Bắc Giang: Tấm gương sáng về thi đua, sản xuất giỏi

 10574 lượt xem
(BTĐKT)-Phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của tỉnh Bắc Giang ngày càng có bước phát triển toàn diện; chất lượng, hiệu quả được nâng cao, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hộ nông dân nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Thông qua các hình thức hỗ trợ vật tư, vay vốn ưu đãi, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, các mô hình khuyến nông, khuyến lâm đã thu hút hàng nghìn nông dân tích cực phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại tham gia. Trong đó phải kể đến ông Nguyễn Huy Liệu Hội viên, Chủ tịch Hội nông dân xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên đã được công nhân là hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp với mô hình kinh tế kinh doanh tổng hợp cho thu nhập cao. 

Nhắc đến ông Liệu thôn Ngõ Đá, xã Việt Ngọc (Tân Yên) bà con trong vùng ai cũng phải thán phục, không chỉ là một nông dân có tinh thần tự lực, tự cường, năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động xây dựng phương thức sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, đang "ăn nên làm ra" mà ở bất cứ cương vị nào ông Liệu cũng đều hết lòng vì công việc, luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

 
Mô hình trang trại tổng hợp của ông Liệu.
 
Được biết trước kia, kinh tế của gia đình ông cũng gặp không ít những khó khăn do đất sản xuất không nhiều, diện tích đất vườn lại nhỏ hẹp. Với ý chí vươn lên và luôn coi trọng việc xây dựng các mô hình mới có giá trị, cho thu nhập cao, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia các chuyến đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi có các mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ gia đình trong và ngoài tỉnh như: Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa, thành phố Bắc Giang... do Hội Nông dân huyện tổ chức để về đầu tư áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Và sau những chuyến thăm quan, để đảm bảo kinh tế gia đình được ổn định hơn, ông đã vận động gia đình dồn điền đổi ruộng chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản và xây dựng mô hình trang trại kinh tế tổng hợp để sản xuất. Cùng với việc thả cá, nuôi lợn, nuôi bò, ngựa, nuôi gà đẻ trứng và chim bồ câu thịt, ông bắt tay vào trồng các loại cây rau màu và cây ăn quả với diện tích 1000m2 để phục vụ sinh hoạt cho gia đình và những người dân địa phương.
 
Ông Liệu cho biết: "Ngay từ khi xây dựng mô hình trang trại, cần phải tính toán thật kỹ việc lựa chọn giống vật nuôi, không chỉ phù hợp với điều kiện của gia đình mà còn phải tìm hiểu thị trường đầu ra và phải được giá. Việc chọn giống cũng cần phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng, nhờ đó sản phẩm thịt các loại và trứng tiêu thụ mới được dễ dàng".
 
Ngoài ra, ông cũng rất chú trọng đến công tác vệ sinh phòng dịch, chuồng trại thường xuyên được phun thuốc khử trùng, sạch sẽ thoáng mát, gia súc, gia cầm cũng được tiêm phòng đầy đủ, khi thấy gia súc có biểu hiện kém ăn, ông chủ động tiêm thuốc kháng sinh tổng hợp cộng với thuốc hạ sốt, thuốc trợ lực hằng ngày theo hướng dẫn. Cùng với việc sử dụng thuốc tiêm, ông đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và nguồn nước sạch. Vì nguồn nước là quan trọng nhất đối với việc phòng bệnh cho trang trại tổng hợp của ông. 
 
Nhìn đàn gia súc, gia cầm khỏe mạnh hồng hào, ông Liệu tủm tìm tâm sự có vẻ rất tâm đắc với kinh nghiệm riêng của mình, ông chia sẻ: " Tôi phòng bệnh cho vật nuôi chủ yếu là cách lý với nguồn nước bên ngoài, vì bảo vệ nguồn nước sạch cho vật nuôi vừa không tốn kém về chi phí vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao".
 
Chính vì thế mà trong thời gian qua, khác với các hộ sản xuất theo mô hình trang trại đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ suy thoái của nền kinh tế, bệch dịch, thiên tai luôn đe dọa đến vật nuôi họ đều thu hẹp quy mô sản xuất song gia đình ông vẫn tỏ ra rất bình tĩnh, không bán tháo như nhiều người mà gia đình ông vẫn tiếp tục đầu tư chăn nuôi, ổn định sản xuất. Vì vậy, trang trại của gia đình ông vẫn được duy trì và cho thu nhập cao.
 
Với 5000m2 diện tích ao, ông tập trung thả các giống cá chim, trắm đen mà chủ yếu là giống cá rôphi...,  tận dụng diện tích bề mặt ngoài của ao, gia đình ông trồng rau làm thức ăn cho lợn, cộng thêm 1000m2 đất canh tác trồng cây kết hợp, cũng đủ cung cấp nguồn thức ăn tại chỗ cho trang trại của gia đình; từ mô hình trang trại tổng hợp này, mỗi năm gia đình ông thu được trên 1 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí các loại, ông còn có thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm, nhờ đó đời sống của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Vừa là trách nhiệm của bản thân gia đình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi vừa là Chủ tịch Hội nông dân của xã nên ông đã cùng với các cán bộ hội viên Hội Nông dân xã hàng ngày tuyên truyền, vận động các hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua và hoạt động của Hội, của địa phương; trong năm vừa qua ông đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho bà con hội viên nông dân trong xã, tổ chức cho họ đi tham quan học tập ở nhiều nơi trong tỉnh cũng như tỉnh bạn; ông đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên thửa ruộng của gia đình mình và ông cũng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, tìm ra các mô hình mới có giá trị để làm thí điểm cho bà con nông dân học tập và làm theo, giúp bà con nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế hộ gia đình. 
 
Từ mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp nuôi lợn, bò, ngựa, gà đẻ trứng và chim bồ câu ông đang tiếp tục đầu tư mở rộng vào mô hình chăn nuôi thỏ và lợn siêu lạc, đây là một hướng đi mới của ông .
 
Mô hình chăn nuôi thỏ ông Liệu bắt đầu chuyển sang đầu tư.
 
P.V
 
Ý kiến của bạn