Một Chủ tịch Hội Nông dân năng động

 12277 lượt xem
(BTĐKT)- Xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một địa bàn miền núi khá phức tạp. Toàn xã có 10 thôn, trong đó có 2 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống. Đời sống người dân còn thiếu thốn, khó khăn. Tổng số hội viên Hội Nông dân của xã có 462 người. Để quản lý, chỉ đạo các Hội viên tại địa bàn miền núi phức tạp như vậy đòi hỏi người Chủ tịch Hội Nông dân phải có kinh nghiệm dày dạn và có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. 
Để làm tốt nhiệm vụ của mình, anh Võ Tiên Sinh luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển. Anh Sinh luôn gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực nghiên cứu, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của các cấp nhằm trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để chỉ đạo tổ chức Hội và phong trào nông dân. Anh luôn biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích của mình. Hàng năm, anh Sinh  xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với từng thời điểm để thông qua Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Hội nhằm chủ động triển khai mọi hoạt động của Hội. Vì vậy, khi triển khai công việc nhịp nhàng, đồng bộ, đạt hiệu quả cao và có tính chiều sâu, có sức lan tỏa rộng, được đông đảo cán bộ hội viên và nông dân hưởng ứng tích cực. Phương châm làm việc của anh và của cả Ban Chấp hành Hội là tập trung hướng về cơ sở để bắt tay chỉ việc cho hội viên, nắm bắt nguyện vọng tâm tư của nông dân. Đồng thời giải thích rõ những vướng mắc, bất cập mà nông dân chưa biết, chưa rõ. Thông qua những việc làm thiết thực đó, anh đã vận động, tập hợp hội viên tham gia ngày càng đông vào tổ chức Hội để tham mưu thật tốt cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có những chủ trương đúng đắn phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống cho nông dân cả về tinh thần lẫn vật chất.
 
Điểm nổi bật trong việc chỉ đạo phong trào của Hội Nông dân là đã triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua. Tiêu biểu là các phong trào: Sản xuất kinh doanh dịch vụ giỏi; xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh quốc phòng. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tăng cường về cơ sở nên các phong trào thi đua của Hội đã được các hội viên, kể cả hội viên là người dân tộc tích cực hưởng ứng. Thông qua các phong trào thi đua do Hội nông dân xã Tân Long phát động, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,2% xuống còn 5%. Tình hình an ninh trật tự ở xã đảm bảo ổn đinh, không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt phong trào “ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” được triển khai đồng bộ, đã tạo cho nông dân tính năng động, sáng tạo, tự tin trong lao động sản xuất kinh doanh. Anh Sinh đã chủ động , phối hợp với các ban ngành liên quan tích cực tuyên truyền, vận động hội viên Hội Nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng chủ lực có thu nhập cao như cây cà phê, cây tiêu…Đến nay, xã Tân Long có 300 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp Trung ương có 20 hộ, cấp tỉnh 30 hộ, cấp huyện 40 hộ, cấp cơ sở 210 hộ.
 
Hưởng ứng phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với vai trò là Chủ tịch Hội, anh Sinh đã tìm mọi cách vận động cán bộ hội viên và gia đình nông dân đóng góp công sức, tiền của vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thông qua cách vận động thuyết phục của anh Sinh và Ban Chấp hành Hội, nhiều hộ gia đình trong thôn, trong xã đã tự nguyện hiến đất để làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã. Tính đến nay, hệ thống hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước của xã Tân Long đã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Hội Nông dân xã Tân Long cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho hội viên và tiếp cận nguồn vốn để mở mang trang trại, đầu tư kinh doanh, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên. Đến nay, dư nợ qua Hội Nông dân xã quản lý trên 6,3 tỷ đồng cho hơn 300 lượt hộ vay. Hội đã thành lập 8 tổ tiết kiệm vay vốn ngân hàng. Nhìn chung nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hàng tháng bàn giao định kỳ, trả lãi, gốc đầy đủ, không có trường hợp nợ xấu.
 
Nhằm đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh, anh Võ Tiên Sinh đã ra sức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, vận động con em nông dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ, vận động thanh niên làm tốt nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội. Đến nay, đã có hàng trăm hộ là hội viên nông dân ký cam kết gia đình cán bộ hội viên nông dân không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. Tân Long là địa bàn nằm trên tuyến biên giới Việt – Lào, điểm nóng của vận chuyển buôn bán ma túy trái phép, vì thế anh Sinh không ngừng tuyên truyền bà con tăng cường công tác đấu tranh phòng chống ma túy, đấu tranh với những thủ đoạn mua chuộc của kẻ thù. Có nhiều cán bộ hội cơ sở tham gia công an viên, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải các thôn, bản. Anh Sinh cũng chú trọng việc tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất cao đẹp của những người con được mang họ Hồ. Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân của xã Tân Long, khi được hỏi về những điều tâm đắc nhất, anh Sinh tươi cười nói:" Được bà con tín nhiệm, đồng tình và tích cực tham gia các phong trào của Hội để tổ chức Hội ngày càng vững mạnh là niềm vui lớn nhất của anh".
 
Với cách làm năng động, sáng tạo và giàu tâm huyết, từ năm 2002 đến nay, anh Võ Tiên Sinh vinh dự được 04 tặng Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh và 05 Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Kỷ niệm chương của Hội Nông dân Việt Nam năm 2009
      
Ông Võ Tiên Sinh - Chủ tịch Hội ND xã Tân Long, cũng là một "vua" chuối vùng biên, cho biết: "Chỉ một cái Tết của năm 2010, người trồng chuối trên địa bàn huyện Hướng Hoá đã thu lãi ròng trên 70 tỷ đồng, trong đó xã Tân Long chiếm hơn 70%. Với giá chuối cầm chừng như hiện nay 1.500-2.500 đồng/kg chuối quả, bình quân mỗi hộ trồng chuối ở Tân Long thu nhập ít nhất 20 triệu đồng/tháng".
 
Chị Căn Vơn, một trong những “vua chuối" ở bản Xi Núc (Tân Long) phấn khởi: “Năm 2006, sau khi nghe các cán bộ Hội ND xã phổ biến, gia đình tôi trồng 3 sào. Đến nay, đã trồng được gần 5ha. Mấy tháng giáp Tết năm ngoái, gia đình tôi thu được 500 triệu đồng từ bán chuối. Còn từ đầu năm đến nay thì không tính được. Tôi bán chuối hàng ngày là để mua gạo, thức ăn, nộp tiền học cho con, mua vật liệu làm nhà, rồi cho hàng xóm mượn tiền làm ăn...".
 
Trồng chuối chống buôn lậu.
 
Ông Võ Tiên Sinh cho biết thêm: "Từ năm 2006 trở về trước, xã Tân Long có tới gần 50% gia đình tham gia nghề gùi cõng hàng lậu thuê qua biên giới. Nhờ sự tác động mạnh mẽ của chính quyền địa phương, bà con đã dần bỏ nghề này, chuyên tâm sản xuất nông nghiệp trên đất đai quê mình, đặc biệt là trồng chuối”.
 
Cũng theo ông Sinh, hai năm trở lại đây, các thương nhân từ Thái Bình đến Quảng Ngãi tìm đến xã đặt mua chuối quanh năm với giá từ 4.000- 5.000 đồng/kg. Đặc biệt, việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc, vào dịp Tết, giá bán rất cao, từ 7.000-8.000 đồng/kg chuối quả.
 
" hỉ ba năm trước đây, tui không dám nghĩ mình có thể làm giàu, có thể xây được nhà, mua tivi, tủ lạnh, xe gắn máy, nhưng bây giờ thì các cô các chú thấy đó, người ND quê tui ai cũng giàu lên từ cây chuối".
 
Anh Đoàn Văn Trang, 34 tuổi, ở thôn Long Hợp, xã Tân Long
 
 
 
                                                                     
                                                                                                                                                Bình Minh
 
Ý kiến của bạn