Vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió

 90 lượt xem
 

Đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, cách đây 16 năm, khi vừa tròn 23 tuổi, đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn: không điện, thiếu nước ngọt, thiếu lương thực, thực phẩm…, người cán bộ trẻ ngành khí tượng hải văn Nguyễn Đình Nghị đã kiên trì bám trạm, bám đảo để hoàn thành tốt công việc của mình. Tới nay, khi ở cương vị Trạm trưởng Trạm Khí tượng Hải văn Cồn Cỏ, anh vẫn một lòng coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, vẫn ngày ngày lặng thầm "đếm gió, đo mưa, đón bão"... để kịp thời đưa thông tin về tới đất liền.

                           Anh Nguyễn Đình Nghị thực hiện quan trắc hải văn

Anh Nghị vẫn nhớ như in ngày đầu anh đặt chân lên đảo Cồn Cỏ. Đảo khi ấy như đảo hoang, cây cối mọc um tùm, lấn cả vào nhà. Trên đảo không có điện, ánh sáng hiếm hoi của buổi tối được phát ra từ chiếc đèn ắc quy mà đến giờ làm việc mới được bật lên. Không chỉ thiếu nước ngọt, thiếu lương thực, thực phẩm, đảo còn thiếu cả bóng dáng người dân. Vất vả là thế, nhưng vượt lên trên tất cả, người "chiến sĩ" khí tượng hải văn vẫn hoàn thành tốt công việc của mình.

          Không biết tự bao giờ, anh và các quan trắc viên khác đã quen với sự hoang sơ của đảo, với những con sóng trập trùng xa tít tắp chẳng thấy đâu là đất liền, bờ bãi, quen cả với những khó khăn khi về thăm nhà phải đi nhờ tàu gỗ đánh cá của ngư dân, sóng to phủ ướt hết người, lúc vào đến bờ mới an tâm về sinh mạng.

          Anh cho biết, trước đây, việc quan trắc được thực hiện hoàn toàn thủ công, thông tin quan trắc được chuyển về bằng máy ecom, với những dãy số mã hóa khí tượng hải văn. Đến năm 2010, đảo có điện, nhưng chủ yếu chỉ được mấy tiếng ban ngày. Hiện nay, điện có 24/24h, thông tin được truyền về Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Trung Trung Bộ bằng internet. Năm 2014, trạm được đầu tư trạm khí tượng tự động. Năm 2016, trạm được đầu tư trạm hải văn tự động. Việc quan tâm đầu tư, hiện đại hóa KTTV đã giúp vơi bớt phần nào sự khó khăn ở vùng hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

          Đảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên khoảng 4 km2, độ cao trung bình từ 7 đến 10m so với mực nước biển, cách đất liền chừng 17 hải lý. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, đảo còn giữ vị trí đặc biệt về khí tượng hải văn, khi đây được coi là "rốn bão". "Đón bão" là nhiệm vụ thường xuyên, quen thuộc với mỗi người quan trắc viên ở đảo Cồn Cỏ. Những ngày bình yên, các anh quan trắc 4 obs/ngày, gồm cả 2 yếu tố: khí tượng và hải văn. Khi có bão có nguy cơ ảnh hưởng, các anh phải trực TYPH 30 phút/lần cho đến khi bão tan.

          Năm 2007, khi trạm còn ở nhà cũ, các quan trắc viên phải "giằng co" với bão. Gió bật cả cửa, nước lùa vào phòng. Các anh vẫn động viên nhau: Cố lên là ổn. Đến năm 2013, cơn bão Wutif tràn tới, mưa nhiều gây ngập úng, sức gió mạnh làm gãy cột máy gió trong vườn khí tượng, cây cối tan hoang, đổ nát trơ trụi. Rồi năm 2017, bão Doksuki về, các anh phải cố thủ trong phòng để bảo vệ tính mạng. Tiếng gió thét ào ào khủng khiếp ngoài cửa. Đến năm 2018, nhà được sửa lại để tiếp tục phục vụ công tác quan trắc, phòng, chống thiên tai.

          Anh kể: "Ngày đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai của tỉnh yêu cầu các quan trắc viên phải lên bờ tránh trú bão, nhưng anh em chúng tôi nhận thấy, đây là lúc bà con cần thông tin của chúng tôi nhất. Bởi vậy, anh em quyết bám trạm để thực hiện đo đạc, điện báo đầy đủ về bão, giúp bà con giảm thiểu thiệt hại. Thế mới thấy, nghề của chúng tôi, giản dị, lặng lẽ mà thiêng liêng vô cùng."

          Với vai trò là một người đảng viên, anh luôn quyết tâm nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn mà cơ quan giao phó. Ở trạm có các đoàn viên trẻ, anh luôn giúp đỡ, hỗ trợ, động viên các em cố gắng bám đảo, bám trạm, có trách nhiệm với công việc. Không chỉ nỗ lực trong công tác chuyên môn, anh và đồng nghiệp còn chung tay cùng quân và dân trên đảo phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường: nhận dọn dẹp vệ sinh bờ biển, thực hiện phong trào thả cá về biển, bảo tồn cua đá, vích để giữ gìn tài nguyên biển…

          Vào mùa mưa bão, cũng như các cán bộ khác tại đây, anh không được về nhà mà phải bám trạm, bám đảo, là những người dũng cảm "đón bão" đầu tiên. Lý giải cho sự can trường ấy, anh bảo, đó là “vì yêu nghề”, “Khi gặp mình, bà con hỏi thời tiết hôm nay thế nào, sóng có lớn không, có ra khơi được không. Bà con quan tâm như thế, mình cũng thấy vui, thấy được vai trò, trách nhiệm của mình.”Cứ thế, ngày ngày “đếm gió, đo mưa, đón bão”, các anh giống như những người lính lặng thầmhy sinh, góp phần bảo vệ sự bình yên của đất liền.

          Với lòng tâm huyết, yêu nghề và trách nhiệm đối với công việc, năm 2010, anh vinh dự nhận Bằng khen của Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn dành cho thanh niên tiên tiến vùng Duyên hải miền Trung; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị về công tác phòng, chống lụt bão; năm 2017 được nhận Giấy khen của Tổng cục KTTV và của Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ. Anh là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV, giai đoạn 2020 - 2025.

                                                                                                                                                                                    Thảo Phương

 
Ý kiến của bạn