Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn Quốc tế về NNPTNT tổ chức tại Hà Nội ngày 9 và 10.11 với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm giúp Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) từ bài học của các nước trên thế giới.
Câu chuyện của Hàn Quốc, Pháp
Dự diễn đàn, chuyên gia các nước từ châu Á đến châu Âu như Hàn Quốc, Malaysia, Pháp... đã mang đến cho Việt Nam những kinh nghiệm quý báu trong phát triển nông thôn. “Mô hình Làng mới của Hàn Quốc có phù hợp với các nước đang phát triển” là chủ đề mà ông Edward P. Reed- Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Hàn Quốc muốn chia sẻ.
Theo ông P. Reed, mô hình Làng mới (Saemual Undong) rất phù hợp trong thập niên 70 của thế kỷ XX, nhưng bây giờ cần xác định đây là chương trình phát triển cấp quốc gia hay chỉ là can thiệp cấp làng, bởi sẽ rất khó duy trì cấp làng.
Ông cho rằng: “Cơ sở để PTNT là phát triển vốn xã hội (giáo dục, sức khỏe), tăng cường quản trị cấp địa phương, đầu tư nghiên cứu và khuyến nông, cung cấp các thể chế hỗ trợ như giao thông, tài chính... Đặc biệt, cần xác định nông dân là nền tảng phát triển quốc gia”.
Ông Bruno Vindel- Ban châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết: “Pháp đã có chương trình PTNT quốc gia cho 7 năm, từ 2007-2013 với mục tiêu chung là thúc đẩy PTNT trên 3 phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời phát huy tính đa dạng và năng lực của cư dân nông thôn. Chương trình PTNT của Pháp dựa trên 4 trục chính là: Tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp; cải thiện môi trường; đa dạng hóa kinh tế nông thôn; chất lượng cuộc sống”.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước, ông P. Reed đã đánh giá về tương lai nông thôn ở các nước, trong đó có Việt Nam, là phải đối mặt khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước và đất đai. Đồng thời, PTNT phải gắn kết với các công cụ điều tiết thị trường và ngành nông nghiệp.
Nông thôn mới là một quá trình dài
Theo bà Yuriko Shoji- Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, trước khi xác định xây dựng NTM thì cần phải xác định đây là một quá trình, chứ không phải một chương trình hay một dự án và bà cũng đánh giá chương trình NTM ở Việt Nam là một khung chính sách rất tốt, phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận định: “Những kinh nghiệm và đóng góp của các đại biểu chính là những tài liệu quý báu cho Việt Nam trong lĩnh vực PTNT và đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện rõ tầm nhìn và chương trình hành động trong việc triển khai chương trình xây dựng NTM”.
GS Ibrahim Ngah - Đại học Công nghệ Malaysia cũng có quan điểm tương đồng với bà Shoji khi ông dẫn kinh nghiệm về PTNT ở Malaysia. Theo GS Ngah, PTNT luôn được coi là chương trình nghị sự quan trọng của Malaysia. Rất nhiều nỗ lực và nguồn lực đã được đầu tư để cải thiện phúc lợi của người dân nông thôn, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất.
Kinh nghiệm của Malaysia cũng chỉ ra rằng, các phương pháp tiếp cận và các mô hình PTNT cần được triển khai đặc thù theo địa phương với thời gian phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, nguồn lực tài chính...
Theo ông Lương Thế Phiệt- Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NNPTNT): “NTM là một chương trình còn mới, nên trong giai đoạn đầu, chúng tôi đang tập trung vào việc giới thiệu cho quốc tế biết chương trình này của chúng ta. Về ngắn hạn chưa thể kỳ vọng được nhiều về nguồn hỗ trợ tài chính. Hơn nữa, việc hỗ trợ không nhất thiết phải bằng tiền, mà có thể bằng kinh nghiệm, chia sẻ chuyên gia, hoạch định chính sách...”.