Những nội dung cơ bản và các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

 321 lượt xem
 

Sáng nay 14/10/2020, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Anh Tuấn và lãnh đạo Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Tổ chức - Biên chế, Văn phòng Bộ Nội vụ.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Công chức – Viên chức và Vụ Chính quyền địa phương đã giới thiệu những nội dung cơ bản và điểm mới của hai luật sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) giới thiệu những nội dung cơ bản và các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức. Luật gồm 3 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 về hiệu lực thi hành.

Những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức

Về đối tượng là công chức và áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác

- Không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (sửa Khoản 2 Điều 4; bỏ Điểm c Khoản 1 Điều 32); giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước (Khoản 3 Điều 84); đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ (Điều 85).

- Không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng đối với đối tượng này trong doanh nghiệp nhà nước (Khoản 4 Điều 84).

- Bổ sung và giao Chính phủ quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác (áp dụng đối với cả người có hành vi vi phạm trước ngày 01/7/2020) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm; gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật (Khoản 5 Điều 84).

Về chính sách trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ

Giao Chính phủ quy định khung chính sách, trên cơ sở đó phân cấp cho người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý (Điều 6).

Về tuyển dụng công chức

- Bổ sung đối tượng xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng (ngoài đối tượng cam kết làm việc 5 năm trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn) (Khoản 2 Điều 37).

- Bổ sung và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả (Điều 39).

- Bổ sung và quy định rõ các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức từ cấp huyện trở lên đối với viên chức, cán bộ và công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước và người đã từng là cán bộ, công chức (Khoản 3 Điều 37).

Về nâng ngạch công chức

Bổ sung quy định “xét nâng ngạch” đối với 02 trường hợp: (1) có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong suốt thời gian giữ ngạch hiện giữ; (2) được bổ nhiệm chức vụ gắn với yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn ngạch hiện giữ (Điều 44 và Điều 45); đồng thời giao Chính phủ quy định thẩm quyền (phân cấp) tổ chức thi, xét nâng ngạch cho phù hợp (Điều 46).

Về đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức

- Sửa cụm từ “phân loại đánh giá” thành “xếp loại chất lượng” và bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” trong mức “hoàn thành nhiệm vụ” đối với cán bộ, công chức để thống nhất với quy định của Đảng (Điều 29 và Điều 58).

- Bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thẩm quyền quy định cụ thể việc đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc (Điều 56).

Về kỷ luật cán bộ, công chức

- Quy định ba loại thời hiệu xử lý kỷ luật: 02 năm, 05 năm và các trường hợp không áp dụng thời hiệu (Điều 80). Theo đó: a) Thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. b)Thời hiệu xử lý kỷ luật là 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc quy định tại điểm a. Đối với các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật gồm: 1) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; 2) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; 3) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; 4) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

- Nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày; bổ sung quy định thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật (Điều 80).

- Quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật (không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nếu bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm chức vụ trong thời hạn 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức).

Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức

Về đánh giá viên chức

Theo Luật Viên chức năm 2010, việc đánh giá viên chức được thực hiện hàng năm; khi kết thúc thời gian tập sự; trước khi ký tiếp hợp đồng làm việc; thay đổi vị trí việc làm; xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

Luật sửa đổi lần này quy định về đánh giá viên chức được xem xét đánh giá đối với viên chức thông thường và viên chức quản lý. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau: a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; c) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; d) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; đ) Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

Ngoài ra, viên chức quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau: a) Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; b) Kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.

Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau: a) Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch; b) Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này.

Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức

- Quy định ba loại thời hiệu xử lý kỷ luật: 02 năm, 05 năm và các trường hợp không áp dụng thời hiệu (Điều 53). Theo đó: a) Thời hiệu xử lý kỷ luật là 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. b) Thời hiệu xử lý kỷ luật là 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc quy định tại điểm a. Đối với các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật gồm: 1) Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; 2) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; 3) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; 4) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

- Nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày; bổ sung quy định thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật (Điều 53).

Về xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác

Luật giao Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác Và việc xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày Luật có hiệu lực (ngày 01/7/2020) thì được thực hiện theo Luật mới.

Về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp và quản lý đơn vị sự nghiệp công lập

Giao Chính phủ quy định chi tiết về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp (trừ lĩnh vực y tế và giáo dục) và chế độ quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả (Điều 9).

Về ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức

- Sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 tháng đến 60 tháng đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày 01/7/2020. Đồng thời quy định rõ 03 trường hợp: 1) đã tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; 2) cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; 3) viên chức được tuyển dụng sau ngày 01/7/2020 nhưng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn áp dụng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (Điều 25).

- Bổ sung quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức; trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản (Điều 28).

Về khắc phục một số bất cập trong thực tiễn

- Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nếu viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự (Điều 29).

- Sửa đổi quy định về hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc để khắc phục tình trạng lợi dụng hưởng các chế độ này khi chuyển công tác hoặc trước khi nghỉ hưu (Khoản 1 Điều 45). Ngoài các nội dung nêu trên, còn thay thế (Khoản 12) và bỏ (Khoản 13) một số cụm từ trong các điều khoản của Luật cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của văn bản pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương giới thiệu những nội dung cơ bản và các điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 38 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật gồm 4 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Điều 3 quy định về điều khoản thi hành và Điều 4 quy định về điều khoản chuyển tiếp.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ

Thứ nhất, về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 để xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 để xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Bổ sung khoản 9 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

- Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2: Bỏ cụm từ "và thống nhất" để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong việc thống nhất trong quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

- Sửa đổi, bổ sung điểm đ Khoản 2: Bổ sung nội dung hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ .

- Sửa đổi, bổ sung khoản 10: Bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ tại Khoản 3 Điều 23.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 5 và Khoản 9: Bổ sung quy định về cho từ chức và biệt phái (tại Khoản 5) và cụm từ điều động, luân chuyển, biệt phái (tại Khoản 9) để thống nhất với thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 8: Bỏ quy định thẩm quyền của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quyết định thành lập các tổ chức phối hợp liên ngành để bảo đảm thực hiện thống nhất theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ và Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 40: Giao thẩm quyền cho bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị, bảo đảm số lượng cấp phó phù hợp với phạm vi, đối tượng và khối lượng công việc của từng đơn vị thuộc Bộ.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền

- Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Luật bổ sung quy định cụ thể để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền (sửa đổi, bổ sung các điều 11, 12, 13, 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương).

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về mô hình chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt, mềm dẻo trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 4 để khẳng định nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 xác định, đó là: chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 44 và Điều 58 về chính quyền địa phương ở quận và phường theo hướng: chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 72 về chính quyền địa phương ở hải đảo theo hướng: trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Đồng thời, để tránh tình trạng tổ chức đồng nhất như nhau giữa các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo với địa bàn ở nông thôn, đô thị, Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 72 theo hướng Quốc hội phân quyền cho Chính phủ, theo đó cơ cấu tổ chức của các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo theo quy định của Chính phủ.

- Đối với chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật quy định việc tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó (Điều 75).

Về cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân

- Về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân: quy định giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính (từ 10% đến 15% mỗi đơn vị hành chính).

- Về thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã và số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện:

+ Quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

+ Giảm 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện (từ 02 người xuống còn 01 người), thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

+ Quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.

- Về Phó Trưởng Ban Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: quy định trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có 01 Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có 02 Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách.

Về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã

Quy định Ủy ban nhân dân cấp xã loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch (tăng 01 so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương)

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương

Nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về việc hợp nhất các văn phòng, Luật sửa đổi các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương mang tính khái quát, quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật (không chỉ rõ các Văn phòng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương); đồng thời không quy định chức danh Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như đã nêu ở trên và những điều khoản trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương có nêu về chức danh Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Về kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội hàng năm của cấp xã

Luật bổ sung quy định Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp xã (do Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng) trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt tại Khoản 4 Điều 33, Khoản 3 Điều 61, Khoản 3 Điều 68 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về một số nội dung khác

- Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 94, Khoản 1 Điều 101 về nội dung tiếp xúc cử tri và thôi làm nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 128 để thực hiện việc tổ chức lại các đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Bãi bỏ Khoản 4 Điều 9.

- Thay cụm từ họp bất thường trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thành họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.

                                                     Quang cảnh Hội nghị

                                                                                                                                                                                                          Trí Đức

 
Ý kiến của bạn