Người đi nuôi dòng nước ngọt trên đồng đất Tây Nguyên

 13806 lượt xem
(BTĐKT)-Nét mặt thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ đậm chất Quảng Bình, nhưng cởi mở, trải lòng và đặc biệt là ánh mắt luôn toát lên sự cương nghị, quyết tâm trong từng lời nói và hành động. Đó là những chấm phá cơ bản về chân dung của Hoàng Trung Thông, Giám đốc Ban quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum. Quê anh ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. 

 Đầu năm 2007, mới hơn 35 tuổi, Hoàng Trung Thông đã trở thành Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác và Xây dựng Thủy lợi tỉnh Kon Tum. Trước khi làm Giám đốc, anh đã có hơn 10 năm làm đội trưởng đội công trình của công ty. Tuổi trẻ của anh đã dấn thân vào tận những vùng núi cao, rừng sâu trên khắp thôn làng của tỉnh. Hơn 10 năm lặn lội, bám đội, lội đồng ở mãi tận Đăk Choong, Mường Hoong, Đăk Kôi, Mô Rai, Xã Hiếu, Pờ Ê… những nơi này cách xa thành phố Kon Tum hàng trăm cây số để chỉ huy thi công hàng chục công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt thiết yếu của bà con vùng sâu vùng xa. Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum tâm sự: “Chọn được người như anh Thông, một giám đốc trẻ gắn bó với nông nghiệp, nông thôn nhiều năm như vậy là yên tâm lắm”.

 
Không chỉ là thuận buồm xuôi gió. Khi chấp chính ở cương vị giám đốc, Hoàng Trung Thông đã gặp phải những khó khăn ban đầu tưởng chừng như khó vượt qua. Mà sức cản lớn nhất là tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, người lao động công ty. Mọi người đã sống, làm việc trong cơ chế cũ đã quá lâu. Từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang Cổ phần. – “Em cũng lo lắm” – Hoàng Trung Thông tâm sự. Cơ chế bao cấp, dựa vào Nhà nước đã sâu rễ bền gốc trong ý thức của mọi người. Bây giờ phải lo, phải tự chủ để làm ăn, phát triển. Cái khó nữa là khi tiếp nhận chức giám đốc là hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh đang trong thời kỳ xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn... Những cái có ở trong tay để làm thì quá ít  mà phải lo chạy vạy, đắp đổi lo từng việc một. Rồi còn ý thức của người dân, của cộng đồng trong việc bảo quản, giữ gìn các công trình thủy lợi… cũng là những việc phải giải quyết thấu đáo nếu muốn ổn định và phát triển. 
 
Không quản gian khó, vất vả. Vị giám đốc lại tất tả, ngược xuôi, khảo sát đánh giá lại hệ thống thủy lợi từ các huyện xa như Đăk Glei, Ngọc Hồi đến Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, để xây dựng các phương án củng cố, nâng cấp các công trình. Với thái độ chỉn chu, chuyên cần vốn sẵn có ở con người này, Hoàng Trung Thông đã cùng với tập thể công ty từng bước vực dậy, kéo cả hệ thống những người làm thủy lợi trong tỉnh vào cuộc với tâm huyết góp sức xây dựng nền nông nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển lên một bước mới; đẩy nhanh tốc độ CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn một tỉnh miền núi còn khó như Kon Tum.
 
 
Giám đốc Hoàng Trung Thông kiểm tra các công trình thủy lợi
 
 
Thành công đầu tiên và cơ bản nhất khi chuyển sang mô hình quản lý mới là Giám đốc Hoàng Trung Thông đã cùng với tập thể chi bộ, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc xốc lại đội ngũ, đoàn kết đồng lòng cùng nhìn về một hướng với tâm thế mới: Tự chủ, tự quản, tự quyết vì sự nghiệp chung. Trên dưới đồng lòng thì khó đến mấy cũng thành công. Tâm niệm rõ điều đó nên giám đốc đã quy tụ được mọi người  xung quanh mình, phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời phân cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, tạo động lực cho mọi người lao động góp sức vào phát triển công ty. Thành công lớn nhất đối với Hoàng Trung Thông trên cương vị giám đốc, đó là đã củng cố, nâng cấp, xây dựng lại hầu hết hệ thống thuỷ lợi đã hư hỏng xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn để phòng chống thiên tai lũ bão và cung cấp nước tưới cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là những hồ chứa nước trọng điểm của tỉnh đã được nâng cấp như: Hồ chứa Đăk Uy huyện Đăk Hà, hồ chứa Đăk Kan huyện Ngọc Hồi, hồ chứa Tân Điền, Đăk Sờ Men thành phố Kon Tum…đã tạo được sự yên tâm cho người dân khi nắng hạn kéo dài hay mưa lũ tràn về. Năm 2011, nhiệm vụ quản lý khai thác vận hành và bảo về các công trình thuỷ lợi được giao cho Ban quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh vừa được thành lập và anh lại tiếp tục được điều động đảm nhiệm vị trí Giám đốc của đơn vị mới.        
     
Hiện nay, Ban quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đang quản lý vận hành 163 công trình thuỷ lợi từ cấp I đến cấp IV. Trong đó có: 61 hồ chứa, 94 đập dâng và 08 trạm bơm điện với tổng diện tích tưới hơn 10.460 ha lúa, cây công nghiệp, ao cá và rau màu các loại. Đặc biệt là hồ chứa nước Đăk Uy với chiều cao đập trên 37 m, dung tích chứa lên đến 29,6 triệu m3 đã cung cấp nước tưới ổn định cho hơn 2.650 ha lúa, cà phê và nước sinh hoạt cho 65.000 dân huyện  Đăk Hà. Đảm bảo khai thác  có hiệu quả, đúng thời vụ, góp phần đảm bảo an toàn cho công trình, giảm lũ cho vùng hạ du, tiếp nước và tăng năng lực tưới cho nhiều công trình thủy lợi trong hệ thống trên địa bàn trọng điểm về lúa và cà phê của toàn tỉnh, đã tạo nên một vùng đất trù phú Đăk Hà như ngày hôm nay. 
 
Tôi hỏi Hoàng Trung Thông là điều gì anh cảm thấy tâm đắc nhất sau hơn 20 năm công tác trong ngành NN&PTNT với hơn 8 năm được giao làm nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Vẫn phong thái điềm đạm, lịch lãm nhưng rất cởi mở, trải lòng, Hoàng Trung Thông cho rằng điều mà anh mừng nhất là hệ thống các công trình thủy lợi ngày càng được các cấp các ngành quan tâm đầu tư sữa nâng cấp, đảm bảo nhiệm vụ đa mục tiêu, tạo chủ động trong việc phục vụ sản xuất để nâng cao đời sống của bà con, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa. Trong công tác chuyên môn kỷ thuật, đã làm thay đổi toàn bộ tư duy của cán bộ công nhân làm công tác quản lý thủy nông, đó là tính kỷ luật và tôn trọng kỹ thuật trong qui trình vận hành hệ thống các công trình thủy lợi.
 
Mừng hơn cả là luôn tạo được việc làm ổn định cho hơn 80 con người, lương thưởng, chế độ bảo đảm, cuộc sống vật chất và tinh thần của cán bộ đảng viên và người lao động được cải thiện. Xây dựng được một tập thể đoàn kết, một đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Bên cạnh Giám đốc Hoàng Trung Thông hiện đang có một đội ngũ cán bộ vững vàng, trưởng thành từ gian khổ, trung thành tuyệt đối với con đường mà mình đã chọn như các đồng chí: Nguyễn Mậu Lợi, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Dẫn, Hoàng Văn Công, Lê Khắc Tiến v.v…Ở đây, theo Phó trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý công trình Nguyễn  Mậu Lợi thì mỗi công trình, mỗi sản phẩm của đơn vị  đều mang đậm dấu ấn về người giám đốc trẻ tuổi, tận tụy, hết lòng vì công việc. Còn đối với Hoàng Trung Thông, anh vẫn ngày đêm say mê lao động, dấn thân, khao khát được cống hiến để trưởng thành; bầu nhiệt huyết trong anh vẫn luôn tràn đầy, ấm nóng vì sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Chính vì thế mà sau hơn bao năm ấp ủ, miệt mài, Hoàng Trung Thông đã bảo vệ thành công đề tài: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao ổn định đập đất trên nền đất yếu” tại trường Đại học Thủy lợi. Anh đã bảo vệ luận án Thạc sỹ với số điểm đạt loại xuất sắc. Hiện anh đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với đề tài  “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp kỹ thuật trong vận hành hệ thống tưới nhằm đảm bảo tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum” mà bao năm anh vẫn hằng ấp ủ. 
 
Cuối cùng thì tôi cũng gặp được Hoàng Trung Thông để thực hiện bài viết này sau nhiều lần lỗi hẹn. Tôi vẫn biết anh quá bận rộn. Có những việc phải giải quyết thâu đêm, rồi sáng sớm lại phải lội đồng, bám ruộng, tất tả đi về như con thoi trên địa bàn khá rộng. Thế mới biết rằng có khi sức làm việc của một con người vượt quá những gì ta có thể.
 
Xiết chặt tay anh, hơi ấm từ anh lan tỏa sang tôi như truyền thêm cảm hứng cho niềm say mê lao động của vị giám đốc này đối với những người trẻ tuổi. Trên những cánh đồng, những vườn cà phê, cao su… bạt ngàn nơi cực bắc Tây Nguyên này, ta lại càng thêm trân trọng dòng nước ngọt mà những người làm thủy lợi ngày đêm mang lại cho cuộc sống mới tốt tươi .
 
Nguyễn Khánh Hòa
 
Ý kiến của bạn