(BTĐKT) - “Chúng ta thi đua để xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để không tụt hậu với các nước trong khu vực và thế giới; thi đua để xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thi đua để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; thi đua để hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam...”.
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và triển khai nhiệm vụ thi đua, khen thưởng năm 2020, tổ chức sáng 6/1 tại Hà Nội.
Dự Hội nghị còn có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang.
Cùng dự có các đồng chí là thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các vụ, ban, phòng Thi đua - Khen thưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp ngày càng quan tâm thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng được các ngành, các cấp nghiên cứu, xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Từ đó, phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các phong trào được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Công tác khen thưởng đã góp phần động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành tích tiêu biểu, xuất sắc; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua có sự chuyển biến tích cực.
Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã tạo hiệu ứng tích cực, đóng góp vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2019, có 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước lên gần 760.000 doanh nghiệp.
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, đóng góp tích cực trong nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện giảm xuống còn 4%.
Trong công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan làm công tác Thi đua – Khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến.
Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Việc khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc trong các phong trào thi đua có sự chuyển biến tích cực. Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và khen thưởng kháng chiến được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà nêu lên một số hạn chế, tồn tại như: một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức trong phát động phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; cá biệt những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thực sự tiêu biểu; việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở; các cấp cơ sở chưa phát huy vai trò tham mưu; đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng còn hạn chế…
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thay mặt lãnh đạo Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành thi đua, khen thưởng phát huy kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để phong trào thi đua và công tác khen thưởng đạt hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, thúc đẩy việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức chức thành công Đại hội thi đua yêu nước các cấp và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; phát hiện biểu dương, tôn vinh các gương người tốt việc tốt và nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến. Cả nước quyết tâm thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động…
Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nội vụ củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, tinh gọn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng chất lượng, có phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, các vụ, ban, phòng Thi đua – Khen thưởng các bộ, ngành, địa phương tập trung và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp:
Tăng cường vai trò, trách nhiệm, tích cực tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý Nhà nước về công tác Thi đua – Khen thưởng trên địa bàn cả nước. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo Luật Thi đua – Khen thưởng sửa đổi đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu năm với nhiều giải pháp và biện pháp phù hợp, có tính khả thi và hướng vào phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đúng theo quy định của pháp luật. Tiếp tục tham mưu nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng phải đảm bảo kịp thời, công tâm, khách quan, công bằng, minh bạch.
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trong công tác Thi đua – Khen thưởng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Thi đua – Khen thưởng từ Trung ương tới cơ sở. Thực hiện công khai thủ tục hành chính, có cơ chế giám sát thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công tác Thi đua – Khen thưởng.
Tiếp tục giữ được sự ổn định của đội ngũ cán bộ làm công tác Thi đua – Khen thưởng như hiện nay. Cán bộ, công chức, viên chức làm công tác Thi đua – Khen thưởng cần tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện khả năng tham mưu, đề xuất và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, thay mặt Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua – Khen thưởng, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Hoài Thanh