Niềm tự hào của ngành thăm dò khai thác dầu khí

 145 lượt xem
 

Năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Phòng Phát triển mỏ, Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC), thuộc Tổng Cty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng triệu USD cho doanh nghiệp.

            Anh Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Phòng Phát triển mỏ, CLJOC

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh chuyên ngành Khoan-Khai thác dầu khí, anh Trung xin vào Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (VSP) làm việc. Lúc bấy giờ, anh nhất quyết xin được làm ngoài biển vì một lý do duy nhất, anh yêu máy móc cũng như thích tìm hiểu cách mà chúng hoạt động và vận hành.

Bắt đầu làm “người dầu khí” từ vị trí thấp nhất trên giàn ép vỉa PPD-30.000 là người thợ vận hành, ngày qua ngày anhTrung dần tích lũy kinh nghiệm và đi lên vị trí kỹ sư công nghệ, chuyên gia công nghệ, phụ trách giàn...

Sau 10 năm làm việc thực tế ngoài biển, anh Trung muốn biết làm cách nào mà người ta lại có thể xây dựng một giàn khai thác “hoành tráng” như vậy trên biển. Đó là lý do anh nộp đơn xin vào làm ở Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

“Nếu như VSP là một trường đại học để dạy tôi về vận hành khai thác thì PVEP lại là một trường đại học dạy tôi về cách xây dựng và quản lý một dự án dầu khí: Từ những dữ liệu địa chất ban đầu, các bước triển khai ý tưởng thiết kế, phương án thiết bị, thiết kế sơ bộ, hiệu quả kinh tế, thiết kế chi tiết...rồi công tác chế tạo trong bờ, lắp đặt và chạy thử ngoài biển, sau đó chuyển giao đưa vào vận hành khai thác để hoàn tất một chuỗi công việc của một dự án dầu khí”.- anh Trung chia sẻ.

Anh Trung thay mặt đội ngũ cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên trên giàn Sư tử vàng Tây Nam nhận quà lưu niệm của Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh chúc mừng thành công dự án

Theo anh Trung, trong số những dự án mà anh tham gia, anh tâm đắc nhất Dự án Sư tử vàng Tây Nam (STVSW) và Dự án phát triển mỏ Sư tử trắng giai đoạn 1 (STT phase 1). Đây là 2 dự án mà anhTrung đã trực tiếp tham gia với vai trò Giám đốc dự án ở lô 15.1, CLJOC.

Với Dự án Sư tử vàng Tây Nam (STVSW), theo anh Trung, đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ vì chỉ là một giàn đầu giếng khai thác không người với tổng khối lượng chế tạo khoảng 2.000 tấn, đấu nối đường ống về hệ thống xử lý trên giàn Sư tử vàng CPP.

Tuy nhiên, thách thức ở đây là với một đội quản lý dự án chỉ có khoảng hơn 20 người (chỉ khoảng 50% so với các dự án tương tự ở CLJOC) và người Việt chiếm đến khoảng 95% (so với các dự án trước đó của CLJOC, người Việt chỉ chiếm chưa đến 50%).

Đặc biệt hơn nữa, thời gian đưa dự án vào khai thác chỉ trong vòng 12 tháng kể từ lúc triển khai (thông thường một dự án tương tự sẽ mất khoảng từ 16-20 tháng).

Đây thực sự là thách thức và là sức ép khủng khiếp lên Ban quản lý dự án. Nhưng lòng yêu nghề, sự đồng tâm, tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của lãnh đạo cũng như sự hợp tác của các bên tham gia, dự án đã về đích sớm với thời gian kỷ lục, cho dòng dầu đầu tiên chỉ sau 10 tháng triển khai với chi phí tiết kiệm hơn 5 triệu USD so với ngân sách đã được phê duyệt.

Dự án thứ 2 là Dự án STT phase 1, theo nhận định của anh Trung, dự án thực sự là thách thức về mặt công nghệ khi áp suất làm việc được thiết kế cho thiết bị lên đến 525 Bar.

“Ở trên thế giới nói chung, châu Á nói riêng cũng chỉ có vài dự án có áp suất làm việc khủng khiếp như vậy và đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù độ khó rất cao, nhưng kế thừa sự thành công từ các dự án trước đó, với sự tin tưởng và ủng hộ của lãnh đạo, đội ngũ quản lý dự án người Việt đã tự tin để có thể tự mình làm một dự án có tầm vóc như vậy.”- anh Trung chia sẻ.

Sau 23 tháng triển khai, với tổng khối lượng chế tạo gần 15 ngàn tấn, vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức, có lúc tưởng như phải dừng dự án do những khó khăn gặp phải như: Giá dầu giảm thấp kỷ lục xuống 26USD/thùng; thay đổi nhà thầu lắp đặt biển vào phút chót khi dự án chuẩn bị hạ thủy; các khó khăn về quản lý an toàn cho con người và thiết bị, lúc cao điểm có đến gần 4 ngàn công nhân tham gia vào công tác chế tạo; các thách thức về kỹ thuật khi giá trị áp suất làm việc 525 Bar hầu như đẩy các vật liệu chế tạo lên mức giới hạn về nhiệt độ, độ bền…

Nhưng cuối cùng, với động lực mạnh mẽ xuất phát từ lòng tự hào dân tộc, với lòng tự trọng của “người dầu khí” muốn khẳng định kỹ sư Việt Nam có thể làm được những cái mà thế giới có thể làm, với sự chỉ đạo sát sao và định hướng đúng đắn của lãnh đạo PVN, PVEP và CLJOC, dự án đã về đích an toàn, đúng kế hoạch và tiết kiệm khoảng 50 triệu USD so với ngân sách đã được phê duyệt.

Theo anh Trung, hiện nay mỏ Sư tử trắng (STT) ngoài sản lượng khí xuất bán khoảng 40 triệu bộ khối/ngày, còn đóng góp khoảng 18.000 thùng dầu/ngày, chiếm gần tổng 50% sản lượng khai thác hàng ngày của CLJOC.

Hiện tại đội của anh đang tiếp trục triển khai dự án phát triển toàn mỏ STT giai đoạn 2A và STT giai đoạn 2B.

Trong quá trình công tác hơn 20 năm, trưởng thành và đi lên từ vị trí người thợ vận hành hệ thống khai thác đến vị trí như hiện nay, anh Trung ngày càng yêu hơn công việc của mình. Những đóng góp của anh đã mang lại giá trị cao, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khẳng định tác phong chuyên nghiệp, sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, những người thợ trẻ trên các công trình dầu khí.

                                                                                                                                                                                 Hồng Nhung

 
Ý kiến của bạn