Từng đoạt học bổng danh dự tại Đại học Augsburg (bang Minnesota, Hoa Kỳ), là học sinh trung học tiêu biểu của bang Tennessee năm 2009 và được chọn làm đại biểu nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế uy tín... nhưng lại quyết định dừng hẳn việc học sau khi hoàn thành năm 2, quay về Việt Nam theo đuổi một dự án mà bản thân đã ấp ủ bấy lâu. “Tôi nhận thấy kiến thức từ nhà trường có vẻ chưa theo kịp với sự thay đổi chóng mặt của thế giới công nghệ ngoài kia” - Trần Minh Sơn (sinh năm 1991) đồng sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành ứng dụng Lozi Hà Nội nói về quyết định từng gây “sóng gió” với gia đình.
Với ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, anh bắt tay vào thực hiện dự án Lozi (Lozi = Lo gì) từ tháng 7 năm 2012 và đã thuyết phục được 3 người bạn khác cùng tham gia vào dự án, trong đó có 2 người cũng quyết định rời ghế nhà trường để theo đuổi đam mê.
Nhóm sáng lập Lozi: Nguyễn Hoàng Trung (ngoài cùng, trái), Trần Minh Sơn, Nguyễn Đức Huy, Đoàn Minh Tú. Ảnh: NVCC.
Bỏ dở việc học để theo đuổi dự án này, bốn chàng trai phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ gia đình và sự can ngăn, lo lắng của bạn bè. Trần Minh Sơn chia sẻ: “Quyết định nghỉ học của chúng tôi không được gia đình ủng hộ. Nó như là một cú sốc đối với bố mẹ. Nhiều người nghĩ chúng tôi chơi bời, học không được thành ra phải bỏ học về nước. Bố mẹ buồn và lo lắng vì không rõ công việc con mình đang làm”. Minh chứng lời giải thích thuyết phục nhất cho lý do rời ghế nhà trường giữa chừng chỉ có thể là kết quả chứ không phải biện minh mình đang hay sẽ làm gì, làm như thế nào, bốn người bạn hăng say bắt tay thực hiện dự án Lozi. Bất chấp sự phản đối, lo lắng từ gia đình, bạn bè, các thành viên của Lozi làm việc ngày đêm; vì theo các bạn, món quà mà các bạn dành tặng cho bố mẹ đó là thành quả chứ không phải là đang làm gì và đây cũng là lời giải thích thuyết phục nhất của các bạn.
Thời gian đầu khi mới thành lập, Lozi gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, bị hàng chục nhà đầu tư từ chối. Sơn và các cộng sự đều làm việc không có lương và phải “ăn laptop, ngủ laptop” khắp các quán cà phê hoặc bất kỳ khoảng không gian nào có WiFi tại Hà Nội vì chưa có kinh phí thuê mướn mặt bằng làm việc, Sơn thì ngại về nhà vì sợ “chạm mặt” người thân. Thêm vào đó, việc kinh doanh chưa sớm đem lại thành công lợi nhuận, lại còn gánh nặng đời sống hàng ngày, khiến không ít lần dự án đứng trước nguy cơ tan rã.
Khó khăn lớn nhất mà Lozi gặp phải là huy động vốn. Sơn và các bạn tìm mọi cách giới thiệu dự án đến hàng chục nhà đầu tư nhưng đều bị từ chối, ngay cả khi sản phẩm đã được nhiều bạn trẻ đón nhận. Các nhà đầu tư cho rằng mô hình còn quá mới mẻ nên khó có cơ sở để đoán định về tiềm năng, hoặc họ chưa nhận ra điểm khác biệt giữa Lozi với các trang web ẩm thực khác như Foody, amthuc365... Không cho phép mình bỏ cuộc, bốn chàng trai dồn tâm huyết, tiếp tục hoàn thiện và phát triển Lozi.
Các thành viên xây dựng Lozi đều còn rất trẻ, nhiều bạn còn đang là sinh viên.
Ảnh: NVCC.
Những nỗ lực của bốn thành viên sáng lập Lozi dần dần đem lại quả ngọt. Năm 2013, dự án Lozi đạt giải Nhì trong cuộc thi "Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Tháng 1/2014, phiên bản web đầu tiên của Lozi chính thức trình làng sau 9 lần làm đi làm lại. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, “Lozi.vn” đã trở thành địa chỉ tên miền quen thuộc của nhiều người có nhu cầu tìm kiếm về ẩm thực Việt Nam. Dù chỉ mới ra mắt vào đầu năm 2014, trang Facebook của Lozi cũng có trên 117.000 thành viên. Lozi là nơi chia sẻ địa điểm ăn uống, món ăn, giá cả... cho giới trẻ. Khi đi ăn ở bất cứ đâu, bạn có thể tự gửi hình và đăng bài cảm nhận về món ăn hay quán hàng đó cho mọi người cùng biết. Còn với tư cách người tìm kiếm thông tin, cho dù bạn là du khách hay là dân công sở đang tìm chỗ “bù khú”, bạn muốn đi ăn một mình hay với nhóm đông người, với người yêu hay với gia đình… đều dễ dàng nhận được từ Lozi những thông tin mình cần.
Tháng 5/2014, họ nộp ý tưởng cho dự án Vietnam Silicon Valley (dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ) và nhận được khoản đầu tư 10.000USD ngay trong năm đó khi lượng truy cập Lozi.vn đạt 150.000 lượt mỗi ngày. Có nguồn thu, họ có thể trả lương cho nhân viên và mở văn phòng ở cả TPHCM và Hà Nội. Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, công ty lần lượt ra mắt ứng dụng cho iOS và Android. Ngoài đồng vốn nhận được từ đề án Vietnam Silicon Valley và một nhà đầu tư thiên thần khác của Singapore, sau đó, Lozi được quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan rót vốn với định giá khoảng 2 triệu USD. Với khoản tiền đó, Lozi sẽ tiếp tục phát triển giải pháp công nghệ với mục đích liên kết trực tuyến giữa chủ nhà hàng với người dùng, đồng thời thực hiện tham vọng mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á. Lozi cũng sẽ tập trung giải quyết vấn đề quan trọng để người dùng được trải nghiệm ứng dụng tốt hơn. Tham vọng của bốn “ông chủ” là làm cho Lozi trở thành ứng dụng tìm kiếm đồ ăn mặc định trong điện thoại của mỗi người dân sống tại các thành thị Việt Nam, giúp họ không còn phải băn khoăn về việc hôm nay ăn gì, ở đâu? Ngoài Việt Nam, hiện Lozi đã xuất hiện ở Singapore và Nhật Bản. Sơn cho biết, họ đang có tham vọng vươn ra nhiều nước khác ở Đông Nam Á.
Tự nhận là Lozi may mắn khi đi tiên phong trong mô hình ứng dụng tìm kiếm, chia sẻ trải nghiệm ẩm thực này đúng thời điểm tốc độ sử dụng Internet của người Việt Nam tăng vọt, nhưng Trần Minh Sơn cũng khẳng định điều quan trọng là họ nhìn ra được tiềm năng đó: “Liên quan đến khả năng phát triển của sản phẩm, chúng tôi biết sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, có đúng thời điểm và mọi người có đón nhận nó hay không?”.
Hỏi Sơn nếu như Lozi thất bại, liệu Sơn có hối tiếc vì đã đánh đổi việc học ở Mỹ để quay về Việt Nam khởi nghiệp hay không? Sơn nói: “Điều Sơn và các bạn xác định là phải theo đuổi cái mình muốn làm một cách triệt để. Đã có ý định cái gì thì phải làm. Có thể thành công hay thất bại nhưng vẫn phải làm cái đã”, Sơn quả quyết. Còn việc bỏ học, Sơn cho rằng, mình và các bạn chỉ tạm ngưng học tại môi trường đó thôi chứ không có nghĩa là không tiếp tục học nữa. Bởi lẽ, trong quá trình khởi nghiệp của mình, Sơn và các bạn đã học được rất nhiều. “Trong quá trình đó, tôi đã tích lũy được những kinh nghiệm đáng giá mà bằng cấp không nói lên vấn đề gì cả”. “Tôi chưa từng hối hận về một quyết định từng khiến nhiều người thân bị sốc ngày nào”.
Hiện nay Lozi đã có hơn 2.000 cửa hàng đăng ký, 2,7 triệu người dùng thường xuyên và doanh thu 300 ngàn đô la Mỹ năm 2015 từ khoản phí thu được 200 đô la Mỹ mỗi cửa hàng phải trả hàng tháng để được quảng cáo trên Lozi.vn. Dự án của Sơn và cộng sự đã thực sự trở thành tấm gương về khởi nghiệp, thôi thúc nhiều người trẻ vào đam mê sáng tạo và lập nghiệp./.
Hoàng Mai