Tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ

 9262 lượt xem
(BTĐKT) - Sáng 23/10, tại Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Hà Nội. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước ghi nhận những công lao đóng góp của Hòa thượng Thích Thanh Tứ đối với Giáo hội, đối với xã hội, ghi nhận những công lao của Hòa thượng đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trang trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Hòa thượng Thích Thanh Tứ. 

Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Trần Văn Long, sinh năm 1927 tại xã Song Mai, huyện Kim Động, Hưng Yên. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh (tên thật) là Trần Văn Long và xuất gia tu hành từ năm 12 tuổi.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hòa thượng được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII. Dù ở cương vị nào, Hòa thượng cũng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của tăng ni, Phật tử cũng như cộng đồng xã hội.

Chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Tứ vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định, đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước nhằm biểu dương, ghi nhận những công lao của Hòa thượng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đối với xã hội và khối đại đoàn kết đoàn dân tộc, đồng thời là sự biểu dương tôn vinh đối với tăng ni, phật tử cả nước.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ xúc động trước sự tri ân của Đảng và Nhà nước và cho rằng phần thưởng cao quý đó trước hết là thuộc về toàn thể tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng mong muốn tăng ni, Phật tử cả nước trân trọng phần thưởng đó và không ngừng phát huy truyền thống, đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp chung của đất nước, thể hiện trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp, để tư tưởng Tứ Trọng Ân được thấm sâu trong mỗi việc làm ích đời, lợi đạo.

Gia Linh

 
 
Ý kiến của bạn