Hà Nội: Phát động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới

 7266 lượt xem
(BTĐKT)- Tối 9/9, Hà Nội đã tổ chức lễ phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tại lễ phát động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ thành phố và 19 huyện, thị xã đã ký giao ước thi đua quyết tâm xây dựng NTM. 38 doanh nghiệp cũng đăng ký đồng hành cùng với thành phố xây dựng thành công NTM, và ủng hộ 213 tỷ đồng. 

 

Các đơn vị tham gia ký giao ước thi đua xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã tiến hành xây dựng và đạt được nhiều kết quả cụ thể, đưa Nghị quyết số 26 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đi vào cuộc sống. Riêng trong 2 năm qua, với sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Thành uỷ, HĐND, UBND và các ngành, các cấp, đến nay hình hài mô hình NTM ở Thủ đô ngày càng rõ. Mô hình xã thí điểm của Trung ương ở xã Thuỵ Hương (Chương Mỹ) đã có 15/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt tiêu chí do Chính phủ quy định, 4/19 tiêu chí đạt ở mức 70%. Ba xã điểm của Thành phố là: Song Phượng (Đan Phượng) mới sau hơn 1 năm đã có 13/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 2/19 tiêu chí đạt 70%; xã Mai Đình (Sóc Sơn) có 12/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 3/19 tiêu chí đạt 70%; xã Đại Áng (Thanh Trì) có 10/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 2/19 tiêu chí đạt 70%. 15 xã điểm của các huyện đã cơ bản hoàn thành việc lập và phê duyệt dự án xây dựng NTM, đang tiến hành thực hiện xây dựng theo đề án. Tới nay, 12/15 xã có trên 10 tiêu chí đạt tiêu chí xây dựng NTM.

Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM ở 100% số xã; năm 2015, 40% số xã trên địa bàn thành phố sẽ hoàn thành xây dựng NTM; năm 2020 là 70% số xã và tới năm 2030, 100% số xã hoàn thành xây dựng NTM.

Để đạt được mục tiêu đó, Trưởng ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, với 4 nội dung cơ bản: Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên phải coi công cuộc xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững; vừa là nhiệm vụ cấp bách, là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền; thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp, các đơn vị, địa phương; đồng thời đẩy mạnh các cuộc vận động ‘‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư’’ gắn với xây dựng NTM và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM… Hai là, phải thực sự phát huy dân chủ; và có lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể, phù hợp; khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại; chủ quan, duy ý chí; các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án xây dựng NTM phải được công khai để dân thảo luận, quyết định, giám sát và trực tiếp tham gia thực hiện. Ba là, tập trung các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư xây dựng NTM trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước là quan trọng, nguồn lực đầu tư, đóng góp tại chỗ của nhân dân, của xã hội là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM. Bốn là, cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới các xã cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách đề ra trong Nghị quyết và Chương trình hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 Anh Vũ
 
Ý kiến của bạn