Người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có tấm lòng thiện nguyện

 11228 lượt xem
(BTĐKT)-Ông Nguyễn Văn Bé Hai sinh ngày 15/9/1956, quê quán ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nông dân xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Người nông dân hiền lành, chân chất với những sáng kiến trong chăn nuôi liên tục nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc giai đoạn 2005 - 2010 thực sự là tấm gương sáng làm thay đổi nhận thức của người dân nơi đây trong việc xây dựng nông thôn mới. 

Sống tại rạch Cầu Xây thuộc ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, gia đình ông Nguyễn Văn Bé Hai được bà con biết đến với nhiều hoạt động từ thiện xã hội: vận động làm cầu, xây nhà, hỗ trợ học sinh nghèo… Trong 03 năm từ 2011 đến 2013, ông đã vận động nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng đóng góp của gia đình để thực hiện các công việc tạo lợi ích cho cộng đồng.

Ông đã vận động đóng góp gạo cho tổ từ thiện cháo, nước tại các bệnh viện trong tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang khoảng 120 tấn, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.
 
Ông vận động gây quỹ và đưa đi mổ mắt bị đục thủy tinh thể cho bà con trong tỉnh hơn 750 người với tổng chi phí mổ mắt, tiền xe và ăn uống cho bệnh nhân gần 1,3 tỷ đồng.
 
Trong việc xây dựng cầu, ông đã vận động và đóng góp kinh phí bắc cầu, tổ chức đội thi công cầu từ thiện, đã bắc được 11 cây cầu tại xã Tân Bình với số tiền 2,2 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức cho đội thi công đi bắc cầu ở các nơi theo yêu cầu của mạnh thường quân như: Huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), huyện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), tỉnh Sóc Trăng và đang thi công cầu tại tỉnh Cà Mau; đến nay, đã thi công được 06 cây cầu với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Qua đó tạo việc làm cho hơn 15 lao động.
 
Công việc xây nhà tình thương cho hộ nghèo cũng được ông quan tâm, ông đã vận động và đóng góp tiền của cất 24 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với tổng số tiền 480 triệu đồng.
 
Trong 03 năm, ông đã vận động các thành viên trong gia đình tặng quà Tết Nguyên Đán cho hộ nghèo, hộ khó khăn được 600 suất quà (mỗi năm 200 suất) với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng.
 
Công việc thiện nguyện đối với ông là một việc làm vô cùng ý nghĩa, ông đã cùng với các mạnh thường quân đóng góp mua 01 xe cứu thương cho hội Chữ thập đỏ của xã, đóng góp tiền xăng, nhớt, bồi dưỡng cho tài xế để giúp chuyển bệnh nhân nghèo, khó khăn trong xã đến cơ sở y tế.
 
Đặc biệt trong lao động sản xuất, ông thật sự là một tấm gương sáng, một điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi, có tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân địa phương về làm nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp.
 
Xã Tân Bình, huyện Châu Thành là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề sản xuất bột và chăn nuôi heo. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường nơi đây đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Việc sản xuất bột và nuôi heo từ lâu đã gây ô nhiễm, mùi hôi và nguồn nước thải đã và đang là vấn đề mà ngành chức năng tìm giải pháp. Tuy nhiên, việc tự giác khắc phục ô nhiễm ngay trong chính các hộ dân thì rất hạn chế. Do đó, mô hình chuồng nuôi heo tập trung của ông Bé Hai được chính quyền và ngành chức năng đánh giá cao. 
 
Ông cùng với gia đình đầu tư hơn 60 triệu đồng để nới rộng chuồng heo nhà mình ra với diện tích hơn 300m2, hỗ trợ các hộ dân khác nuôi cùng. Chuồng được xây dựng khá bài bản với khu nuôi heo thịt và heo nái riêng biệt, có khả năng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của khoảng 10 hộ dân với quy mô 100 con heo thả nuôi. Chuồng heo có hệ thống xử lý phân, nước thải đúng tiêu chuẩn của dự án khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Hà Lan tài trợ. 
 
Với chuồng heo này, ông Bé Hai sẽ giúp cho các hộ dân nghèo có thể chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình mà không cần phải tốn khoản chi phí làm chuồng. Mặt khác, với mô hình này, ông Bé Hai cũng phần nào giúp cho địa phương giảm bớt ô nhiễm khi các hộ dân không còn thải nước thải, phân trực tiếp xuống con rạch. 
 
Theo suy nghĩ của ông thì bà con ở đây đều nuôi heo với quy mô nhỏ lẻ, không đảm bảo về yêu cầu xử lý chất thải của heo (thải phân xuống kênh, rạch), gây ô nhiễm nặng về môi trường. Vì lẽ đó, ông quyết định làm cái chuồng rộng ra để các hộ chăn nuôi khác cùng vô nuôi chung với mình để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Chuồng có hệ thống xử lý phân, nước thải đúng tiêu chuẩn của dự án khí sinh học với kinh phí khoảng 60 triệu đồng; đối với gia đình ông, khoản kinh phí này không phải quá nhiều nhưng so với hộ chăn nuôi nghèo là rất lớn. Đối với ông chi tiêu nhiều cũng phí, tốt hơn mình tiện tặn lại giúp cho những người nghèo, khó khăn cải thiện thu nhập và điều quan trọng nữa là bảo vệ môi trường sạch cho cộng đồng dân cư nơi đây.
 
Mặc dù chuồng chỉ mới hoàn thành hơn 50%, nhưng nhiều hộ dân đã đăng ký để đưa heo vào nuôi. Với cách làm này, ông Bé Hai dự định sẽ giúp cho các hộ nghèo giảm chi phí làm chuồng, bớt ô nhiễm và giúp cho gia đình ông có khí gas để sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Bé Hai, thời gian tới nếu được phủ kín các chuồng, lượng gas để gia đình ông sử dụng là không hết, nên ông Bé Hai đã tính toán chia sẻ khí gas này với các hộ nuôi heo để giúp họ giảm chi phí nhiên liệu nấu nướng hằng ngày.
 
Đây có thể nói là cách làm mang tính tiên phong vì việc vận động người dân chuyển biến nhanh trong nhận thức về bảo vệ môi trường là điều khó khăn. Tuy nhiên, qua mô hình trang trại nuôi heo của ông Bé Hai có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, làm cho môi trường chăn nuôi ngày càng sạch hơn, giúp cho hộ nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu chăn nuôi cải thiện cuộc sống gia đình. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã. 
 
Mô hình chuồng nuôi heo tập trung miễn phí của ông Nguyễn Văn Bé Hai đã và đang có những tác động tích cực đối với nhận thức của một bộ phận người dân sống chuyên nghề làm bột nuôi heo tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Mô hình này không chỉ tác động đến nhận thức về bảo vệ môi trường của các hộ nghèo được gởi heo vào chuồng nhà ông Hai mà còn tác động sâu sắc đến người dân trong địa phương. 
 
Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông đóng góp cho Hội Nông dân xã Tân Bình 100kg lúa giống nguyên chủng do gia đình sản xuất để Hội Nông dân xã có quỹ lúa giống giúp cho hộ nghèo, khó khăn mượn sản xuất. Gia đình ông hợp đồng với ngành nông nghiệp tỉnh sản xuất lúa giống nguyên chủng với diện tích 2,3 ha, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mỗi ngày bình quân 10 người, thu nhập mỗi người 100.000 đồng/ngày và vận động các hộ xung quanh liên kết sản xuất thêm 2 ha lúa giống, giúp cho nông dân nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
 
Ông Nguyễn Văn Bé Hai thật sự là một tấm gương sáng, góp phần vào xây dựng bộ mặt nông thôn mới ở Đồng Tháp ngày càng giàu đẹp. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, ông đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.
 
Nguyễn Thị Bích Phượng
 
 
Ý kiến của bạn