Đồng hành cùng bà con vùng cao xóa đói, giảm nghèo

 210 lượt xem
Chọn mảnh đất miền tây Xín Mần, địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang để gây dựng sự nghiệp, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung, Giám đốc Công ty TNHH – Tổng Công ty Gia Long đã tạo được thành công lớn. Công ty TNHH – Tổng công ty Gia Long và đồng bào Xín Mần như có duyên nợ với nhau, cứ việc gì mang lại lợi ích cho người dân là làm, không cần biết lợi nhuận nhiều hay ít. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện với số tiền đóng góp hàng tỷ đồng, tạo nhiều công ăn, việc làm cho lao động địa phương. 

   
Chị Nguyễn Thị Lan Dung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Gia Long
Xín Mần là một huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Người dân ngoài trồng ngô, dong riềng, nuôi vài con gà đem ra chợ bán, chẳng biết làm gì hơn nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Đó là diện mạo của huyện Xín Mần trước khi chị Lan Dung quyết định đầu tư vào mảnh đất này. 
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con ở quê lúa Thái Bình, để lo cho cuộc sống, chị Lan Dung phải bươn chải lên tận Hà Giang xa xôi để làm ăn. Sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, chịu khó đã mang đến cho chị sự may mắn trong công việc kinh doanh và gây dựng được một doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của huyện Xín Mần.
Đầu tiên, doanh nghiệp của chị đầu tư vào xây dựng đường sá. Có những điểm khó khăn, địa hình chênh vênh, không có nước, không có doanh nghiệp nào dám nhận nhưng chị đã đứng ra nhận, như đầu điểm xây dựng đường ra mốc 172. Nhiều người đánh giá những việc làm của chị là liều lĩnh, kinh doanh không hiệu quả nhưng bản thân chị khi quyết tâm đầu tư đã nghĩ đến lợi ích dài lâu của địa phương hơn là lợi nhuận trước mắt của doanh nghiệp.
Nhận thấy cả huyện không có lấy một nơi ăn nghỉ, mỗi khi có cán bộ lên công tác phải gửi vào nhà dân, có đám cưới, hội nghị, họp hành phải huy động mọi người đi mượn bàn ghế, bát đũa trong dân, chị mạnh dạn xây dựng khách sạn Gia Long để giải quyết nhu cầu ăn, nghỉ, hội họp cho huyện mỗi khi cần. 
Cứ như thế, chị bám sát tình hình địa phương, cái gì thiếu, chưa có chị lại quyết tâm mang về cho huyện. Đang làm xây dựng, thấy nông sản của người dân khó tiêu thụ, chị Dung đầu tư nhà máy sản xuất miến dong, bao tiêu toàn bộ nguyên liệu với giá cao hơn thị trường. Các mặt hàng nông sản của nông dân Xín Mần được Công ty TNHH – Tổng Công ty Gia Long thu mua, chế biến, trở thành hàng hóa, đã và đang có chỗ đứng trên thương trường. Trước tình hình cả huyện không có một trạm xăng, những người có xe máy phải đi hơn 40 cây số ra Hoàng Su Phì để mua xăng, chị đã mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu để người dân thuận tiện trong việc mua bán, đi lại. 
Với tư duy sắc sảo, nhạy bén, khi nhìn những cánh rừng già nguyên sinh bạt ngàn, đứng trước những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như bãi đá cổ Nấm Dẩn và Thác Tiên, Đèo Gió, chị lại trăn trở với giấc mơ làm du lịch sinh thái, để Xín Mần trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà của tỉnh Lào Cai.
Gần hai mươi năm gắn bó với mảnh đất Xìn Mần, tỉnh Hà Giang, chị Lan Dung đã coi đây là quê hương thứ hai của mình. Với những cống hiến thầm lặng của chị, một Xín Mần nghèo khó, buồn tẻ, lạc hậu mấy chục năm trước nay đã thay da đổi thịt rất nhiều. Khách du lịch đến với Xín Mần ngày càng đông vui, tấp nập. Những con đường núi ngoằn ngoèo, trơn trượt nay đã bằng phẳng, chắc chắn. Cuộc sống của bà con giờ đây đã khấm khá lên rất nhiều, số hộ đói, hộ nghèo còn trên đầu ngón tay. 
Năm 2019, trong lĩnh vực thương mại tổng hợp, khách sạn tổng hợp, công ty Gia Long đã đón 25.000 lượt khách du lịch đến huyện Xín Mần, cung ứng hàng trăm tấn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và lao động, sản xuất của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Trong lĩnh vực xăng dầu và chăn nuôi thủy sản nước lạnh, công ty cung cấp ra thị trường 2.012.500 lít xăng, dầu, 12 tấn thủy sản nước lạnh. 
Nổi bật nhất là lĩnh vực hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công ty đã bao tiêu củ dong riềng sản phẩm đầu ra của nông dân được 7.000 tấn/năm để chế biến thành sản phẩm miến dong Gia Long, một sản phẩm có chất lượng cao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, công ty đã giúp cho gần 2.600 hộ nông dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
Doanh thu đạt từ 80 - 90 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước từ 8 - 9 tỷ đồng/năm, nhưng công ty đã đóng góp 700 triệu đồng/năm để góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện công tác an sinh xã hội cho bà con nông dân miền núi. Tổng số lao động của công ty là 150 lao động, mức lương của người lao động trong doanh nghiệp ổn định từ 8,5 đến 9,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề bậc thợ. 
Công ty luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật sản xuất ra một số sản phẩm nông nghiệp như rượu nếp Quảng Nguyên, rượu mận Xín Mần, gạo già dui Xín Mần… nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân vùng dân tộc thiểu số, kết nối chuỗi giá trị hàng hóa giữa doanh nghiệp với nông dân.
 
Chị Nguyễn Thị Lan Dung (giữa ảnh) nhận Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tại Hội nghị Tổng kết công tác Thi đua, Khen thưởng của Cụm Thi đua 7 tỉnh biên giới phía Bắc - năm 2018
Tính đến thời điểm hiện tại công ty đã đầu tư cho lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu bằng vốn tự có của doanh nghiệp hơn 100 trăm tỷ đồng. Điều đó khẳng định sự có mặt của doanh nhân nơi biên giới tạo thêm sức mạnh cho cộng đồng trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.  
Chị Lan Dung vui mừng chia sẻ: “Các lĩnh vực hoạt động đa ngành nghề của công ty chúng tôi, lĩnh vực nào cũng được nhân dân trong huyện Xín Mần nói riêng, cả tỉnh Hà Giang nói chung luôn ủng hộ và đón nhận một cách hào hứng. Có lẽ đối với tôi đó là niềm vui bất tận.”
Trong 5 năm tới đây, công ty sẽ tập trung nghiên cứu sản xuất thêm một số sản phẩm nông nghiệp khô như gừng, nghệ, củ cải khô là những sản phẩm tinh sạch của vùng miền để bán trên thị trường, giúp cho người tiêu dùng có thêm cơ hội được sử dụng sản phẩm sạch. Đồng thời, bên cạnh việc ký thầu các công trình xây dựng cơ bản trong và ngoài tỉnh, công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm khách sạn, khu vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch về vùng sâu vùng xa, luôn phát huy sáng tạo biết áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả. 
 “Trong tương lai, tôi vẫn dồn vốn để đầu tư cho biên giới. Đó là việc làm tôi luôn thấy tự hào và hạnh phúc bởi vì tôi đã thể hiện được phần nào bản lĩnh của doanh nhân đúng như những điều mà Bác Hồ mong đợi ở giới công thương. Doanh nhân là người lính thời bình, doanh nhân là lực lượng tiên phong nơi mặt trận phát triển kinh tế chấn hưng nước nhà, doanh nhân luôn mang hai chữ tâm tài để ích quốc, lợi dân.” - Chị khẳng định.
                                                                                                                                                    Hoàng Hà

 
Ý kiến của bạn