Giai đoạn 2011-2015 là khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020). Theo tinh thần đó, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung thực hiện mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
I – MỤC TIÊU
Phong trào thi đua phải phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn của toàn dân tộc, hướng phong trào thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ
1.1 Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc “càng khó khăn thì càng phải thi đua” và tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị, kết luận số 83/KL.TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trước hết từ các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp, thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng.
1.2 Tổ chức các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở; đồng thời phong trào thi đua phải nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ công tác trọng tâm như: Phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực…, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn như: Ô nhiễm môi trưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, giảm thiểu tai nạn giao thông, xóa đói giảm nghèo…, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2011-2015) của từng Bộ, ngành, địa phương và cả nước theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
1.3. Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
1.4. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chống mọi biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng; thi đua khen thưởng thực sự phải là động lực to lớn và là biện pháp quan trọng xây dựng con người mới, tăng cường khen thưởng đơn vị cơ sở và người lao động trực tiếp, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
2. Giải pháp
2.1. Tập trung công tác tuyên truyền kết quả Đại hội thi đua các cấp và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, phổ biến các bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn; tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo nội dung, tinh thần kết luận số 83-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X)
2.2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng; chuẩn bị tích cực cho việc trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học lý luận và tổng kết thực tiễn về thi đua, khen thưởng.
2.3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng theo tinh thần Đề án 30 của Chính phủ, triển khai hoạt động Cổng thông tin điện tử của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đáp ứng và phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
2.4. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể nhân dân tạo phong trào hành động cách mạng tự giác của toàn dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước.
2.5. Đổi mới, sắp xếp cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, có kế hoạch cụ thể xây dựng đội ngũ cán bộ; tăng cường, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có bước tiến bộ rõ rệt; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm để sớm đề ra được các giải pháp khắc phục. Với tinh thần thi đua, đổi mới, Đại hội chúng ta biểu thị tinh thần quyết tâm, phấn đấu đưa công tác thi đua, khen thưởng pháy triển lên một tầm cao mới.
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.