những thùng phuy đựng nước để làm thùng sấy thuốc, dùng ống tuýp làm trục chuyên dụng “vô lan” choc hay thay “pinhong”. Tôi lại dùng sức nước để chạy máy “tuốc bin” phản động lực. Trong 1 năm tối đa nghiên cứu cải tiến máy đó đến 3 lần để sức máy được khỏe hơn. Do đó giảm được nhiều nhân công, than củi, và tăng mức sản xuất của xưởng.

Anh em thợ hồi đó, đa số lại là nông dân chưa biết nghề. Trước nhu cầu cấp thiết của chiến tranh tôi lại thấy cần phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn.

Nhờ sự tích cực, cố gắng của toàn thể anh em, chúng tôi tổ chức học tập dân chủ, thực hiện khẩu hiệu “thợ cũ dìu dắt thợ mới” của Tổng liên đoàn. Kết quả sau một thời gian số thợ cốt cán đã lên tới hàng trăm và hơn 90% số thợ nông dân đã trở nên thợ hóa chất.

Với cái đà tiến bộ ấy chẳng bao lâu chúng tôi đã xây dựng được 2 xưởng hóa chất. Xưởng hóa chất hiện tôi làm quản đốc, cũng do anh em chúng tôi xây dựng nên trong quá trình đó.

Suốt trong thời gian từ 1948 đến 1950 nhờ sự hướng dẫn thi đua của cán bộ và công đoàn nhà máy, nhờ sự cộng tác của anh em và nhờ sự hướng dẫn trực tiếp của Cục quân giới đặc biệt là của đồng chí Trần Đại Nghĩa, tôi đã gây được một số thành tích trong việc xây dựng xưởng, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đào tạo thợ mới.

Đầu năm 1951, Đảng lao động Việt Nam công khai hoạt động. Mặt trận dân tộc Việt Minh Liên Việt thống nhất cùng khối liên minh Việt Miến Lào thành lập, những tin thắng trận ở biên giới cùng những thắng lợi của phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo làm cho toàn dân phấn khởi, chúng tôi ra sức thi đua để lấy thành tích chào mừng Đảng và Mặt trận, kính dâng Hồ Chủ Tịch bà đã hưởng ứng phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới.

Tôi đã cùng với anh em trong xưởng gây một phong trào thi đua tập thể, giúp nhau khắc phục khó khăn phát huy sáng kiến. Kết quả trong mùa thi đua: sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ 1951” xưởng tôi là xưởng hóa chất phải chuyển sang làm quân cụ, một lần nữa chúng tôi lại tích cực thi đua chuyển hướng công tác: chung toàn xưởng đã có 49 sáng kiến lớn nhỏ và 4 chiến sĩ toàn mùa, 21 chiến sĩ các Ban và các đơn vị.

Riêng tôi cũng có mấy sáng kiến sau đây:

- Sáng kiến chặt tà vẹt, tiết kiệm được sắt, trước mỗi tà vẹt chặt được 4 chiếc được 4 chiếc, nay chặt được 5 chiếc.
 
- Sáng kiến đan tà vẹt bằng búa may làm tăng từ 7 đến 21 cái. Sáng kiến này sai được đồng chí Vực kiện toàn, làm mặt để cùng lợi nên tăng lên 40 cái. Tôi còn hướng dẫn cho ban rèn tiết kiệm than trong việc đan tà vẹt từ 2 cân xuống 1 cân, trước phải 12 độ, nay còn 4 độ.

- Sáng kiến làm máy dập xẻng tăng năng xuất 8500% trước 2 người gõ 1 xẻng mất 1 giờ 30 phút, nay 1 người dập 1 xẻng mấy 2 phút, tiết kiệm rất nhiều than, trước 1 cân 500 cho 1 xẻng, nay cũng 1 cân 500 cho 10 xẻng.

- Sáng kiến làm khuôn đốt lô tăng 195 % từ 5 phút một lô xuống 20 giây một lô và làm 
 chính xác hơn trước.

Những thành tích trên đây đã đem lại kết quả:

- Tiết kiệm được 3 triệu đồng tiền sắt (chỉ tính tiền công đi thu thập sắt)

- Tiết kiệm được 12 triệu 15 vạn đồng tiền than (trong chương trình làm xẻng)

- Tiết kiệm được 11 vạn giờ trong toàn mùa.

Đây là số lượng nhưng kết quả của các sáng kiến kể trên trong mùa thi đua vừa qua, với sự cộng tác của an hem.

Nhìn lại quãng đường đấu tranh và xây dựng của tôi từ trước đến nay tôi rất lấy làm sung sướng vì đã làm được phần nào nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho. Đảng bảo tôi phải vì quyền lợi của giai cấp, của dân tộc mà đấu tranh. Tôi đã hăng hái đấu tranh và dù có bị tù đầy, tra tấn tôi cũng giữ vững tinh thần và một lòng trung thành với Đảng, với giai cấp và dân tộc. Đảng bảo tôi phải vì cách mạng, vì kháng chiến mà sản xuất. Tôi đã nghe theo lời của Đảng mặc dầu khó khăn nguy hiểm đến đâu tôi cũng làm. Tôi là thợ nguội, nhưng khi cần tôi cũng cố gắng chế tạo thuốc nổ, sản xuất vũ khí, xây dựng nhà máy, 3 lần bị tai nạn, ba lần bị trọng thương nhưng tôi không nản chí. Tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ sản xuất mà Đảng giao cho.

Hồ Chủ Tịch dậy: “Yêu nước phải thi đua”, tôi đã thi đua học hỏi an hem, trau dồi nghề nghiệp, cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cố gắng tận tụy hy sinh vì tổ quốc. Tôi đã giúp đỡ anh em thi đua và một số đã thành chiến sĩ, như chiến sĩ Phạm Quang Đáng vượt mức sản xuất thuốc đến tới 1000%, chiến sĩ Phạm Văn Vực tăng năng xuất 189% cùng một số chiến sĩ khác trong mùa thi đua năm  1951.
 
Đảng bảo tôi: là đảng viên phải xung phong gương mẫu, phải biết lãnh đạo quần chúng.

Tôi đã cố gắng làm sao cho xứng đáng là một người Đảng viên vì Đảng, vì nhân dân mà phục vụ, tôi đã áp dụng lề lối lãnh đạo dân chủ trong việc sản xuất nên đã phát huy được sáng kiến của an hem.

Nói tóm lại, Đảng đã giao cho tôi việc gì là tôi cố hết sức làm và sở dĩ tôi đã làm được như vậy là vì tôi tin chắc ở sự lãnh đạo của Đảng, ở sự thắng lợi tất nhiên của cách mạng (vỗ tay). Tôi thấy nếu không đánh đổ được đế quốc thì không bao giờ thoát khỏi đời lầm than của tôi khi trước. Tôi được toàn thể giáo dục và hướng dẫn, anh em chung quanh giúp đỡ. Riêng bản thân tôi cũng cố gắng nhiều mặc dầu không khỏi còn khuyết điểm. Với sự cố gắng của tôi và sự giúp đỡ của anh em xung quanh, năm 1949 trong mùa thi đua gây cơ sở, phá kỷ lục, rèn luyện cán bộ, cải tiến kỹ thuật. Năm 1950 Đại hội công đoàn toàn quốc tuyên dương tôi là chiến sĩ lao động toàn quốc và tôi được Hồ Chủ Tịch khen thưởng.

Cũng trong năm 1950, trong dịp lễ quốc khánh tôi được chính phủ thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì.

Đến ngày quốc khánh năm 1951, tôi lại được Chính phủ thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Vừa rồi đây, trong hội nghị tổng kết thi đua toàn quốc của ngành công nghiệp tôi được bầu làm chiến sĩ số 1 của ngành công nghiệp và được cử đi dự Đại hội liên hoan chiến sĩ toàn quốc.

Những sự săn sóc và khuyến khích của Chính phủ, của Tổng liên đoàn trên đây làm cho tôi phấn khởi vô cùng, vừa rồi nhân ngày 3/3 ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi được anh em cử lên gặp Bác. Thấy tôi Bác khóc, tôi cũng khóc. Đó là ngày cảm động nhất trong đời tôi. Tôi thấy Bác, thấy Đảng luôn gắn bó với tôi như ruột thịt. Tôi không còn nghĩ gì đến cái thân tàn tật của tôi nữa mà chỉ nghĩ đến nhiệm vụ đối với Đảng, đối với nhân dân.

Thưa các đồng chí chiến sĩ.

Thưa các vị đại biểu,

Tôi đã hứa nhiều với Bác, với Đảng, hôm nay tôi lại xin nhắc lại những lời hứa đó với các đồng chí. Năm nay tôi nguyện tích cực thi đua hơn nữa để cùng anh em thực hiện chương trình sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ năm 1952. Tôi nguyện không bao giờ tự kiêu tự đại và luôn luôn cố gắng học tập các chiến sĩ công nhân, bộ đội và nông dân để tiến bộ, sửa chữa khuyết điểm xứng đáng là một chiến sĩ lao động vì Đảng, vì nhân dân mà phục vụ để tỏ lòng biết ơn nhân dân, biết ơn Đảng, biết ơn lãnh tụ.

Tôi xin hứa đem những kinh nghiệm học tập được ở Hội nghị về nhà phổ biến và cùng anh em trong xưởng nghiên cứu đẩy mạnh phong trào thi đua trong xưởng để kháng chiến mau thắng lợi tiêu diệt thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
 
Ý kiến của bạn