(Dự thảo)Thông tư liên tịch Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

 12249 lượt xem
 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

 

 

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 29 tháng 8 năm 1994; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

Căn cứ Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2013/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

 

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Điều 2, Điều 4, Điều 5, Điều 7 của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 

 

Điều 2: Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng

Đối tượng  được xét tặng hoặc truy tặng thực hiện theo Điều 2 của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và theo các quy định sau đây:

1. Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ mang quốc tịch Việt Nam, có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

2. Trường hợp liệt sỹ là con đẻ và con nuôi của hai bà mẹ được pháp luật thừa nhận thì xét đối với bà mẹ nào có đủ điều kiện tiêu chuẩn. Nếu cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện tiêu chuẩn thì xét đề nghị với cả hai bà mẹ. Trường hợp mẹ đẻ và mẹ nuôi không có mối liên hệ với nhau hoặc người mẹ nuôi và con nuôi không rõ nhân thân, nơi ở của mẹ đẻ thì xét đối với người mẹ nuôi. 

3. Trường hợp bà mẹ có 2 con là liệt sỹ, trong đó có một liệt sỹ là con nuôi của mẹ khác mà bà mẹ nuôi đó đã được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định của Nghị định 176-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ thì người mẹ đẻ cũng được đề nghị phong tặng nếu có đủ điều kiện.

4. Trường hợp người mẹ đẻ của 02 liệt sỹ mất sớm, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sỹ, (đề nghị xem xét 3 phương án sau): 

- Xét tặng hoặc truy tặng đối với cả hai bà mẹ nếu bà mẹ kế không có con; 

- Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ kế nếu bà mẹ kế không có con và được gia đình nhà chồng nhất trí. 

- Trường hợp bà mẹ kế có con khác thì xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ đẻ.

5. Liệt sỹ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác:

Nếu một trong hai bà mẹ đủ điều kiện theo quy định thì xét đề nghị với bà mẹ đó. Trường hợp cả hai bà mẹ đủ điều kiện thì đều được đề nghị xét tặng   hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

6. Người mẹ là vợ liệt sỹ đã tái giá:

Người mẹ là vợ liệt sỹ đã tái giá đều được xét tặng hoặc truy tặng nếu có đủ điều kiện theo quy định.

7. Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết:

Chỉ xét đối với bà mẹ có những người con khác nhưng đều đã chết trước khi người con là liệt sỹ tham gia cách mạng.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A có ba người con trai là: 

1. Trần Văn Đ; sinh năm 1950 

2. Trần Văn H; Sinh năm 1952 

3. Trần Văn P; Sinh năm 1954.

Vì hoàn cảnh bệnh tật nên Trần Văn Đ đã chết năm 1955; do chiến tranh đến năm 1969 Trần Văn H lại chết do bom đạn. Bà Nguyễn Văn A chỉ còn lại một người con Trần Văn P; năm 1972 bà tình nguyện cho anh P nhập ngũ và đã hi sinh năm 1973. Trường hợp của bà A, tuy sinh hạ được ba người con nhưng hai người con đã chết trước khi anh P nhập ngũ và hy sinh nên liệt sĩ P được coi là người con độc nhất còn lại của bà A và bà đủ điều kiện để đề nghị phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

Điều 3. Thủ tục hồ sơ

Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5, Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ.            Liên Bộ hướng dẫn thực hiện đối với một số trường hợp sau: 

1. Hồ sơ đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và thân nhân của liệt sĩ, thương binh. 

2. Những trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sỹ, nhưng hồ sơ bị thất lạc, Bằng “Tổ quốc ghi công” chưa được cấp hoặc bị mất, hư hỏng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương căn cứ danh sách đang quản lý ở cấp mình thực hiện việc kiểm tra, xác nhận hoặc lập danh sách báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xác minh, tra cứu, trích lục, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị.

3. Trường hợp bà mẹ cư trú ở nhiều địa phương thì do địa phương nơi              bà mẹ có hộ khẩu thường trú và giải quyết trợ cấp tiền tuất, nơi ở cuối cùng của bà mẹ lập hồ sơ tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 

4. Đối với trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do thân nhân được ủy quyền thực hiện mà người đó không ở nơi cư trú của bà mẹ khi còn sống thì hồ sơ đề nghị phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sỹ; văn bản của chính quyền địa phương nơi cư trú của bà mẹ khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và các vấn đề về nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có tái giá hay không, thái độ chính trị, đạo đức, việc chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước).

5. Đối với những bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng. Nếu người chồng đó đã hy sinh, từ trần thì phần thưởng đó được trao cho người con nào thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ. Trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ bà mẹ đó được trao giữ phần thưởng này theo đề nghị bằng văn bản của gia đình hoặc dòng họ.

 

Điều 4:  Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương):

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”;

b) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và các cơ

quan có liên quan, tổng hợp hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ;

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm

pháp luật về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hồ sơ đang quản lý, thực hiện việc kiểm tra,               xác nhận hồ sơ liệt sỹ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng cấp tỉnh) tham mưu             để  chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ;

b) Có ý kiến hiệp y theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

a) Chỉ đạo các cơ quan quân sự, công an phối hợp xét tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 

b) Có ý kiến hiệp y theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đồng thời tổ chức xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, xét duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt

Nam anh hùng” cho các bà mẹ đủ tiêu chuẩn.

 

Điều 5: Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày… tháng… năm 2014.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan tổ chức có liên quan trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Thông tư này.

3. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ), Cục Người có công (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng)  có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương)  tổng hợp để Liên Bộ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013

 
Ý kiến của bạn