Nữ cán bộ quản giáo gương mẫu

 1294 lượt xem
Vượt qua những khó khăn về giới, Trung tá Nguyễn Quế Chinh, cán bộ đội Quản giáo, Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác quản lý các đối tượng tạm giữ, tạm giam và người bị kết án tử hình. 

Trại Tạm giam Công an tỉnh Hà Nam hiện có 14 cán bộ, được phân công công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hồ sơ, quản giáo, bảo vệ, hậu cần, y tế, cấp dưỡng… Mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng, nhưng đều chung sự vất vả, hy sinh, bởi thường xuyên phải thường trực chiến đấu, không có sự phân biệt giữa nam và nữ cán bộ. Đặc biệt, đối với công việc quản giáo trong một môi trường làm việc nhiều áp lực, nam giới làm quản giáo đã khó, với phụ nữ, cái khó ấy còn gấp bội, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, sẻ chia, hiểu tâm lý tội phạm, vừa cứng rắn lại phải mềm mỏng. “Chúng tôi luôn phải đóng nhiều vai, lúc như một người mẹ, người chị, người bạn, lúc lại là một cán bộ nghiêm khắc, với tâm niệm phải làm hết sức mình để thức tỉnh được bản năng con người trong mỗi phạm nhân.” - Trung tá Chinh chia sẻ.

Công việc của của một nữ cán bộ quản giáo là quản lý giáo dục, cảm hóa người bị tạm giữ, bị can, phạm nhân nữ, làm thế nào để thuyết phục bị can chịu khai nhận hành vi tội lỗi của mình phục vụ cho công tác điều tra, tử tù chịu cải tạo, tuân thủ các quy định của Trại.

Những công việc ấy, có tận mắt chứng kiến mới thấy khó khăn, vất vả đến nhường nào, bởi trong Trại Tạm giam, chị phải tiếp xúc với những bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, số đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, hoạt động di động trên địa bàn, khi bị bắt, giam giữ thường có biểu hiện tiêu cực như thường xuyên la hét, có thái độ không hợp tác, thậm chí chống đối quyết liệt, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý giam giữ. Hiện nay, Trại tạm giam đang quản lý 19 đối tượng bị kết án tử hình (15 nam, 4 nữ). Thêm vào đó, có nhiều đối tượng bị nhiễm HIV, lao phổi hoặc các bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo khác nên việc tiếp xúc rất nguy hiểm, khiến cho công tác quản lý, giam giữ số đối tượng này rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây mất an toàn; cán bộ quản giáo nếu không kiên nhẫn, không có bản lĩnh thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vượt qua những khó khăn khi bản thân là nữ, làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với phạm nhân, với chức trách nhiệm vụ được giao, bản thân chị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, sở trường, tích cực trau dồi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức về pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ người bị tạm giữ, tạm giam, người bị kết án tử hình theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn buồng giam giữ trong mọi tình huống góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đội và đơn vị. Trong công tác quản giáo buồng giam, chị luôn chủ động nắm tình hình về buồng giam và tình hình diễn biến tư tưởng, sức khỏe của các đối tượng đặc biệt là các đối tượng trọng điểm, đối tượng trong các vụ trọng án có biểu hiện, hành vi tiêu cực, không nhận rõ tội lỗi, không thành khẩn khai báo hành vi phạm tội và đối tượng có biểu hiện không bình thường về tâm lý để có đề xuất phân loại, bố trí giam giữ và phương pháp giáo dục, động viên phù hợp đảm bảo tuyệt đối an toàn giam giữ, không để xảy ra tình huống phức tạp, đột xuất, bất ngờ. Chủ động nghiên cứu hồ sơ nắm bắt về can phạm nhân, về nhân thân lai lịch, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội, đặc biệt tập trung nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm lý, biết vận dụng tốt các phương pháp giáo dục can phạm nhân vào từng trường hợp cụ thể, vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, linh hoạt, có tính nhân văn, khơi dậy trong can phạm nhân lòng lương thiện để họ yên tâm tư tưởng, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, thật sự ăn năn, hối cải, phấn đấu cải tạo tiến bộ để sớm được hưởng chính sách hoan hồng của Đảng và Nhà nước, trở về làm người công dân lương thiện có ích cho gia đình và xã hội. 

Trong hơn 20 năm gắn bó với công tác quản lý, giáo dục, cải tạo can phạm nhân, ngoài việc trau dồi kiến thức nghiệp vụ, pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, Trung tá Chinh đã cùng các anh em cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh tham gia giáo dục cảm hóa hàng nghìn lượt can phạm nhân, tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều phạm nhân lầm lỗi.

 Chị chia sẻ: Với công việc đặc thù này, chúng tôi phải rất linh hoạt trong xử lý tình huống, nhiều khi vừa phải nghiêm khắc, nhưng có những lúc phải trở thành chuyên gia tâm lý để động viên, chia sẻ với phạm nhân. Bởi dù là tử tù thì họ vẫn là những con người, vẫn có nhu cầu được tâm sự, được chia sẻ, mà ở trong trại giam thì họ chỉ biết chia sẻ với quản giáo mà thôi. Vì thế những lúc ấy, quản giáo phải thực sự là người biết lắng nghe và chia sẻ. Đôi khi những lời động viên đúng lúc, những lời hỏi thăm chân tình sẽ giúp họ bình tâm hơn những lời giáo huấn.

Trong nhiều năm với vai trò quản giáo, chị đã gặp, khuyên nhủ và giáo dục không biết bao nhiêu nữ phạm nhân, tuy nhiên không phải lúc nào cũng gặp những phạm nhân dễ dàng giáo dục, có những trường hợp “chống đối” quyết liệt ngay từ khi mới bị bắt, khiến chị phải đau đầu rất nhiều, trong số đó có trường hợp đối tượng Trần Thị Nga (sinh năm 1977, quê quán: Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam). Đối tượng Nga bị bắt và khởi tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Khi còn ở ngoài xã hội và ngay cả khi bị  bắt vào giam giữ tại Trại tạm giam, đối tượng Nga luôn điên cuồng chống đối, không chỉ chửi bới, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, mà còn có những hành vi vu cáo lực lượng quản giáo làm nhiệm vụ, xúi giục, kích động các can phạm khác chống đối, đòi yêu sách trái quy định. Được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục đối tượng, ngay từ đầu chị Chinh đã xác định đây là một đối tượng chống đối chính trị quyết liệt nên sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, cảm hóa. Vì vậy, chị đã chủ động đi sâu tìm hiểu nghiên cứu về đối tượng và qua quá trình tiếp xúc, làm việc, bằng kinh nghiệm thực tế, kết hợp giữa giáo dục và cảm hóa dần dần đối tượng cũng đã có những chuyển biến, không còn quyết liệt chống đối và chấp hành nội quy tốt hơn.

Hay trường hợp bị án tử hình của Lê Thị Đức, Đoàn Thị Oanh, Hà Thị Hạnh, mặc dù đã bị tuyên án 5 - 6 năm nay song chưa đi thi hành án, các đối tượng này tâm lý diễn biến bất thường, lúc buồn khóc, lúc âu lo, lúc suy tư về sức khỏe, án tử. Trung tá Chinh đã chủ động tìm hiểu suy nghĩ của phạm nhân để biết người ấy đang nghĩ gì, đang trăn trở điều gì để tác động, động viên hợp lý, đồng thời, đề xuất Giám thị Trại tạm giam mời y, bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vào thăm khám, kê đơn thuốc. Bên cạnh đó, những khi phạm nhân ốm đau, những người quản giáo như tôi phải trở thành người chia sẻ với họ, đôi khi chỉ những lời hỏi thăm chân thành hay một cử chỉ chăm sóc thôi có tác dụng rất lớn giúp các đối tượng ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Trung tá Chinh còn tích cực tham gia các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, giáo dục công dân, kỹ năng sống và hoạt động hướng nghiệp cho các phạm nhân; tích cực nghiên cứu, tổ chức các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức cho phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ của đơn vị, nữ Trung tá Nguyễn Quế Chinh luôn chủ động tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội. Chị tích cực, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội cũng như các hoạt động phong trào, là hạt nhân nòng cốt thúc đẩy các hoạt động của Hội.

    Trung tá Nguyễn Quế Chinh kiểm tra và nắm bắt tư tưởng của các phạm nhân nữ

Chị Chinh chia sẻ: Hầu hết tất cả các cán bộ công tác trong các Trại giam, Trại tạm giam như tôi đều bị gò bó về mặt thời gian nên không thể chăm sóc cho con cái như những ngành nghề khác. Dù trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn do đặc thù công việc, những lúc bị can, phạm nhân nữ ốm, chúng tôi đều phải túc trực tại bệnh viện rồi trực đêm tại cơ quan nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp đều cố gắng sắp xếp thời gian, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa lo chu toàn cho cuộc sống gia đình.

Với những nỗ lực, phấn đấu của bản thân,Trung tá Chinh đã được Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ trong đơn vị ghi nhận và trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng 8 Bằng khen, Giấy khen trong các phong trào thi đua. Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh trong nhiều năm liên tục được đánh giá là Hội phụ nữ vững mạnh, được các cấp khen thưởng. Bản thân chị có 2 năm liên tục (2018, 2019) được Giám đốc Công an tỉnh tặng thưởng danh hiệu “Phụ nữ Công an Hà Nam tiêu biểu”.

Dẫu công việc còn nhiều khó khăn, nữ trung tá Nguyễn Quế Chinh luôn tâm niệm “hạnh phúc lớn nhất đối với một cán bộ quản giáo là được thấy phạm nhân do mình cải tạo trở thành người có ích cho xã hội và cộng đồng”. Chị luôn tự hào về công việc của mình và sẽ luôn nỗ lực, cố gắng, không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, tận tụy với công việc.

                                                                                                                                                                                                Thanh Mai

 

 
Ý kiến của bạn