Người phụ nữ khuyết tật thổi hồn cho ốc

 157 lượt xem
(BTĐKT) - Không may bị liệt hai chân và một bàn tay từ nhỏ, chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã vượt qua tự ti, mặc cảm về bản thân, quyết tâm vươn lên làm chủ cuộc sống, miệt mài lao động, nỗ lực học hỏi, tìm tòi. Tận dụng tối đa nguyên liệu vỏ ốc tại các địa phương, chị đã nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật kết hợp tính ứng dụng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vượt lên số phận, chị đã trở thành chủ thương hiệu Tranh đá quý trên đường Đề Thám, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

 
Chị Trần Thị Ngọc Hiếu
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chị Hiếu là con thứ ba trong gia đình có 6 anh chị em. Di chứng của cơn sốt bại liệt hồi bốn tuổi khiến bàn tay phải của chị mất dần cảm giác, đôi chân không còn đi lại được. Tuổi thơ của chị là chuỗi ngày chữa bệnh triền miên khắp các tỉnh thành... Mặc dù vậy, chị vẫn cháy bỏng giấc mơ được sống bình thường và ham học hỏi. 
Năm 2008, chị Hiếu từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh học làm tranh từ đá quý. Lúc mới bắt đầu học, chị gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực bền bỉ, dần dần chị bắt đầu thích nghi được với công việc đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ này. Trong một lần đi biển Vũng Tàu, ngồi trên bờ nhặt những mảnh vỏ ốc, chị Hiếu thử ghép lại với nhau và tạo ra được một bông hoa rất đẹp. Nảy ra ý tưởng làm tranh từ vỏ ốc, chị đã đặt mua vỏ ốc của người dân khắp bờ biển các tỉnh Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Yên… Dần dần, chị Hiếu trở nên đam mê và yêu thích việc tạo ra những sản phẩm nghệ thuật từ vỏ ốc. Ngoài làm tranh, chị còn dùng vỏ ốc để trang trí lên nhiều đồ vật khác nhau như bình hoa, khung ảnh, ly, tách... Cuối năm 2014, sau lần hợp tác làm tranh từ vỏ ốc với một thương gia người Anh, khá thành công, chị quyết định đi theo con đường này.
Không giống như tranh đá quý có sẵn mẫu, tranh làm từ vỏ ốc đòi hỏi nhiều sức sáng tạo và sự khéo léo của nghệ nhân. Vỏ ốc được chị gom góp từ các vùng biển khắp cả nước dù lành lặn hay đã vỡ, bể cũng được chị khéo léo sử dụng, làm nên những tác phẩm đẹp mắt. Gần chục năm gắn bó với những vỏ ốc đa dạng, nhiều màu sắc, chị Hiếu đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm tranh ốc và các sản phẩm làm từ vỏ ốc các loại như: bình hoa, hộp đựng bút, hộp nữ trang, hoa cưới, cài tóc, vòng tay, khung ảnh... Chị còn dùng vỏ ốc để trang trí đồng hồ, heo đất.
Không chỉ tâm huyết tạo ra nhiều tác phẩm bằng vỏ ốc, chị còn rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. Vào sáng thứ bảy hàng tuần, chị dạy nghề miễn phí cho 7 em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn các em tìm được niềm vui trong cuộc sống. Chị đã tặng 2 bức tranh độc đáo cho các tổ chức để đấu giá được 120 triệu đồng ủng hộ bà con vùng lũ lụt miền Trung năm 2020.
Với sản phẩm tinh tế, độc lạ và ý nghĩa, chị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, với dự án “Có hoa ốc không có rác”, vinh dự đạt giải Nhì giải thưởng sáng tạo. Với dự án này, chị Hiếu mong muốn tạo ra những sản phẩm thủ công đẹp, độc, lạ, giảm rác thải, đồng thời khẳng định và nâng cao giá trị của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật. “Tôi là một phụ nữ khuyết tật, hơn ai hết tôi hiểu một người khuyết tật mong muốn có việc làm như thế nào, chính vì thế thông qua dự án này tôi muốn hướng đến những người yếu thế, giảm rác thải và hy vọng có thể truyền động lực đến những chị em phụ nữ khác” – Chị Hiếu chia sẻ.
                                                                                                                                                                     Thu Huệ
 

 
Ý kiến của bạn