Điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

 11099 lượt xem
(BTĐKT) - Sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi thuộc huyện miền núi Sơn Hòa, anh Y Nam, sinh năm 1972, dân tộc Hà Roi, thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao kinh tế hộ gia đình và giúp bà con trong xã từng bước xóa đói giảm nghèo. 
Bao năm nay, đời sống của đại đa số người dân trong xã Sơn Nguyên còn rất khó khăn, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ, tình hình sản xuất còn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên là chính, nắng mưa thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt của nhiều người dân. Tuy nhiên trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và có nhiều chính sách ưu đãi đối với huyện miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Là một hội viên nông dân trong xã như mọi người nông dân khác, bản thân anh Y Nam đã chịu khó tìm hiểu, học hỏi về kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất, nắm bắt được tình hình thời tiết cộng với tinh thần cần cù lao động nên đã khắc phục được khó khăn, phấn đấu vươn lên thành công trong cuộc sống như hiện nay.
Xác định được cây mía là cây chủ lực cho phát triển nông nghiệp ở địa phương xã nhà, gia đình anh Y Nam đã mạnh dạn đầu tư 5 ha đất để trồng mía và chủ động liên kết ký hợp đồng mua bán mía với công ty TNHH công nghiệp KCP để được đầu tư giống, phân bón và cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng mía trồng được.  Đồng thời đã mạnh dạn đầu tư một máy trồng mía, một cày cỏ mía và một máy bơm nước tiên tiến nhằm phục vụ cho việc trồng mía và làm cỏ được kịp thời vụ, tiết kiệm được chi phí thuê mướn bò cày và nhân công làm cỏ thủ công như trước đây. Hiện nay, gia đình anh có tổng cộng 5 ha đất trồng mía, sản lượng mía của gia đình thu được bình quân mỗi vụ trên 600 tấn, cụ thể như: Vụ mía năm 2010-2011 thu được 650 tấn, sang vụ 2011-2012 sản lượng thu được 725 tấn, tăng 75 tấn so vụ trước. Ngoài 5 ha mía, gia đình còn canh tác 3 sào đất trồng lúa nước 2 vụ trong năm, sản lượng thu được là: 33 tạ/năm.
 
Ngoài ra, anh còn mua bò của các hộ xung quanh không có điều kiện chăm sóc đem về nuôi dưỡng và kết hợp vừa làm sức kéo, vừa chăm sóc sau 2 năm sẽ xuất chuồng bán và mua lại bò khác, thu lãi mỗi năm khoảng trên 20 triệu đồng, nay trong chuồng có 4 con bò đực lai, trị giá trên 100 triệu đồng. Đồng thời trong vườn xung quanh nhà còn tranh thủ trồng rau xanh và nuôi thêm một số gà, vịt, phục vụ làm thức ăn cho gia đình để tiết kiệm được chi phí sinh hoạt hàng ngày và tăng thêm nguồn thu nhập. 
 
Nắm bắt được khâu vận chuyển tại các xã miền núi còn nhiều khó khăn, gia đình anh Y Nam đã góp vốn cùng hai gia đình khác mua xe vận chuyển mía cho gia đình khi thu hoạch, nên chủ động được thời gian vận chuyển mía của mình đến nhà máy kịp thời, không phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển đi thuê. Không muốn  1 mét đất nào để phí, anh học hỏi kỹ thuật thâm canh cây hoa màu khác như dưa hấu, gia đình đã thực hiện canh tác 2ha đất với hình thức thâm canh sau khi thu hoạch mía gốc, tranh thủ xuống giống trồng vụ dưa hấu (loại thâm canh ngắn ngày) sau gần 2 tháng, khi thu hoạch dưa xong gia đình tôi lại tiếp tục xuống giống trồng mía. 
 
Thành quả của việc đan xen giữa trồng trọt vừa chăn nuôi, kết hợp với dịch vụ vận tải nên kết quả thu nhập của gia đình anh Y Nam trong 2 năm qua khá cao. Tổng thu nhập bình quân của gia đình (sau khi trừ chi phí) đạt trên 220 triệu đồng mỗi năm; tổng thu nhập năm 2011 là 224 triệu đã trừ chi phí, bình quân 55 triệu/khẩu. Năm 2012 tổng thu nhập 260 triệu tăng 36 triệu đã trừ chi phí, bình quân 65 triệu/ khẩu, bình quân thu nhập 2.700.000đ/người/tháng. Nhờ nguồn thu nhập nêu trên mà gia đình đã có cuộc sống khá giả, xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà, nuôi con ăn học chu đáo, đồng thời có điều kiện tham gia các phong trào xã hội.
 
Cùng với việc chăm lo, tăng gia sản xuất và làm kinh tế, anh Y Nam còn gương mẫu, luôn luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động. Trong những năm qua, đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu dân cư đoàn kết, quyết tâm tăng gia sản xuất vươn lên cải thiện đời sống, bản thân đã đến từng gia đình vận động bà con nông dân chí thú làm ăn, chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, vận động hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào nông dân nông thôn, quyên góp nguồn quĩ phát động tại địa phương… Gia đình đã gương mẫu đóng góp 13 ngày công lao động và 5 triệu đồng vào phong trào xây dựng nông thôn mới. 
 
Có được thành công lớn trong kỹ thuật trồng cây mía kết hợp với chăn nuôi   và làm dịch vụ vận chuyển đã đem thu nhập cao cho gia đình, anh chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ những người khác, hướng dẫn áp dụng kiến thức khoa học mới trong trồng mía và chăn nuôi bò cho 31 hộ trong buôn làng để cùng nhau áp dụng, đồng thời đã hỗ trợ tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương có mức thu nhập bình quân từ 3.600.000đ đến 4.000.000 đ/người/tháng. Ngoài ra mỗi năm gia đình xuất tiền cho mượn không tính lãi đối với 5 hộ nghèo trong buôn làng với số tiền 74 triệu đồng/5 hộ, đã giúp đỡ cho 13 hộ mượn giống mía với số lượng là 31tấn mía giống, đến nay những hộ ấy điều có thu nhập ổn định và cải thiện được cuộc sống và đang vươn lên khá giả. Với lòng quyết tâm vươn lên làm giàu cho bản thân và bản làng, mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của anh Y Nam cần được nhân rộng tại các tỉnh lân cận học tập và làm theo.
 
Hoài Thanh
 
Ý kiến của bạn