Báo cáo do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương trình bày tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, từ đầu năm 2005 cả nước đồng loạt tiến hành Hội nghị điển hình tiên tiến từ cơ sở, từ đó các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ngành trong cả nước tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước. Đại hội thi đua yêu nước của các cấp, các ngành đã tập trung đánh giá kết quả tổ chức các phong trào thi đua và tổ chức thực hiện các chính sách khen thưởng từ cơ sở, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác thi đua – khen thưởng trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó, hôm nay Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII long trọng khai mạc tại Hà Nội – Thủ đô yêu dấu của chúng ta. Đại hội này có nhiệm vụ đánh giá phong trào thi đua yêu nước và kết quả thực hiện chính sách khen thưởng của nhà nước trong 5 năm qua; tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu nhất của phong trào thi đua yêu nước và đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua – khen thưởng lên một tầm cao mới, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trong giai đoạn 2006 – 2010.
PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG 5 NĂM (2001- 2005)
I- VỀ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG
Thực hiện lời kêu gọi của Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI, 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tích cực triển khai các biện pháp cụ thể nhằm đổi mới công tác thi đua – khen thưởng.
Trước hết là triển khai tích cực việc đổi mới công tác thi đua – khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Sau gần 5 năm thực hiện, cuối năm 2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tiến hành tổng kết bước đầu việc thực hiện Chỉ đạo số 35-CT/TW. Việc tổng kết đã chỉ ra những ưu, khuyết điểm trong chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng trên phạm vi cả nước; từ đó Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 39-CT/TW chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua – khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cũng chính trong thời gian này, Luật Thi đua – Khen thưởng được Quốc hội thông qua và từng bước đi vào cuộc sống. Nhờ đó, các phong trào thi đua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo từ cơ sở và đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ.
Đặc biệt, để thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 31-CT/TTg về phát động đợt thi đua đặc biệt nhằm động viên toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra.
Cùng với các phong trào thi đua, công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, khởi sắc, thực sự trở thành động lực thúc đẩy các lĩnh vực công tác phát triển. Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo thực hiện chính sách khen thưởng những người có công trong 2 cuộc kháng chiến theo chỉ thị số 26-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ; việc khen thưởng những thành tích đột xuất, cũng như khen thưởng trong các dịp sơ, tổng kết các phong trào thi đua trên khắp các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội – quốc phòng – anh ninh – từ cơ sở đến trung ương cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đã trở thành động lực tinh thần khích lệ mỗi người dân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Từ bài học rút ra tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI, 5 năm qua Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể các cấp đã đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua – khen thưởng; bám sát thực tiễn ở cơ sở, phát hiện, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; dấy lên các phong trào thi đua, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia để tập trung các nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
II. VỀ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG.
5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản do công cuộc đổi mới đem lại, nước ta gặp không ít khó khăn, thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế trình độ thấp; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; tình hình thế giới diễn ra hết sức phức tạp, nhất là sau sự kiện 11-9-2001 ở Mỹ; những nhân tố đe dọa hòa bình, an ninh tăng lên, nhân dân thế giới đang đứng trước thách thức lớn về nhiều mặt. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và đã đạt được những thành tựu quan trọng: Nền kinh tế nước nhà đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển toàn diện, GDP tăng bình quân 7,5 %/năm, đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2005, tỷ trọng giá trị nông, lâm, ngư nghiệp còn 19% (kế hoạch 20-21%), công nghiệp khoảng 42% (kế hoạch 38-39%), dịch vụ khoảng 39% (kế hoạch 41-42%). Hoạt động xã hội có nhiều tiến bộ trên một số mặt, việc gắn phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội có chuyển biến tốt, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, chỉ số phát triển con người được nâng lên; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được tăng cường, hoạt động đối ngoại được mở rộng; công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có tiến bộ trên ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy; công tác xây dựng Đảng được coi trọng.
Sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc trong 5 năm qua đạt được những thành tựu nêu trên một phần quan trọng có sự đóng góp của công tác thi đua khen thưởng. Các phong trào thi đua trên khắp các lĩnh vực, khắp các ngành, các địa phương, từ cơ sở đến trung ương đã lôi cuốn hàng triệu người tham gia, tích cực đóng góp trí tuệ và sức lực vào việc thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chung.
A. CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA
1. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế
- Các phong trào thi đua trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông, vận tải, bưu chính viễn thông đã đảm bảo góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định cho toàn ngành. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,7%/năm, cao hơn 2,6% so với mục tiêu đề ra; năng lực sản xuất của nhiều ngành được tăng cường, đã sản xuất ra nhiều sản phẩm mới có khối lượng lớn, một số sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển với nhiều ngành nghề đa dạng. Ngành xây dựng đã có bước tiến đáng kể theo hướng hiện đại, cả trong lĩnh vực xây dựng công trình, vật liệu xây dựng, kiến trúc và quy hoạch. Năng lực vận tải tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, với nhiều loại phương tiện và phương thức thuận lợi. Bưu chính viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa
Cùng với sự tăng trưởng của sản xuất, kinh doanh, phong trào thi đua trong lĩnh vực này cũng phát triển mạnh mẽ đưa lại hiệu quả cao. Nhiều phong trào thi đua được triển khai với quy mô lớn, có hiệu quả thiết thực, đó là :”Phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo” “Phong trào năng xuất, chất lượng, hiệu quả cao” “Phong trào chất lượng cao, hao phí ít”.
Trong ngành thủy sản, phong trào “Nâng cấp và đổi mới điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế” đã đem lại hiệu quả cao, trong 5 năm 2001-2005 xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD tăng 46,27% so với 5 năm trước; chỉ trong năm 2005 xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mức chỉ tiêu Đại hội IX đề ra 2,5 tỷ USD. 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của ngành điện lực đã góp phần quan trọng tạo ra bước phát triển mới, không ngừng lớn mạnh, giữ vững vị trí, vai trò xứng đáng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do biết phát động và nuôi dưỡng các phong trào thi đua, ngành than đã hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001- 2005 trước 2 năm ghi một mốc son mới trong lịch sử phát triển của ngành. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc ngành giao thông vận tải có bước phát triển đột phá cả về số lượng, chất lượng, chủng loại; đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô khách và đóng tàu. Ngành bưu chính viễn thông 5 năm qua tiếp tục thực hiện thắng lợi chiến lược tăng tốc, nên đã có bước phát triển mới, ngang tầm với các nước trên thế giới, tạo tiền đề phát triển cho một số ngành khác.
Qua các phong trào thi đua đã nổi lên nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đáng chú ý nhất là: Tổng công ty Dệt – May, Tổng công ty điện lực, Tổng công ty than, Tổng công ty Sông Đà…, đó là những đơn vị sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao; Công ty Cao su Thống Nhất, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dây và cáp điện Tân Trường Thành, doanh nghiệp tư nhân nhuộm, dệt vải Phước Thịnh – thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đã sản xuất được nhiều mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Tổng công ty Khánh Việt thuộc tỉnh Khánh Hòa là một mô hình, sản xuất kinh doanh đa nghề đạt hiệu quả cao, vốn tài sản được bảo tồn, không ngừng phát triển, với 3.300 cán bộ công nhân viên, thu nhập của người lao động liên tục tăng, năm 2003 Tổng công ty nộp ngân sách 1.011,46 tỷ đồng, chiếm trên 1/3 tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Quảng Ninh) thuộc Bộ Công nghiệp, mới hoạt động được hơn 7 năm với 500 lao động, năm 2004 nộp ngân sách 212 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2005 nộp 87,3 tỷ đồng, trong 5 năm đóng góp cho các loại quỹ từ thiện, xã hội 2,8 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Minh Phú, tỉnh Cà Mau năng động, sáng tạo hàng năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 150 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 2,4 triệu đồng/tháng; Công ty Cố phần dệt 10/10, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Việt Hà, Công ty điện lực 2, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kim khí Thăng Long và Công ty Xuân Hòa thuộc thành phố Hà Nội; Công ty vận tải đa phương thức – Bộ giao thông vận tải; Nhà máy đóng tàu Bến Kiền; Nhà máy đóng tàu Sông Cấm; Công ty xe lửa Gia Lâm, Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh; Bưu điện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; Bưu điện Càng Long, tỉnh Trà Vinh là những con chim đầu đàn nổi lên qua phong trào thi đua của các ngành.
Phong trào thi đua trong khu vực kinh tế tập thể xuất hiện trên nhiều mô hình hợp tác mới, làm ăn đạt hiệu quả cao, thu hút ngày càng nhiều lao động, đời sống của xã viên không ngừng được cải thiện. Tiêu biểu có Hợp tác xã Vận tải đường song Rạch Gầm, tỉnh Tiền Giang, Hợp tác xã Công nghiệp Song Long, thành phố Hà Nội…
Trong thành tích chung của các tập thể, có công lao đóng góp không nhỏ của các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và của những người lao động trực tiếp. Họ đã đi đầu trong lao động, phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển của đơn vị, họ chính là những Anh hùng, những chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến được tập thể suy tôn.
Trong 5 năm qua trên lĩnh vực này, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho 73 tập thể, cá nhân và 207 chiến sĩ thi đua toàn quốc. Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã suy tôn, biểu dương hàng vạn chiến sĩ thi đua có nhiều điển hình tiên tiến.
Tôi đề nghị Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương đi đầu phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, giao thông, vận tải và bưu chính viễn thông.
- Các phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001-2005 của ngành. 5 năm qua, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,4%/năm, vượt kế hoạch đề ra (4,8%). Kinh tế nông thôn phát triển đa dạng, nhiều ngành nghề được khôi phục và phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp điện, trường học, trạm y tế, chợ…được đầu tư nâng cấp, đời sống nông nghiệp và nông thôn đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua có tác dụng mạnh mẽ tới các hoạt động của lĩnh vực này, như phong trào “Tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến”, phong trào “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng, trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm” đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân; mô hình “Liên kết 4 nhà” đã gắn các hoạt động của nông dân với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và đơn vị quản lý, đem đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao. Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” phát triển sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đã giúp cho hàng triệu hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm và giúp những người khác biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống, tiêu biểu như: Ông Nguyễn Đăng Nùng, nông dân xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây từ một nông dân nghèo đã vươn lên thành một chủ doanh nghiệp, mỗi năm có doanh thu 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động nông nhàn, nhân rộng nghề ra 12 xã, mỗi năm ủng hộ các loại quỹ từ 6 đến 8 triệu đồng: Ông Y Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nông dân xã Đắk Nrung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Lắk mỗi năm thu 260 triệu đồng từ sản xuất cà phê, hồ tiêu và nuôi heo, giúp 12 hộ nghèo vay 70 triệu đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất. Hàng trăm tấm gương là những nông dân, ngư dân đi đầu trong phong trào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm giàu và giúp đỡ mọi người làm kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Những phong trào đó đã thực sự trở thành động lực phát triển làm cho đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt hàng ngày.
Trong 5 năm 2001 – 2005, Nhà nước đã tuyên dương 25 Anh hùng và tập thể Anh hùng, Thủ tướng Chính phủ đã phong tặng 65 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các Bộ, ngành, địa phương đã tôn vinh, công nhận nhiều chiến sĩ thi đua và biểu dương khen thưởng những tấm gương đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn.
Tôi đề nghị Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương đi đầu trong sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Các phong trào thi đua trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch đã tạo động lực cho thương mại, dịch vụ phát triển nhanh. Nổi bật nhất trên lĩnh vực này là các hoạt động xuất khẩu, với kim ngạch tăng trưởng 5 năm liền. Các doanh nghiệp làm nhiệm vụ thương mại và lưu thông hàng hóa, xuất khẩu đã không ngừng góp phần tăng kim ngạch nhờ mở rộng, phát triển thị trường mới và mặt hàng mới.
Trên thị trường nội địa, các công ty thương mại thuộc các thành phần kinh tế đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn hàng với giá cả ổn định phục vụ các nhu cầu thiết yếu và cho sản xuất ở những thời điểm nhạy cảm. Nhu cầu về các mặt hàng vật tư, thiết bị chủ yếu phục vụ sản xuất (như xi măng, sắt thép, hóa chất, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón) và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu về cơ bản được đáp ứng kịp thời.
Dịch vụ du lịch có bước phát triển mới về chất, 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành vẫn không ngừng phát triển, lượng khách du lịch và thu nhập du lịch hàng năm liên tục tăng trưởng trên 10%. Đạt được thành tích trên là do ngành đã tổ chức phát động các phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú trong đó tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng cao”, phong trào: “Hướng dẫn viên giỏi, thanh lịch”, phong trào: “Giữ gìn trật tự trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch”… Các phong trào trên đã được cán bộ, công nhân viên toàn ngành tích cực thực hiện, đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu là những tập thể, cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động như: Công ty du lịch Hòa Bình thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Công ty du lịch Hương Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế…
Ngành Tài chính đã tích cực đổi mới, mở rộng việc khoán thu – chi ngân sách; tăng cường quản lý chi, động viên đông đảo cán bộ, công chức trong ngành, cũng như khen các đơn vị chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, có mức nộp ngân sách cao, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Hoạt động của các ngân hàng, kho bạc có nhiều cố gắng, đổi mới nhanh để hòa nhập được với các nước trong khu vực và thế giới, kinh doanh an toàn và có bước đi phát triển. Điển hình trong các phong trào thi đua đó là: Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh Ngân hàng Công thương quận Đống Đa, thành phố Hà Nội…
5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân ở lĩnh vực này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền biểu dương khen thưởng.
Tại Đại hội này, chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương sáng đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.
2. Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội
- Ngành Giáo dục – đào tạo đã đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, gắn với việc thực hiện các cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương – trách nhiệm”, “Xã hội hóa giáo dục”, “Gia đình hiếu học” đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, giáo viên, học sinh đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Qua tổng kết phong trào thi đua từ năm 2001-2005, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được suy tôn, biểu dương trong tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học; trong đó nổi lên là: Trường đại học sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, trường Trung học cơ sở Hợp Giang, tỉnh Cao Bằng, Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, thành phố Hà Nội, Trường phổ thông trung học năng khiếu Trần Phú, thành phố Hải Phòng, Trường phổ thông trung học Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Trường tiểu học thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La; 3 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 52 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 642 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều học sinh đã có những sáng tạo trong học tập và ứng dụng công nghệ mới, tiêu biểu như em Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, sinh năm 1992 là học sinh lớp 7A1, Trường Trung học cơ sở Ngô Tất Tố, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt 2 cúp vàng: Giải thưởng Công nghệ thông tin truyền thông Châu Á – Thái Bình Dương tại Bawngkok (2003) và Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên quốc tế tại Tokyo (2004).
Đại hội chúng ta trân trọng ghi nhận thành tích của những học sinh khuyết tật, đã vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng, quyết tâm vươn lên học tốt; trong đó có nhiều em đạt kết quả xuất sắc như em Nguyễn Thị Ngọc Tâm, học sinh lớp 7, Trường phổ thông cơ sở Yên Quang, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định; em Đào Viết Anh, 17 tuổi, học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Eakar, tỉnh ĐắkLắk bị tật cả 2 tay do di chứng của chất độc da cam đã vượt lên số phận, miệt mài tập viết bằng chân, đến nay đã học xong trung học cơ sở, năm nào em cũng đạt danh hiệu tiên tiến, cháu ngoan Bác Hồ. Những tấm gương trên đại diện cho hàng triệu tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
- Các phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, thông tin đã tập trung vào thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” 5 năm qua phát triển cả về chất và lượng, được sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và trở thành một phong trào thi đua lớn trong cả nước, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa” tiếp tục phát triển sâu rộng; năm 2000 có 8,7 triệu/16,5 triệu hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đến năm 2005 tăng lên 12,8 triệu/17,9 triệu hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Qua tổng kết các phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa thông tin đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu nổi lên là: Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, NSUT. Nguyễn Lan Hương, Nhà hát tuổi trẻ…
- Phong trào thi đua trong ngành y tế đã hưởng ứng vào mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng trong cộng đồng dân cư. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động như: Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng thương bệnh binh nặng Liêm Cần, Hà Nam, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư tiến sĩ Lê Đăng Hà, Viện trưởng Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Giáo sư tiến sĩ Trần Quy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội…là những đại diện xứng đáng cho hàng vạn tập thể, cá nhân đã được tôn vinh, kính trọng.
5 năm qua, phong trào xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện đã tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các bệnh viện, các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều đơn vị và cá nhân trong ngành đã nêu cao tấm gương phục vụ, không quản khó khăn, không sợ lây nhiễm, tận tụy trong phục vụ người bệnh, đó là cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Phong Tuy Hòa, Quy Nhơn, Bác sĩ Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm mắt Ninh Thuận hết lòng vì bệnh nhân nghèo được nhân dân suy tôn là thầy thuốc của người nghèo. Đặc biệt y sĩ Nguyễn Thanh Hải là người miền xuôi tự nguyện đến làm việc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Trà Leng, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã cứu sống một em bé sơ sinh, từ đó giúp đồng bào dân tộc xóa đi một tập tục lạc hậu là khi sinh nở nếu mẹ chết thì cùng chôn con theo mẹ. Cho tới nay, anh Hải vẫn khắc phục mọi khó khăn để nuôi cháu bé. Những tấm gương như thế chúng ta không thể kể hết ở Đại hội này.
- Trong lĩnh vực thể dục thể thao, phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thể thao thành tích cao có nhiều khởi sắc, tại các giải thi đấu quốc tế và khu vực đoàn thể thao của nước ta đã đạt nhiều huy chương và luôn xếp thứ hạng cao. Đặc biệt, tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEAGAME 22) đoàn Việt Nam đoạt được 346 huy chương các loại, trong đó có 158 huy chương vàng, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ nhất trong khu vực. Đại hội thi đua yêu nước lần này biểu dương và nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của các huấn luyện viên, vận động viên đã mang lại vinh quang cho thể thao Việt Nam. Tiêu biểu trong phong trào là các huấn luyện viên: Lê Công (karatedo), Nguyễn Xuân Thi (wusshu), Huỳnh Anh (thể hình), Trương Ngọc Để (taekwondo) và các vận động viên: Thúy Hiền (wusshu), Lý Đức (thể hình), Nguyễn Mạnh Tường (bắn súng), Nguyễn Thị Tĩnh (điền kinh), Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karatedo) và còn rất nhiều huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu khác mà tên tuổi của họ được đông đảo người hâm mộ trong và ngoài nước biết đến và kính phục.
- Hoạt động văn nghệ, báo chí, phát thanh truyền hình có bước phát triển khá về nội dung, hình thức và chất lượng. Phong trào thi đua trong các lĩnh vực này đã khích lệ người lao động sáng tạo ra nhiều chương trình mới có sức lôi cuốn, hấp dẫn khán, thính giả, độc giả, góp phần tích cực tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là Báo nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Lao động, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến có nhiều khởi sắc. Nội dung các phong trào hướng vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phong trào đã thu hút nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều đề tài áp dụng khoa học được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là việc đưa giống lúa lai, ngô lai có năng xuất cao vào sản xuất, phát triển nuôi cá chim trắng, tôm càng xanh… Nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học đã bám sát thực tế sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới có năng xuất, chất lượng cao, như: Viện lúa đồng bằng Sông Cửu Long, Viện nghiên cứu ngô, Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Long, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoan, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã cùng tập thể bộ môn tạo ra dòng lúa Việt lai 20, 24, 27 và 36, thạc sĩ Nguyễn Cơ Thạch, cán bộ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Thủy sản), Kỹ sư Hồ Quang Cua, tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu được nhiều giống lúa thơm cao sản, góp phần quan trọng vào việc nâng cao số lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam.
- Các phong trào thi đua thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm thu được nhiều kết quả to lớn; vừa qua tại Hội nghị Thiên niên kỷ, những thành quả to lớn của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo được Liên Hợp Quốc và các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Các phong trào “Đền ớn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, các phong trào từ thiện nhân đạo thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực văn hóa xã hội.
3. Trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính và ngoại giao
- Các lực lượng vũ trang nhân dân, 5 năm qua các phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân”… đã được kế thừa và phát triển sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Thi đua thực sự là động lực thúc đẩy, động viên cán bộ, chiến sĩ, vươn lên về mọi mặt, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Tổng kết các phong trào thi đua 5 năm 2001 – 2005 hàng chục hàng ngàn tấm gương cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang được tuyên dương, làm sáng rõ phẩm chất người chiến sĩ nhân dân. Đặc biệt, có những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, giữ yên cuộc sống của nhân dân, đó là gương dũng cảm chiến đấu hy sinh của các liệt sĩ Phạm Xuân Phong, Và Bá Giải, Phạm Văn Điền, Hồ Văn Hà, Phạm Văn Cường…
Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
- Các ngành trong khối nội chính trong những năm qua tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phong trào vận động toàn dân: “Sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đặc thù công tác của mình đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua; nhờ đó đã hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
- Trong lĩnh vực ngoại giao, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động đối ngoại của ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra thế và lực mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạt được kết quả đó là nhờ ngành Ngoại giao đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, qua đó đã khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của mỗi cán bộ, nhân viên tập trung nghiên cứu tình hình, tham mưu để Đảng, Nhà nước có chính sách đối ngoại phù hợp, đẩy nhanh quá trình hội nhập các hoạt động quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và ở các tổ chức quốc tế cũng có nhiều đổi mới, tiến bộ, góp phần làm cho thế giới hiểu rõ quan điểm, đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam; đồng thời giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện ổn định làm ăn; sinh sống và góp phần xây dựng quê hương. Nổi lên trong các hoạt động 5 năm qua có tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng và một số vụ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban biên giới, một số Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài…
Tôi đề nghị Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước của các lĩnh vực nội chính và ngoại giao.
4. Trong lĩnh vực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị
Trong những năm qua, bên cạnh phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế, việc củng cố và đổi mới hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị được xem là một khâu quan trọng, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Về công tác xây dựng Đảng, 5 năm qua, trong các tổ chức Đảng đã khơi dậy phong trào thi đua thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, như “Xây dựng chỉnh đốn Đảng”, “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cơ sở Đảng”, “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”… Nhờ vậy, dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn ở trong nước, những biến động bất lợi trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Đảng ta vẫn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều Đảng bộ và hàng nghìn gương đảng viên điển hình tiên tiến phấn đấu hết sức mình vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc; nhiều cấp ủy từ cơ sở đến trung ương đã thực sự có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, chèo lái phong trào, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh do Đại hội cấp mình đề ra.
- Trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở đã có nhiều phong trào thi đua nhằm thực hiện tốt các chủ trương cải cách hành chính, thực hiện dân chủ cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước; phong trào thi đua xây dựng “văn hóa công sở”, xây dựng “người công chức kiểu mẫu”…Những việc làm đó đã thực sự đem lại một diện mạo mới trong hoạt động của chính quyền các cấp, người dân đỡ bị sách nhiễu hơn, các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội đã có được hành lang hành chính – pháp lý thông thoáng hơn. Nhiều địa phương đã triển khai toàn diện các biện pháp cải cách, bước đầu thu được kết quả tốt, được nhân dân đồng tình ủng hộ như: Thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…
- Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân 5 năm qua đã tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua, Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì tổ chức sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và phong trào xây dựng “Nhà đại đoàn kết”; xóa nhà dột nát cho người nghèo; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo” của Ủy ban tăng ni, phật tử và giáo dân tích cực hưởng ứng, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các ngành, các cấp liên tục tổ chức phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” “Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật” và cuộc vận động “Xây dựng người cán bộ, công chức trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, giỏi chuyên môn”. Hội nông dân Việt Nam với các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” đã thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế” và phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hội cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hội viên phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ tổ quốc” và phong trào “Cháu ngoan Bác Hồ”…đã thu hút được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đại hội chúng ta nhiệt liệt biểu dương những tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
B- CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Cùng với việc tổ chức các phong trào thi đua, 5 năm qua, công tác khen thưởng có tiến bộ đáng kể; bên cạnh việc Nhà nước khen thưởng, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương có nhiều thành tích khen thưởng phong phú, tính kịp thời trong khen thưởng được thực hiện tốt hơn. Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương đã chú trọng và quan tâm khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, là tấm gương tiêu biểu, các Bộ, các địa phương mới đề nghị Chính phủ và Chủ tịch nước khen thưởng, khen thành tích đột xuất, khen tài năng trẻ và khen các tập thể, cá nhân người nước ngoài được quan tâm hơn trước đây. Việc khen thưởng đã chú ý đúng mức đến sự kết hợp 2 yếu tố tinh thần và vật chất, nên đã kịp thời động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân hăng hái làm việc. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 26-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương khen thưởng thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, tới nay Nhà nước đã xét tặng thưởng 536.908 Huân, Huy chương kháng chiến.
Trong hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và các cá nhân là Việt kiều, người nước ngoài. Để ghi nhận công lao của họ, trong thời gian qua Nhà nước đã xét tặng thưởng 394 Huân, Huy chương Hữu nghị.
5 năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chứ phát động nhiều phong trào thi đua sâu rộng, đều khắp, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Với thành tích đó, kể từ sau Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI đến nay, Nhà nước đã tuyên dương 274 tập thể Anh hùng lao động (trong đó có 174 anh hùng lao động, 100 Anh hùng Lực lượng vũ trang), 75 cá nhân Anh hùng (trong đó có 61 Anh hùng Lao động, 14 Anh hùng lực lượng vũ trang) và 689 Chiến sĩ thi đua toàn quốc và 1.651 cá nhân, tập thể Anh hùng về thành tích trong 2 cuộc kháng chiến; 6.170 người được phong tặng danh hiệu Vinh dự nhà nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được tặng thưởng Huân, Huy chương trong thời kỳ đổi mới.
Ngoài các hình thức khen thưởng của Chính phủ và Chủ tịch nước, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương còn có nhiều thành tích khen thưởng phong phú, kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành, địa phương mình.
Kết quả lao động quả cảm, sáng tạo, cần cù của hàng chục triệu người lao động ở khắp mọi miền của Tổ quốc để đất nước ta có bước tiến đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, đã thực hiện kế hoạch thắng lợi 5 năm (2001 – 2005) mà Đảng và Chính phủ đã đề ra; công lao đó trước hết thuộc về nhân dân lao động trong đó có hàng triệu tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, họ đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu nhất đã vinh dự có mặt tại Đại hội này.
Đại hội chúng ta một lần nữa nhiệt liệt biểu dương các cấp, các ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã hăng hái thi đua vượt qua mọi khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
III. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM, YẾU KÉM VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
A – NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM, YẾU KÉM
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, 5 năm qua, phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn có một số thiếu sót, khuyết điểm sau:
1. Trước hết, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua – khen thưởng tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa được đầy đủ và sâu sắc; nhất là thi đua, khen thưởng trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nhiều nơi xem nhẹ thi đua, nặng về khen thưởng, một số nơi lại chỉ chú trọng tổ chức thi đua, xem nhẹ công tác khen thưởng, cả hai khuynh hướng trên đều không đúng; phương châm “Cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua – khen thưởng” chưa được thực hiện tốt.
2. Việc tổ chức phong trào thi đua chưa đều, chưa toàn diện, rộng khắp trên các lĩnh vực, thành phần kinh tế. Các phong trào thi đua ở khối sản xuất, kinh doanh, đoàn thể được phát động, duy trì và đạt kết quả rõ; trong khối hành chính sự nghiệp, một số cơ quan Đảng, chính quyền các phong trào thi đua chưa được thường xuyên phát động và duy trì; nội dung thi đua còn chung chung, thiếu những chỉ tiêu và giải pháp cụ thể. Trong sản xuất, kinh doanh thì khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài chưa được chú ý đúng mức, còn nhiều lúng túng cả về nội dung và cách thức tổ chức.
3. Một số nơi thi đua còn nặng về hình thức, tác dụng và hiệu quả thực tiễn còn chưa cao, kết quả của một số phong trào thi đua chưa rõ, chưa thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, vì vậy chưa khơi dậy được tính tự giác, hào hứng tham gia thi đua của các cấp, tầng lớp nhân dân, thi đua chưa thật sự trở thành phong trào của quần chúng.
4. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua chưa đi vào nền nếp; nhiều nơi khi tổ chức phát động thi đua làm rất rầm rộ nhưng sau đó lại không tích cực triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng phong trào “có phát mà không động”; việc kiểm tra đôn đốc phong trào chưa được thực hiện thường xuyên; sơ kết, tổng kết chưa sâu, còn nặng về hình thức. Một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có phong trào thi đua nhưng lại chưa thật sự quan tâm đến tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển phong trào mạnh hơn. Phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng diển hình tiên tiến còn lúng túng.
5. Công tác khen thưởng chưa gắn chặt với phong trào thi đua, việc tiến hành xét khen thưởng còn bị động, thiếu kịp thời, có trường hợp thiếu tính chính xác; chưa thực hiện tốt nguyên tắc công bằng, dân chủ và công khai. Việc khen thưởng chưa toàn diện, bao quát hết các giai tầng xã hội; khen thưởng đối với khu vực quốc doanh, vùng sâu, vùng xa, tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp còn ít, khen thưởng trong các cơ quan Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Một số đơn vị tổ chức đón nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng còn phô trương, gây lãng phí, chưa thật sự tiết kiệm. Việc khen thưởng thành tích trong 2 cuộc kháng chiến làm quá chậm, nhà nước đã 2 lần gia hạn, nhưng tới nay toàn quốc vẫn còn tồn đọng hàn chục ngàn trường hợp chưa được giải quyết dứt điểm.
Những khuyết điểm, yếu kém trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
1. Trước hết, ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Bộ, ngành, đoàn thể chưa có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua – khen thưởng. Do đó, một số nơi lãnh đạo Đảng, Chính quyền còn coi nhẹ công tác này; vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phong trào thi đua chưa được phát huy đúng mức. Một số nơi, lãnh đạo chủ chốt chưa trực tiếp phát động, tổng kết thi đua, còn khoán trắng cho Hội đồng thi đua và các đoàn thể thực hiện. Chưa có nhận thức đúng về thi đua, khen thưởng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng chưa thật sự sâu rộng. Việc tuyên truyền, giới thiệu gương điển hình tiên tiến làm còn ít so với thông tin phản ánh về các hiện tượng tiêu cực xã hội. Chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền.
3. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác thi đua – khen thưởng còn nhiều bất cập, chưa thống nhất; cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng từ trung ương đến địa phương chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, mới tập trung làm nghiệp vụ khen thưởng, cán bộ có năng lực tổ chức phong trào thi đua còn ít. Vai trò tư vấn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp chưa được phát huy đầy đủ; sự phối kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tổ chức phong trào thi đua có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
B- MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG.
Qua đánh giá phong trào thi đua và công tác khen thưởng 5 năm 2001-2005, chúng ta có thể rút ra một số bài học:
Một là, công tác thi đua – khen thưởng chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ ở những nơi tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đều chủ động, tích cực tham gia vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Cấp ủy Đảng luôn là hạt nhân lãnh đạo chính trị, vạch ra đường lối, chủ trương; chính quyền đề ra các chính sách, giải pháp phù hợp, hỗ trợ các hoạt động của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; Mặt trận và các tổ chức đoàn thể có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác thi đua – khen thưởng.
Hai là, phong trào thi đua phải có nội dung, mục tiêu rõ ràng, thiết thực, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác thi đua – khen thưởng phải bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống thực tiễn, phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Bài học này đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ làm công tác thi đua – khen thưởng phải bám sát phong trào và cơ sở để phát hiện, nuôi dưỡng những việc làm tốt, cách làm hay, động viên hướng dẫn phong trào phát triển nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế đặt ra.
Ba là, phong trào thi đua phải được tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; phát huy tốt vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong giáo dục, vận động quần chúng tích cực tham gia thi đua yêu nước. Phải coi trọng đúng mức việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thương; chỉ nơi nào tổ chức tốt việc theo dõi phong trào, chú ý nâng cao chất lượng công tác tổng kết thì nơi đó mới duy trì và từng bước được nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua – khen thưởng. Trong sơ kết, tổng kết, bên cạnh việc tôn vinh các điển hình tiên tiến, một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng là đúc rút kinh nghiệm, thể hiện được những suy nghĩ và cách làm của các điển hình tiên tiến, từ đó mới có cơ sở để phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào.
Bốn là, việc khen thưởng phải kịp thời gắn liền với kết quả hoạt động của phong trào thi đua thì mới phát huy hết tác dụng khuyến khích, động viên những người tốt, việc tốt; bên cạnh đó phải linh hoạt áp dụng các hình thức khen thưởng phù hợp với từng đối tượng mới có tác dụng động viên, khích lệ; có đối tượng phải khen vật chất để hỗ trợ họ thực hiện các mục tiêu đề ra, có đối tượng phải có hình thức tôn vinh để ghi công trạng; việc khen thưởng phải hài hòa giữa khen vật chất và động viên tinh thần.
Năm là, nơi nào tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ có trình độ ngang tầm với nhiệm vụ thì nơi đó có hiệu quả công tác thi đua – khen thưởng được duy trì và thường xuyên được tăng cường. Bộ máy làm công tác thi đua – khen thưởng phải được đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ.
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG 5 NĂM (2006-2010)
5 năm 2006 – 2010 là khoảng thời gian có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu của thế kỷ XXI do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra. Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong 5 năm (2001 2005), mục tiêu phát triển chung của đất nước trong 5 năm (2006-2010) là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; huy động và sử dụng mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh hơn. Đến năm 2010: tổng sản phẩm trong nước GDP tăng gấp 2,1 lần so với năm 2000; mức GDP bình quân đạt 7,5%-8%/năm, đồng thời nỗ lực phấn đấu cao nhất để có thể đạt trên 8%/năm”.
Để đạt mục tiêu chung đó, công tác thi đua – khen thưởng phải tiếp tục đổi mới theo tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW và Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị để thực sự trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy các ngành, các cấp vươn lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010).
I. MỤC TIÊU CỦA PHONG TRÀO THI ĐUA VỚI CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Trong 5 năm (2006-2010), nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh hết sức nặng nề, đòi hỏi mọi lĩnh vực hoạt động phải có những nỗ lực vượt bậc để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung. Là lĩnh vực hoạt động có tác động mạnh tới ý thức và tinh thần làm việc của mọi người lao động, công tác thi đua – khen thưởng hướng tới các mục tiêu:
Một là: Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai công tác thi đua – khen thưởng trong những năm qua, trong 5 năm (2006-2010), công tác thi đua – khen thưởng phải tập trung khắc phục những yếu kém trong thời gian qua, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua – khen thưởng lên một tầm cao mới, biến nó thực sự trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội phát triển.
Hai là: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó công tác thi đua – khen thưởng phải hướng mạnh, có kết quả vào việc hướng dẫn, động viên, khích lệ các giai tầng xã hội nhằm lôi cuốn, phát huy được cao nhất năng lực của mỗi người góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh.
II. NHIỆM VỤ CỦA PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG
Để đạt được mục tiêu trên, trong 5 năm tới, công tác thi đua – khen thưởng phải tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
1. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác thi đua – khen thưởng. Trong đó các cấp ủy Đảng đóng vai trò lãnh đạo đề ra chủ trương, mục tiêu của công tác thi đua – khen thưởng; chính quyền các cấp đề ra được các chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ của công tác thi đua – khen thưởng; Mặt trận và các đoàn thể làm nhiệm vụ tập hợp, hướng dẫn, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện những công việc cụ thể của công tác thi đua – khen thưởng; mỗi một công dân Việt Nam phát huy truyền thống, ý thức tự hào của dân tộc, tự giác, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội để góp sức mình vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung.
2. Công tác thi đua – khen thưởng phải tập trung vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nội dung thi đua phải tập trung vào việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của địa phương mình; đồng thời phải hướng tới giải quyết có kết quả những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở. Việc đề ra các mục tiêu các phong trào thi đua phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, dễ hiểu, sát với thực tế, phải phân đoạn công việc theo thời gian để thuận tiện trong việc theo dõi, tổng kết, kịp thời động viên mọi người thực hiện. Hình thức thi đua phải đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi để mọi người dễ hiểu, dễ theo dõi và dễ tham gia vào việc đánh giá, suy tôn điển hình tốt.
3. Đổi mới công tác theo dõi, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua để không ngừng nâng cao tác dụng của phong trào. Theo dõi sát sao phong trào thi đua để kịp thời uốn nắn những sai sót về phương cách tiến hành, đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng được những điển hình, những nhân tố mới của phong trào. Việc sơ kết, tổng kết cần phải được tiến hành nghiêm túc mới đánh giá được thực chất, tác dụng của phong trào, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng làm chiếu lệ, làm để hoàn thành một công việc, mà không thể phổ biến, nhân rộng được những cách làm hay, những suy nghĩ táo bạo, có tính đột phá.
4. Đổi mới công tác khen thưởng, để mỗi hình thức khen thưởng đều thực sự khích lệ, động viên mỗi tập thể, mỗi cá nhân tích cực làm việc. Việc khen thưởng, tuyên dương các gương tốt phải thường xuyên, đều khắp, phải chú trọng động viên các lĩnh vực hoạt động, các vùng miền khó khăn, kịp thời động viên những việc làm tốt, những gương người tốt.
Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ trên, cần phải duy trì và phát triển mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực chủ yếu sau đây:
1. Thi đua phát triển kinh tế nhanh, bền vững: Tiếp tục giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp.
2. Thi đua xây dựng và phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế: Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo, phát triển giáo dục toàn diện, phát triển hệ thống trung tâm giáo dục cộng đồng, đẩy mạnh phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; phát triển phong trào thể dục thể thao để không ngừng nâng cao sức khỏe của nhân dân, nâng cao trình độ khoa học công nghệ ngang tầm với các nước trong khu vực, từng bước tiếp cận tới trình độ khoa học tiên tiến trên thế giới.
3. Thi đua giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vững mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Quyết thắng”, “Bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Vì an ninh Tổ quốc”…trong lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
4. Thi đua xây dựng, củng cố hệ thống chính trị: Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh; nâng cao sức chiến đấu của cơ sở Đảng; tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ và triệt để, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước; đẩy mạnh công cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo, giỏi chuyên môn”, tạo ra diện mạo mới cho chính quyền các cấp; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
5. Thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện; xây dựng và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đấu tranh có hiệu quả với quốc nạn tham nhũng; duy trì và không ngừng phát triển các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, các phong trào từ thiện, nhân đạo phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để những người có hoàn cảnh khó khăn cải thiện cuộc sống, có cơ hội vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THI ĐUA – KHEN THƯỞNG.
1. Ngay sau khi Đại hội kết thúc, các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể phải tập trung tuyên truyền, quán triệt kết quả của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII, để mọi tầng lớp nhân dân thấy được vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua trong những năm vừa qua; đồng thời phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị để triển khai có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Đại hội. Tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW và những quy định cụ thể của Luật Thi đua – Khen thưởng.
2. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị số 31-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm kết thúc thắng lợi việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 – 2005) do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra, tạo thế lực mới để bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010).
3. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phải xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức, bố trí đủ, đúng cán bộ có năng lực, có nhiệt tình làm công tác thi đua – khen thưởng của các địa phương, các đơn vị thực sự trở thành một cơ quan nghiên cứu, tham mưu đắc lực, giúp cấp ủy, chính quyền triển khai thắng lợi mọi nhiệm vụ của công tác thi đua – khen thưởng.
4. Khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Thi đua – Khen thưởng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị triển khai công tác thi đua – khen thưởng trong thời gian tới. Tăng cường phối kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác thi đua – khen thưởng. Tăng cường nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác thi đua – khen thưởng, đặc biệt là thi đua, khen thưởng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng các phong trào thi đua và công tác thi đua và công tác thi đua – khen thưởng, thời gian qua, các cấp, các ngành, các đoàn thể đã tiến hành Đại hội để phân tích, đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu của công tác thi đua – khen thưởng, tại Đại hội này một lần nữa chúng ta cùng nhìn lại kết quả thực hiện các nhiệm vụ của công tác thi đua – khen thưởng trên phạm vi cả nước. Vui mừng, phấn khởi với những thành quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng nhất trí cao với nhau rằng: Thành tích trên lĩnh vực công tác này có nhiều, nhưng vẫn còn một số thiếu sót, khuyết điểm cần phải sớm được khắc phục. Với tinh thần tiến công cách mạng, Đại hội chúng ta thể hiện tinh thần quyết tâm phấn đấu đưa công tác thi đua – khen thưởng phát triển lên một tầm cao mới.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, triệu người như một, nêu cao ý chí, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, quyết tâm đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006-2010), đưa nước ta vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.