Bắc Kạn- Hội Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

 3916 lượt xem
Xác định người nông dân có vị trí rất quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vì họ vừa là chủ thể vừa là đối tượng hưởng lợi từ chương trình, những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác, các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tập trung tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng nông thôn mới đến hội viên, nông dân. 

Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ, mở hội nghị, biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự lực tự cường vươn lên của nông dân, tạo sự đồng thuận trong nông dân. Đồng thời, tăng cường củng cố xây dựng tổ chức Hội, nâng cao chất lượng hoạt động ở chi, tổ hội, cũng như chất lượng hội viên. 

Ngoài ra, các cấp hội cũng triển khai nhiều phong trào thi đua như: Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc… nhằm khích lệ hội viên và nông dân địa phương phát huy nội lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 
Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo điều kiện tương trợ giúp đỡ các hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn về khoa học kỹ thuật; hàng nghìn cây, con giống, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, vật tư, hàng hoá, hàng ngàn công lao động, sức cầy kéo, hàng trăm triệu đồng tiền vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn hộ; tạo việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/lao động/tháng và đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ giàu, khá giả, góp phần giảm tỷ lệ nghèo bình quân của tỉnh. Tiêu biểu có các hộ, như: Hộ ông Đỗ Quốc Lĩnh, ông Hoàng Văn Thuận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đã giúp đỡ được trên 60 lượt hộ nghèo về kinh tế trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, tạo việc làm theo thời vụ; Hộ ông Lưu Chấn Thụ, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đã hỗ trợ tạo việc làm theo thời vụ cho 4 -8 lao động địa phương lúc nông nhàn và  trên 450 ngày công mỗi ngày công, có giá trị từ 130 nghìn đến 180 nghìn đồng; giúp các hộ nghèo trong thôn được 500 cây giống; Hộ bà Quan Thị Giang thôn Thôm Mèo xã Xuân La, huyện Pác Nặm giúp 30 hội viên nghèo trong chi hội, trong đó có 5 hộ đã thoát nghèo; Hộ ông Đặng Phúc Ngụ xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn hằng năm gia đình giúp đỡ tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động; đầu tư hàng chục triệu đồng tu sửa đường liên thôn; Hộ ông Đặng Văn Long thị trấn Chợ Mới với mô hình chăn nuôi Rắn kết hợp dịch vụ; hằng năm đã tạo việc làm cho hàng chục lao động đảm bảo thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng; Hộ ông Hoàng Lâm Thưởng xã Kim Lư, huyện Na Rì với HTX chế biến miến dong và nông sản; hàng năm đã tạo việc làm lúc nông nhàn cho hơn 30 lao động; Hộ gia đình bà Đào Thị Huyền xã Kim Lư, huyện Na Rì với mô hình nuôi lợn thịt và lợn nái kết hợp sử dụng Bioga, ủ chua thức ăn chăn nuôi trừ chi phí cho thu nhập mỗi năm 516 triệu đồng và phổ biến kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật cho 750 người… 
  
Các hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
 
Ngoài việc khích lệ, động viên các hộ tích cực tương thân, tương ái tạo điều kiện giúp đỡ nhau vươn lên, các phong trào thi đua còn tạo động lực cho các hộ đóng góp sức người, tiền của và hiến đất để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, từ năm 2014 đến nay, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn được 1.865.830.000 đồng, hơn 235.244 ngày công lao động, hiến hơn 70.392 m2 đất làm các công trình phúc lợi; làm mới và sửa chữa 312,56 km đường bê tông, sửa chữa kiên cố 305 km kênh mương nội đồng; sửa chữa 57 cầu cống, 27 phòng học và 54 công trình điện… Các địa phương tiêu biểu trong đóng góp xây dựng nông thôn mới là Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn. Các xã tiêu biểu là Tú Trĩ, Đức Vân, Thượng Ân, Mỹ Phương, Quảng Khê, Địa Linh; chi hội nông dân thôn Coọc Mu, xã Hoàng Trĩ vận động hội viên hiến 5.700 m2 đất để làm đường từ trung tâm xã đến thôn; xã Tân Lập hiến 3.000m2 đất, xã Thanh Vận hiến 2.721m2 đất... Các hộ hội viên nông dân tiêu biểu tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới là:  Ông Hoàng Văn Hoàn, xã Tú Trĩ  (huyện Bạch Thông); ông Hoàng Văn Hải, xã Mỹ Phương; ông Triệu Văn Ngự, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể); bà Nguyễn Thị Cừ, xã Thượng Ân và hộ ông Nông Ngọc Tùng, xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn)... Đến nay diện mạo nông thôn Bắc Kạn đã đổi thay đáng kể, đã có 03 xã đạt 19/19 tiêu chí, 01 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 36 xã đạt 10 - 14 tiêu chí…
Môi trường được xem là một trong số những tiêu chí khó thực hiện đối với các địa bàn nông thôn. Tuy nhiên, phát huy vai trò bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện mô hình "Năm không, ba sạch”,"Sạch nhà, tốt ruộng” gắn với việc triển khai xây dựng nông thôn mới. 
Từ năm 2014 đến nay đã xây dựng được 43 mô hình "Sạch nhà, tốt ruộng", thường xuyên duy trì các hoạt động vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, điển hình có chi hội Tiền Phong, xã Địa Linh, huyện Ba Bể; chi hội Bản Lù, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới; các chi hội thuộc xã Quân Bình, huyện Bạch Thông,... Thông qua các mô hình đã nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Từ những hoạt động, mô hình trên đã giúp hội viên nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn ở địa phương ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc; vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội, qua đó góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Châu Anh 
 
 
Ý kiến của bạn