Truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng chí Võ Bẩm và Lê Xy

 2455 lượt xem
TĐKT – Chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, phát triển và hội nhập. Để có được thành quả to lớn đó, biết bao thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến trí tuệ, công sức, mồ hôi, xương máu của mình. 

  Để ghi nhận và tri ân những người có công trong kháng chiến cứu quốc, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt trong đó chú trọng công tác khen thưởng thành tích trong kháng chiến với phương châm “Không để sót người có thành tích không được Nhà nước khen thưởng”. Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và giải quyết các trường hợp khen thưởng kháng chiến còn tồn đọng tại các địa phương được tập trung cao độ.

Xét những đóng góp lớp lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho hai đồng chí Thiếu tướng Võ Bẩm, Nguyên Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 559 và đồng chí Lê Xy, Nguyên Chính ủy Bộ đội Trường Sơn. 
Đây không chỉ là niềm vinh dự, niềm vui lớn đối với thân nhân các đồng chí mà còn là niềm vinh dự đối với các thế hệ Bộ đội Trường Sơn; là sự tri ân, ghi nhận và đánh giá cao công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là những tấm gương sáng để các thế hệ bộ đội trẻ hôm nay tiếp tục học tập, rèn luyện, noi gương, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
 
Lễ truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho  Thiếu tướng Võ Bẩm, Nguyên Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 559 và đồng chí Lê Xy, Nguyên Chính ủy Bộ đội Trường Sơn.
 
Thiếu tướng Võ Bẩm, Nguyên Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 559
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915, tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Từ năm 1930 đến năm 1945, trải qua các cương vị công tác như đội viên Đội thiếu niên Quảng Ngãi, làm nhiệm vụ đưa thư từ, tin tức mật cho tổ chức Đảng rồi Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tổng ủy Việt Minh ở huyện Sơn Tịnh, mặc dù rất khó khăn, gian khổ, bị giam cầm, tù đày và bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn trung kiên, bất khuất, giữ vững khí tiết người cộng sản và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tháng 9/1945, đồng chí được điều vào quân đội, trải qua các chức vụ như chính trị viên khu Nam Bình Định, chính ủy Trung đoàn, Cục phó Cục Nông trường, đồng chí đều tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 5/1959, đồng chí được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt – Đoàn 559”. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi vận chuyển chủ yếu là gùi thô, lực lượng nhỏ bé, hoạt động trong điều kiện rừng núi, khí hậu khắc nghiệt, phải luồn rừng vạch tuyến; phải tuyệt đối bí mật và vượt qua đồn bốt với sự canh phòng ngày đêm của địch. Trên cương vị đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 559, đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng, tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, mưu trí, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Tổng Quân ủy giao cho; đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đạn dược chi viện cho chiến trường theo từng giai đoạn, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển.
Ngay khi mới thành lập, đồng chí đã đề xuất và trực tiếp thành lập “Đoàn 759” với mật danh “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam. Đây là cơ sở quan trọng, là tiền đề cho việc hình thành và phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo ra hướng vận tải hết sức quan trọng để chi viện sâu vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Khi nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng, đồng chí đã phát biểu “Chúng tôi sẽ gắng sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nhưng vì nhiệm vụ, nếu như có việc gì đó phải vượt quá giới hạn, tôi xin chịu kỷ luật, chỉ xin các anh ghi bị kỷ luật là do phải thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường”.
Khi địch đánh phá, ngăn chặn hết sức ác liệt, làm cho nhiệm vụ vận chuyển ở đường Đông Trường Sơn ngừng trệ, đồng chí là người đề xuất việc lật cánh vận chuyển từ Đông sang Tây Trường Sơn (trên đất bạn Lào); đề nghị cấp trên cho vận chuyển hàng từ Việt Nam bằng máy bay qua Lào và từ đó theo tuyến Tây Trường Sơn vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Đồng chí còn là người đầu tiên đề nghị đưa cơ giới vận chuyển trên đường Trường Sơn. Đây là điểm mốc hết sức quan trọng để hình thành và hoàn thiện các phương thức vận tải chiến lược, đáp ứng chi viện ngày càng lớn cho các chiến trường.
Đồng chí Võ Bẩm là cán bộ, đảng viên trung kiên, bất khuất trong lao tù; trong chỉ huy chiến đấu mưu trí, dũng cảm; trong lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều sáng tạo, quyết đoán. Đặc biệt trên cương vị Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 559 (giai đoạn 1959 – 1965), với biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, đồng chí đã cùng với Bộ Tư lệnh 559 xây dựng tuyến chi viện chiến lược phát triển không ngừng; từ cấp tiểu đoàn ban đầu, sau 6 năm đã trở thành đơn vị tương đương cấp quân đoàn và sau này tương đương với quân khu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Đồng chí Lê Xy, Nguyên Chính ủy Bộ đội Trường Sơn 
Đại tá Lê Xy, sinh năm 1924, trên quê hương Xô Viết - Nghệ Tĩnh, tham gia cách mạng tháng 1/1945. Từ năm 1945 – 1952, đồng chí đã trải qua các cương vị công tác: cán bộ Việt Minh, Công đoàn công nhân cứu quốc thị xã Hà Tĩnh, Bí thư Công đoàn, Phó Bí thư Việt Minh thị xã Hà Tĩnh; Bí thư Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 5/1952, trước yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đồng chi tình nguyện vào Quân đội, công tác tại Phòng Công xưởng và Phòng Chính trị - Cục Quân nhu – Tổng cục Cung cấp; rồi tiếp tục giữ các chức vụ: Trưởng phòng Quân trang – Cục Quân nhu; Trưởng phòng Cán bộ - Tổng cục Hậu cần. Dù ở vị trí nào, hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu, đồng chí Lê Xy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 5/1965, đồng chí được Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Chính ủy Hậu cần – Đoàn 559 rồi tiếp tục giữ các chức vụ Chính ủy Binh trạm 6, Phó Chính ủy và Chính ủy Bộ đội Trường Sơn. Trên cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, phẩm chất và năng lực của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội; không sợ hy sinh gian khổ, có tính quyết đoán cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhất là trong thời điểm khó khăn, có ý nghĩa quyết định để chỉ huy đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành thắng lợi.
Tháng 5/1965, khi mới đảm nhiệm cương vị Chính ủy Cục Hậu cần, đồng chí đã đề xuất và trực tiếp tổ chức đợt vận chuyển đột kích với mật danh “Ngọn đèn xanh Bác Hồ” để cứu đói cho lực lượng lớn của ta ở tuyến 3. Trong chuyến đột kích ấy, địch đánh phá vô cùng ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của ta, đồng chí đã dũng cảm, trực tiếp chỉ huy và cùng đoàn xe vượt qua trọng điểm trong bom đạn của kẻ thù, đưa hàng tới đích an toàn.
Đặc biệt năm 1966 – 1967 việc vận chuyển hàng cho Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên vô cùng khó khăn, trên cương vị Chính ủy Binh trạm 6, nơi nào khó khăn, ác liệt, đồng chí đều có mặt. Với khẩu hiệu “Đánh địch mà đi, mở đường mà đến”, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 591 vừa đánh địch, vừa mở đường vận tải trên tuyến Đông Trường Sơn cung cấp vũ khí, lương thực cho Bắc Tây Nguyên. Điển hình là các trận đánh địch nống, lấn ở A Sầu, A Lưới, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải của Binh trạm 6, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Bắc Tây Nguyên.
Trong chiến dịch giải phóng Thành cổ Quảng trị, đồng chí Lê Xy được phân công trực tiếp phụ trách vận tải chi viện cho lực lượng bảo vệ vùng mới giải phóng  Thành cổ. Đồng chí đã đề xuất cơ động Binh trạm 12 từ Tây Trường Sơn lật cánh sang Đông Trường Sơn làm nhiệm vụ đảm bảo cho chiến dịch Quảng trị; mở tuyến vận tải thủy trên sông Thạch Hãn, dùng thuyền và ca nô vận chuyển vũ khí, đạn dược chi viện cho bộ đội Thành cổ. Trong chiến dịch này, đồng chí là người trực tiếp chỉ huy các lực lượng đảm bảo, trực tiếp khảo sát các nhánh sông Thạch Hãn; quyết định thành lập và trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn ca nô vận tải thủy cùng bộ đội địa phương đánh địch, vận chuyển vũ khí, đạn dược trên sông Thạch Hãn giao cho Bộ đội tại Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.
Trong chiến dịch Tây Nguyên, trên cương vị là Chính ủy Bộ đội Trường Sơn, đồng chí đã chỉ huy các Sư đoàn 470, 471, 472, 475 khắc phục và mở thông tuyến Đông Trường Sơn từ Quảng Trị và Tây Nguyên, vận chuyển chi viện vũ khí, đạn dược đáp ứng yêu cầu chiến dịch giải phóng Tây Nguyên; trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 968 làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch và truy kích địch, góp phần giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ huy các lực lượng Bộ đội Trường Sơn vận chuyển, chi viện vũ khí, đạn dược, binh khí, kỹ thuật cho cuộc Tổng tiến công; cơ động các quân đoàn chủ lực với thời gian thần tốc để hình thành 5 mũi tiến công giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Huyền Thư
 
 
Ý kiến của bạn