Góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua

 10011 lượt xem
Trong thi đua, cần kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể, giữa tinh thần và vật chất. Tránh hô hào suông, hứa mà không làm... 

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, trong đó có ghi: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. 65 năm đã trôi qua nhưng vị trí, ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn giữ nguyên giá trị và còn in đậm trong tâm trí của mọi người dân yêu nước Việt Nam. Bởi vì, nội dung sâu sắc và phương pháp chỉ đạo thực hiện thi đua của Người mang tính khái quát chiến lược có thể áp dụng cho mọi giai đoạn cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Để góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua hiện nay, chúng ta cần làm cho mọi người nhận thức được đầy đủ, ý nghĩa, bản chất của phong trào thi đua. Có thể nói bản chất của vấn đề thi đua là thể hiện tinh thần yêu nước của mỗi công dân nói riêng, của cả dân tộc nói chung- “Thi đua là yêu nước”, luận điểm đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách rõ ràng. Nó được thể hiện trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa mới có. Trong bản chất của vấn đề thi đua có hàm chứa ý nghĩa xây dựng con người lao động mới với những tiêu chí của thời đại. Đã là con người thì ai cũng có ý thức thường xuyên rèn luyện, phấn đấu để xác định vị thế của mình trong cuộc sống cộng đồng, khẳng định sự vượt trội của bản thân trong công việc so với mọi người. Đó chính là tiền đề tâm lý của việc thi đua. 
 
Mỗi khi đề ra một phong trào thi đua nào thì phải xây dựng được hệ thống các tiêu chí cụ thể về mặt nội dung xét cả trên phương diện định tính và định lượng. Các tiêu chí càng cụ thể bao nhiêu thì quá trình triển khai càng thuận lợi bấy nhiêu, việc tìm kiếm biện pháp thực hiện càng dễ dàng. Tránh tình trạng hô hào một cách chung chung, đại khái “phát mà không động”. 
 
Phải thường xuyên theo dõi, chỉ đạo phong trào, kịp thời nắm bắt sự diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện để có biện pháp uốn nắn, điều chỉnh thích hợp. Phải biết dựa vào quần chúng nhân dân để xây dựng, nuôi dưỡng phong trào. Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Muốn cho phong trào được sôi nổi, rầm rộ, rộng khắp thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu đi đầu. Vì “cán bộ là nòng cốt của phong trào”. Điều quan trọng là phải khắc phục được tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”.    
  
Khi đánh giá kết quả hoạt động của phong trào thi đua phải dám nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng thực chất đạt được, không “đánh phấn tô son”, không chạy theo thành tích. Trong khi tổng kết phong trào cần quán triệt phương châm: Khi thành công thì phải nghiên cứu vì sao thành công để lấy kinh nghiệm, khi thất bại cũng sẽ xét xem tại sao thất bại để mà tránh đi.  Trong đánh giá kết quả phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, không dĩ hòa vi quý. 
 
Cần động viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân và đơn vị đạt được thành tích cao trong phong trào thi đua, cần bảo đảm đúng chính sách, chế độ đối với khen và thưởng, thực hiện nghiêm túc Luật Thi đua, khen thưởng mà Nhà nước đã ban hành, tránh tình trạng “biến tướng” của việc thưởng khi được khen, gây ra những dư luận không tốt đối với những người quản lý phong trào. Khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng lúc chính là “đòn bẩy” thúc đẩy phong trào thi đua.
 
Trong thi đua, cần kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và  tập thể, giữa tinh thần và vật chất. Tránh hô hào suông, hứa mà không làm. Bản chất tốt đẹp của xã hội ta hiện nay đòi hỏi các chủ thể của phong trào thi đua phải bảo đảm sự thống nhất trong việc giải quyết các vấn đề lợi ích giữa cá nhân và tập thể trong quá trình thi đua, nhằm tạo ra một động lực chính đáng, lành mạnh để thúc đẩy phong trào. 
 
Các phong trào thi đua trong xã hội hiện nay là sự tiếp tục phát huy những thành tựu tốt đẹp đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước trước đây. Mục tiêu “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều” mà Bác Hồ đã nêu ra trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc trước đây cũng chính là mục tiêu mà các phong trào thi đua ngày nay phải vươn tới. Chỉ có điều, chúng ta cần phải nắm bắt được các đặc điểm của thời đại ngày nay để tìm kiếm các biện pháp thực hiện sao cho đạt được kết quả tốt nhất.  
 
 
Ý kiến của bạn