Thủ lĩnh công đoàn tận tâm với người khó khăn

 6381 lượt xem
 

Gần 20 năm gắn bó với công tác công đoàn, anh Đỗ Hữu Hùng – Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã không ngừng sáng tạo, có nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của công nhân viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Cô giáo Hoàng Thị Nga là một giáo viên dạy trẻ ở trường Mầm non xã Đồng Tâm, không may mắc căn bệnh suy thận nặng, đã phải cắt đi một quả thận; còn lại một quả nhưng cũng đến thời điểm phải thay. Trong khi, gia đình khó khăn, cô lại đang có hai con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới được 7 tháng tuổi. Đặc biệt, dịch Covid-19 xuất hiện, làm cho cuộc sống của gia đình cô thêm phần cực nhọc; vừa chật vật mưu sinh, vừa lo tiền chữa bệnh, thật sự quá sức với người phụ nữ ấy. Dù được mẹ đẻ ở Thái Nguyên hiến cho 1 quả thận nhưng hoàn cảnh chưa cho phép cô thực hiện ca phẫu thuật thay thận.

Biết được hoàn cảnh đó, anh Đỗ Hữu Hùng đã phát động phong trào ủng hộ, gây quỹ cho cô Nga chữa bệnh thông qua mạng của tổ chức công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời kêu gọi những tấm lòng hảo tâm… Chỉ sau một thời gian ngắn, thông qua Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Đức, số tiền hơn 276 triệu đồng đã được quyên góp và trao cho cô Nga, giúp cô có điều kiện để thực hiện ca mổ.

Ông Đỗ Hữu Hùng (thứ tư từ phải sang) cùng đại diện Liên đoàn lao động huyện Mỹ Đức đến trao tiền ủng hộ cho cô Hoàng Thị Nga chữa bệnh hồi tháng 8/2020

Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhờ sự tích cực vận động của anh Hùng cùng Ban thường vụ Liên đoàn lao động huyện Mỹ Đức, 20 công nhân lao động khác có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện cũng được tặng quà và nhận hỗ trợ 1 triệu đồng; 101 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tặng điện thoại thông minh của Vinfast để học trong mùa dịch…

3 năm qua, chương trình “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động Mỹ Đức đã hỗ trợ cho 23 cán bộ, công nhân, viên chức có được những ngôi nhà khang trang, kiên cố với giá trị trên 985 triệu đồng; vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo trên 2,5 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ xã hội và Quỹ trẻ em khuyết tật, dioxin mỗi năm trên 150 triệu đồng…

Gần 20 năm trong nghề, anh Đỗ Hữu Hùng không chỉ nỗ lực là chỗ dựa vững chắc cho người lao động, mà còn là một người am hiểu pháp luật, đặc biệt pháp luật lao động, Luật Công đoàn và các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động. Theo anh: “Muốn bảo vệ người lao động và đảm bảo hài hòa với lợi ích doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phải tỏ tường các chế độ chính sách, vận dụng một cách đúng luật và sáng tạo, phù hợp trong tình hình thực tiễn”.

Kể về lần tham gia giải quyết vụ đình công của công nhân Công ty cổ phần công nghệ cao Minh Quân cách đây chưa lâu, anh Hùng cho biết: Đó là công ty chuyên làm vệ sinh môi trường - thành lập ở quận Hà Đông nhưng có chi nhánh làm việc ở Mỹ Đức. Công nhân tìm đến Ủy ban huyện để phản ánh về việc công ty không chi trả chế độ chính sách thường xuyên cho công nhân trong 2 năm 2019 và 2020. Dù  Liên đoàn Lao động huyện không quản lý, nhưng công nhân lao động lại là người Mỹ Đức. Với vai trò là Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, anh Hùng đã vào cuộc nhanh chóng, tranh thủ sự lãnh đạo của Huyện ủy, phối hợp với UBND huyện và các ngành chức năng tham gia đối thoại với người lao động và doanh nghiệp.

“Ban đầu chủ doanh nghiệp vắng mặt, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức đối thoại với người lao động. Thông qua đó, người lao động phản ảnh nhiều điều về thực trạng sử dụng lao động của doanh nghiệp này. Ví dụ người lao động được ký hợp đồng nhưng các chế độ như hỗ trợ độc hại không có, bảo hộ lao động cơ bản như găng tay, ủng không có, chế độ nghỉ phép không được nhiều; tiền lương thường xuyên trả rất chậm…” – Anh Hùng kể lại.

Sau khi nắm bắt đầy đủ những thông tin, tập hợp ý kiến của người lao động, Liên đoàn lao động huyện đã mời chủ doanh nghiệp đến đối thoại với người lao động; Liên đoàn Lao động đứng giữa phân tích rõ ràng cho cả hai bên. Qua vụ giải quyết tranh chấp đó, doanh nghiệp đã trả hết tiền lương cho người lao động, còn tiền độc hại thì doanh nghiệp cam kết sẽ trả hết trong tháng 9 này. Đáng nói hơn đó là, người lao động cảm thấy yên tâm, tin tưởng và đã làm đơn xin được thành lập công đoàn trên địa bàn huyện.

Theo anh, “Bất kỳ lĩnh vực nào người cán bộ công đoàn cũng cần nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia đóng góp, xây dựng ý kiến sát với thực tiễn. “Tâm huyết, chất xám” mà mình “đầu tư” được công nhận, áp dụng cũng đồng nghĩa với tiếng nói, vị thế của tổ chức công đoàn được nâng lên rõ rệt.”

                                                                                                                                                                                                  Ngọc Anh

 
Ý kiến của bạn