Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất

 348 lượt xem
Mới đây, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Nghệ thuật Trung ương trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục - Nhạc - Họa Trung ương, được thành lập ngày 7/11/1970, sau 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Nghệ thuật Trung ương đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thử thách, góp phần quan trọng hoàn thành những nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trải qua một nửa thế kỷ, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế, uy tín, vai trò tiên phong của một trường đại học sư phạm hàng đầu về giáo dục nghệ thuật, trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực: Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Đến nay, trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương có 8 khoa: Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Khoa Sư phạm Âm nhạc, Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Khoa Sau đại học, Khoa Piano và Thanh nhạc, Khoa Thiết kế Đồ họa, Khoa Thiết kế Thời trang & Công nghệ May, Khoa Giáo dục đại cương. Các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, thông tin gồm 3 trung tâm, 2 ban biên tập.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng nhà trường

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo số liệu nhà trường, tới năm 2022, đào tạo 4.950 học viên, trong đó 50 tiến sỹ, 500 thạc sỹ, 4.400 đại học, cao đẳng. Năm 2030, trường sẽ đào tạo 6.000 học viên, trong đó 100 tiến sỹ, 600 thạc sỹ, 5000 đại học, cao đẳng.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW hiện có quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa, biểu diễn với các đơn vị đào tạo nghệ thuật danh tiếng như: Đại học Brigham Young (Mỹ), Plymouth State University (Mỹ), Đại học South - Wordingborg (Đan Mạch), Viện đại học Kent (Hoa Kỳ), Cao đẳng nghệ thuật Hokaido (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Queensland (Úc), Trao đổi hợp tác với Trường Đại học Messina (Italy)...

50 năm qua, từ mái trường này đã có hàng vạn học viên, sinh viên tốt nghiệp; trong đó có rất nhiều người đã trở thành những GS, PGS, TS, các chuyên gia quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục nghệ thuật, các họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên, các nhà thiết kế… nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Với những đóng góp quan trọng đó, tại buổi lễ, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả của nhà trường trong những năm qua; đã đóng góp với công tác đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục đại học đang đứng trước những vận hội to lớn nhưng cũng nhiều thách thức trên con đường phát triển. Hội nhập quốc tế, cạnh tranh toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi giáo dục đại học phải đi trước một bước và thích ứng nhanh hơn. Ngành nghề đào tạo thay đổi nhanh chóng, nhiều ngành đào tạo mới xuất hiện, xu hướng đào tạo, nghiên cứu liên ngành là cơ hội cho các trường ĐH lớn nhưng cũng là thách thức đối với phần lớn các trường ĐH nước ta, nhất là các trường ĐH chuyên ngành như Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các trường sư phạm nói chung, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương nói riêng.

Trong thời gian tới Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện sứ mệnh của mình, trước hết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật; chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành Giáo dục đang triển khai.

Để làm được điều này, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt việc xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, tập trung xây dựng nhà trường trở thành trường ĐH trọng điểm về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật của cả nước, có chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam.

Nhà trường cần sớm xây dựng đề án thành lập Trường phổ thông Thực nghiệm Sư phạm Nghệ thuật trực thuộc trường để ươm mầm tài năng, tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao năng lực, đổi mới quản trị ĐH. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Có chính sách, chế độ đãi ngộ tốt hơn, thực sự là động lực để các thầy cô đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nhà trường. Nhà trường có thể nghiên cứu, đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm thu hút các giảng viên, nhà khoa học trình độ cao trong và ngoài nước đến làm việc tại trường.

Cùng đó, cần rà soát, quy hoạch lại các ngành đào tạo trên cơ sở nghiên cứu, dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật. Xác định những ngành truyền thống thế mạnh để đầu tư theo hướng chất lượng cao, đặc biệt là các ngành sư phạm nghệ thuật. Trường cần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để phát triển nhà trường trong những năm tới đây.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo để qua đó nâng cao chất lượng đào tạo. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng thực nghiệm, tăng thời lượng thực hành. Trong nghiên cứu khoa học, nhà trường cần chú trọng tới khoa học sư phạm và các nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa và giáo dục nghệ thuật của nhà trường.

Nhà trường cũng cần tăng cường kiểm định chất lượng và hội nhập quốc tế; mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghệ thuật có uy tín của nước ngoài. Đẩy mạnh kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có truyền thống và bản sắc riêng, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm tạo dựng các mối quan hệ hợp tác gắn bó, hiệu quả với các địa phương, với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thông qua việc đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên văn hóa, nghệ thuật cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

                                                                                                                                                                                                            Thanh Mai

 
Ý kiến của bạn