Thưa các đồng chí,
Hôm nay, trong không khí vui mừng chào đón năm mới, năm đầu tiên của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ tư 1986 – 1990, chúng ta khai mạc Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ năm và cũng là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đây là Đại hội biểu dương thắng lợi của nhân dân và quân đội ta trong những năm qua, Đại hội của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nêu cao quyết tâm của nhân dân ta khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1986 và năm năm 1986 – 1990 cùng mọi nhiệm vụ khác, lập thành tích xuất sắc mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng sẽ họp cuối năm nay.
Với ý nghĩa to lớn đó, thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng thi đua toàn quốc, tôi xin chào mừng:
- Các đơn vị Anh hùng, các Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc, những tập thể và cá nhân đại diện cho phong trào thi đua cả nước, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là các tập thể và cá nhân được tuyên dương anh hùng lần thứ hai và lần thứ ba.
- Chào mừng các đại biểu chuyên gia Liên Xô, những người đồng chí thân thiết từ quê hương Cách mạng tháng Mười vĩ đại, nơi sinh ra phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, đến Việt Nam cùng chúng ta chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, lao động kiên cường và sáng tạo, tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua, nêu tấm gương cao cả và tinh thần quốc tế mẫu mực.
- Chào mừng đại diện Đoàn ngoại giao các nước xã hội chủ nghĩa, đại biểu các ngành, các đoàn thể, các địa phương, phóng viên các cơ quan thông tấn – báo chí trong nước và nước ngoài.
- Và thay mặt Đại hội, chúng ta xin gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước đang ngày đêm lao động sản xuất, chiến đấu, công tác lời chào thân ái và quyết thắng, chúc đồng bào và chiến sĩ lập nhiều thành tích xuất sắc mới, thực hiện tốt khẩu hiệu “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.
PHẦN I
NHỮNG THÀNH TÍCH TO LỚN CỦA
PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Kể từ Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ tư (1-1-1967) mở ra vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang được đẩy mạnh, chuẩn bị tích cực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đến nay đã 19 năm.
Mười chín năm qua là thời kỳ cách mạng nước ta gặp biết bao khó khăn, thử thách và cũng là thời kỳ quân dân ta chiến đấu oanh liệt nhất, giành được những thắng lợi lịch sử vĩ đại nhất. Trước mắt chúng ta là những khó khăn, thử thách mới của sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Cách mạng luôn luôn là cuộc chiến đấu lớn, xóa bỏ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới và chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi bằng đấu tranh anh dũng, lao động quên mình của hàng triệu người, trong nhiều thế hệ.
Do cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc, chúng ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Năm tháng trôi qua nhưng ý nghĩa của thắng lợi ngày càng thêm sâu sắc. Đây là một trong những thử thách lớn nhất đối với dân tộc ta và thắng lợi này là một trong những thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Vì sự sống còn của đất nước, nhân dân ta đã chấp nhận mọi hi sinh, kiên trì chiến đấu, dấy lên một cao trào cách mạng trong chiến đấu và lao động, dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ở tiền tuyến cũng như hậu phương, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Hành động yêu nước và anh hùng ấy không chỉ diễn ra từng lúc, từng nơi mà là hàng ngày, hàng giờ, ở khắp các cơ sở cho đến khi toàn thắng.
Hòa bình chưa được bao lâu, chúng ta lại buộc phải cầm súng chống lại sự xâm lược của bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh và bè lũ tay sai và đã anh dũng chiến đấu đánh thắng chúng.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, một sự nghiệp mới mẻ và rất khó khăn, quân và dân ta cũng lại nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa sản xuất vừa chiến đấu, thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc, tỏ rõ lòng dũng cảm và tài năng sáng tạo.
Trên mặt trận sản xuất và xây dựng, anh chị em công nhân, nông dân, thợ thủ công và trí thức đã hăng hái thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, hiệp đồng chặt chẽ, chung lưng đấu cật khắc phục mọi khó khăn, vừa sản xuất, vừa bảo vệ sản xuất, tăng năng suất và chất lượng, hạ giá thành, tạo ra nhiều sản phẩm và công trình, phục vụ chiến đấu và đời sống nhân dân.
Trong những năm qua, giai cấp công nhân luôn luôn nêu cao vai trò tiên phong, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để giữ vững và phát triển sản xuất. Với khẩu hiệu “tay búa – tay súng”, anh chị em công nhân và thợ thủ công hăng hái thi đua, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Hàng vạn tấn thiết bị, máy móc đã được sơ tán đến những nơi an toàn và nhanh chóng lắp đặt để sản xuất, chịu đựng mọi khó khăn thiếu thốn, lao động quên mình và sáng tạo phục vụ kịp thời yêu cầu của tiền tuyến. Đặc biệt, anh chị em ngành giao thông vận tải nêu cao khí phách anh hùng, mặc cho bom đạn ác liệt, vẫn dũng cảm bám đường, bám cầu, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt trong tư thế hiên ngang “địch phá, ta cứ đi”. Anh chị em công nhân niềm Nam đi đầu phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy, đòi dân sinh, dân chủ và sau ngày miền Nam giải phóng đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ, giữ gìn máy móc, thiết bị phục hồi sản xuất.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, anh chị em công nhân và thợ thủ công đã hăng hái thi đua khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và mặc dầu có nhiều khó khăn nhưng các ngành công nghiệp đã được khôi phục nhanh và tiếp tục phát triển. Trong mười năm qua, tốc độ tăng trong công nghiệp hàng năm là 8,1%, trong đó điện tăng 6,7%, xi - măng tăng 11%, gỗ tăng 5,05%, vải lụa tăng 5,65%. Hệ thống đường xá bị băm nát trong chiến tranh đã được nhanh chóng khôi phục mà tiêu biểu là đã hoàn thành tuyến đường sắt Bắc - Nam trong một thời gian ngắn. Các ngành công nghiệp đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu của nông nghiệp, trang bị cho nông nghiệp hơn 4.000 máy kéo, xây dựng thêm nhiều công trình thủy lợi đưa công suất tưới tiêu lên trên một triệu héc-ta. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào nông nghiệp như điện, máy móc, thiết bị, giống, phân bón… Công nghiệp nhẹ và tiểu, thủ công nghiệp nêu cao tinh thần chủ động sáng tạo, sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, cải tiến kỹ thuật, khắc phục rất nhiều khó khăn về nông nghiệp, vật tư, tiền vốn để phát triển sản xuất. Nhiều mặt hàng phù hợp với thị hiếu và có chất lượng khá đã xuất hiện trên thị trường và đáp ứng một phần yêu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Trên các công trường xây dựng cơ bản, đã và đang diễn ra phong trào thi đua lao động sôi nổi, thi đua hữu nghị Việt – Xô, giao ước rõ khối lượng công việc, thời gian phải hoàn thành của mỗi bên, đã thu được kết quả thiết thực: Hoàn thành nhiều hạng mục công trình lớn đúng thời hạn, đưa cơ sở vật chất – kỹ thuật nước ta tiến lên một bước quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, trên đất nước ta, mỗi công trình là một bản anh hùng ca, mỗi con sông, mảnh đất xây dựng mang một sự tích anh hùng: Sông Đà, Trị An, Dầu Tiếng, Phả Lại, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Bãi Bằng, Phà Rừng, Sông Cầu, Vũng Tàu, Thăng Long, Chương Dương v.v.. và trở thành những biểu tượng của mối quan hệ tốt đẹp giữa nước ta với Liên Xô và bạn bè trên thế giới. Cầu Thăng Long, cây cầu lớn và hiện đại nhất nước ta, biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Xô, thông xe trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày chiến thắng phát xít Đức, trước kế hoạch 235 ngày; cầu Chương Dương, biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường và thông minh sáng tạo, hoàn thành trước kế hoạch một năm.
Trong sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân tập thể, được giai cấp công nhân hết lòng chi viện, đã thu được thắng lợi lớn, đưa diện tích, năng suất, sản lượng lương thực ngày một tăng tiến. Lúc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc có vài trăm hợp tác xã đạt 5 tấn/ha. Khi có phong trào đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha, 2 con lợn và 1 lao động/ha gieo trồng thì phong trào thi đua ngày càng phát triển mạnh, số hợp tác xã đạt 5 tấn trở lên thành phổ biến và đi theo là sự đóng góp của bà con nông dân cho chiến trường càng to lớn.
Gàn đây, phong trào “thi đua làm nông nghiệp giỏi” theo gương Vũ Thắng và các điển hình tiên tiến của địa phương như: Châu Giang, Bình Minh ở đồng bằng sông Hồng; Điện Thọ, Diên An … ở ven biển miền Trung; Phú Lợi Thượng, 19-5, Sông Hậu … ở đồng bằng Sông Cửu Long; Quang Kim, Nà Pán … trên biên giới phía Bắc; Diên Bình, Cữ Du … ở Tây Nguyên, làm bộc lộ rõ và phát huy tiềm năng to lớn về lao động và đất đai, đi vào thâm canh, tăng vụ, kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp, trồng trọt với chăn nuôi, ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật, thực hiện chế độ khoán mới, tăng cường cải tiến quản lý. Sản lượng lương thực bình quân 5 năm 1976 – 1980 đạt 17 triệu tấn, tăng bình quân hàng năm là 7,3%. Có 24 tỉnh, thành phố đã vượt qua cửa ải 5 tấn, trong đó 7 tỉnh đạt trên 6 tấn, Tiền Giang và Phú Khánh đạt trên 7 tấn, Hải Phòng năm 1985 lần đầu tiên đạt trên 7 tấn. Có 45 huyện và thị xã đạt trên 8 tấn/ha và trên 600 hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đạt 9 – 10 tấn /ha, cá biệt có nơi đạt 20 tấn/ha, nhiều hợp tác xã đóng góp với mức cao nhất 3 tấn/ha. Riêng hợp tác xã Vũ Thắng, ngọn cờ đầu về thâm canh ở vùng đồng bằng sông Hồng đạt 11 tấn, được mùa 42 vụ liền và đang phấn đấu lên 12 tấn trên đất chiêm trũng. Ở đây, nổi lên một vấn đề: Trước đây, khi năng suất lúa bình quân chỉ 2 – 3 tấn/ha thì Vũ Thắng đạt 5 tấn/ha đã là xuất sắc, nhưng khi 5 tấn trở thành phổ biến thì Vũ Thắng và nhiều hợp tác xã khác đạt 7 tấn và nay có hàng trăm hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đạt 9 – 10 tấn. Cái phi thường đột xuất lúc đầu đó đã trở thành bình thường và phổ biến mới; trên cơ sở đó lại xuất hiện cái phi thường mới cao hơn. Phong trào thi đua theo gương các điển hình tiên tiến trong nông nghiệp diễn ra theo quy luật đó và đã đem lại kết quả khá tốt. Đây là thành tựu chung của cả nước, sự cố gắng đồng bộc của các ngành, của giai cấp công nhân hết lòng phục vụ nông nghiệp và của bà con nông dân ta đã có trình độ thâm canh khá cao, chịu đựng nhiều gian khổ chống thiên tai, địch họa và đã đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.
Gắn liền với nông nghiệp, phong trào thi đua trong các ngành thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi cũng đạt những thành tích đáng kể; nhất là thủy sản trong những năm gần đây có đà phát triển mới, liên tục vượt kế hoạch hàng năm, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm trước hai năm.
Trên mặt trận quốc phòng và an ninh, quân đội nhân dân ta, lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đã nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, thi đua giết giặc lập công giành danh hiệu “Chiến sĩ và đơn vị quyết thắng”. Việc tổ chức thi đua được tiến hành chặt chẽ trong toàn quân, như ở miền Nam, đã kịp thời tổng kết thành tích và kinh nghiệm, nêu ra và nhân nhanh những tấm gương về khí phách anh hùng cách mạng như Lê Mã Lương tình nguyện rời ghế nhà trường, xung phong ra tiền tuyến vì “có cứu nước mới có nước mà để xây dựng”, như Nguyễn Viết Xuân, với ý chí “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, toát lên quyết tâm và lòng dũng cảm.
Trong cuộc chiến đấu mới hiện nay với quân bành trướng, lực lượng vũ trang ta không ngừng phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp của “Anh bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao ý chí kiên cường, quyết chiến quyết thắng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Hiểu rõ hoàn cảnh đất nước, quân đội ta nêu cao tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hăng hái tham gia xây dựng kinh tế và thực hành tiết kiệm. Trên hầu hết các công trình trọng điểm, quân đội ta đều có mặt, lao động tốt, có năng suất khá.
Những năm gần đây, phong trào thi đua trong quân đội tiếp tục được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ đến tận cơ sở. Đã có giao ước thi đua với những mục tiêu cụ thể giữa các quân đoàn, quân chủng, quân khu, binh chủng, nhà trường, cơ quan… với nhau, thực hiện công khai, so sánh và có kiểm tra. Một trong những yếu tố thắng lợi là các tư lệnh đã trực tiếp tổ chức chỉ đạo, động viên nên thi đua hào hứng và có kết quả: Sáng kiến nảy nở, kinh nghiệm phong phú, điển hình nhân nhanh, sức mạnh chiến đấu được tăng cường, đoàn kết được củng cố. Đó là kinh nghiệm tốt của quân đội.
Công an nhân dân có phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và từ phong trào chung đó, mỗi lực lượng, mỗi thời kỳ lại có những phong trào thi đua cụ thể, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và đồng bộ trong toàn lực lượng. Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh người chiến sĩ công an trên các tuyến đường trọng điểm, trên các chiến trường gay go các năm trước đây, dù bị đánh phá quyết liệt đến đâu, anh em vẫn quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Trong vùng giặc Mỹ tạm chiếm, nhiều anh chị em chiến đấu dũng cảm, bình tĩnh, thầm lặng, thông minh, sáng tạo.
Toàn lực lượng đang có phong trào thi đua học tập và thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy”. Lời dạy của Người trở thành chuẩn mực phấn đấu của mỗi cán bộ và chiến sĩ, tạo nên khí thế mới trong công tác và chiến đấu, đem lại hiệu quả cao. Gần đây, phong trào “không uống rượu” trong nội bộ công an đang lan rộng ra Đảng viên và cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, nhiều ngành khác.
Bằng những mục tiêu cụ thể, có sự động viên kịp thời, chỉ đạo nhanh nhạy, toàn lực lượng đã từng bước làm cho đội ngũ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là công cụ sắc bén và tin cậy của Đảng và Nhà nước, là con em yêu quý của nhân dân.
Lực lượng vũ trang nhân dân ta đã làm theo lời dạy Chủ tịch “Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, xứng đáng với phần thưởng của Đảng và Nhà nước: 3 huân chương Sao Vàng cho công an nhân dân và 20 năm qua, đã tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 1.225 đơn vị và 835 cá nhân trong quân đội, 270 đơn vị và 129 cá nhân trong công an.
Trên mặt trận khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và thể dục thể thao, anh chị em trí thức đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vào việc nâng cao trình độ nhân dân và xóa bỏ dần ảnh hưởng của văn hóa, tập tục cũ. Anh chị em hiểu rõ khó khăn của đất nước, chấp nhận mức sống như mức sống chung của dân tộc, bám sát nhiệm vụ, gắn khoa học với thực tiễn, làm nên sự nghiệp vẻ vang. Trước đây, anh chị em đã hòa mình vào cao trào kháng chiến chống Mỹ của toàn dân, phục vụ chiến đấu và sản xuất; gây được phong trào văn nghệ trong quần chúng, đẩy tinh thần lạc quan cách mạng, làm cho “tiếng hát át tiếng bom”; làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhân dân ta, tố cáo đanh thép kẻ thù, tranh thủ được dư luận thế giới ủng hộ ta; suốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt không bao giờ dứt “tiếng nói Việt Nam”, tin tức thắng trận từ Việt Nam đi khắp thế giới. trong chiến tranh, thầy trò đội mũ rơm đến trường, sơ tán theo trường, nhưng giáo dục vẫn phát triển, vẫn thi đua “2 tốt” theo gương Bắc Lý và Cẩm Bình. Phong trào vệ sinh yêu nước thực hiện “5 dứt điểm”, “lương y như từ mẫu” phát triển, có huyện xuất sắc, góp phần cải tạo nông thôn, có nhiều bệnh viện cấp huyện và xã được nhân dân tin cậy, thương yêu.
Những năm gần đây, tuy khó khăn còn rất nhiều, cả về điều kiện làm việc và đời sống, anh chị em vẫn nêu cao phẩm cách người trí thức mới, xã hội chủ nghĩa, đưa mọi hoạt động vào bề sâu, đạt hiệu quả mà tốn kém ít, phục vụ tốt chiến đấu, sản xuất và đời sống. Riêng ngành giáo dục, thầy và trò có nhiều cố gắng thi đua dạy và học, gắn nhà trường với thực tiễn, tăng cường giáo dục và hướng nghiệp, có nhiều chuyển biến tốt trong việc triển khai cải cách giáo dục ra cả nước.
Trên mặt trận phân phối – lưu thông, trong thời kỳ chống Mỹ, nhiều tập thể và cá nhân xông pha bom đạn, bám sát tiền tuyến, bám sát chiến hào và các tuyến giao thông, bám sát cơ sở để phục vụ. Hiện nay, phân phối - lưu thông đang còn là mặt trận nóng bỏng, có nhiều vướng mắc, nhưng đã xuất hiện những mô hình mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa, cải tiến phương pháp kinh doanh, nắm nguồn hàng, phân phối thuận lợi, mở rộng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và các hoạt động dịch vụ thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân.
Đáng tiếc là công việc của chúng ta có khuyết điểm nên tình hình còn phức tạp, những kinh nghiệm làm ăn tốt của nhiều điển hình tiên tiến chưa được tổng kết nên kết quả thi đua chưa cao.
Trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên, phụ nữ, các cụ phụ lão và thiếu nhi có những đóng góp to lớn.
Thanh niên ta lớn lên trong thời kỳ lịch sử vĩ đại của dân tộc, được Đảng và chế độ mới đào tạo, bồi dưỡng, đã phát huy truyền thống anh hùng, có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào “ba sẵn sàng” và “năm xung phong” đã lôi cuốn hàng triệu nam nữ thanh niên lên đường ra mặt trận, sục sôi ý chí “nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”. Với tinh thần “vai trăm cân, chân vạn dặm”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, tuổi trẻ Việt Nam đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ thanh niên lớp trước, ngày nay, với phong trào “ba xung kích làm chủ tập thể”, thanh niên ta đang là lực lượng xung kích thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Lớp lớp cán bộ, đoàn viên đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, vượt mọi khó khăn, gian khổ, đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hăng hái thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Hàng triệu đoàn viên thanh niên với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” đang đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Tuổi trẻ luôn luôn có mặt ở những mũi nhọn của cuộc sống, trên các công trường Thanh niên Cộng sản – các công trình trọng điểm, trên các cánh đồng thâm canh cao sản. Lực lượng thanh niên xung phong trong thời kỳ mới đang là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ nước ta.
Đông đảo thanh niên đang hăng hái tham gia xây dựng cuộc sống mới, nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhiều tài năng trẻ trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn hóa, nghệ thuật đã góp phần làm rạng rỡ gương mặt nước ta.
Chúng ta vô cùng tự hào về tuổi trẻ Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Phụ nữ ta có phong trào “3 đảm đang” từ năm 1965, thay thế nam giới ra tiền tuyến chống Mỹ cứu nước, đảm đang sản xuất và công tác; đảm đang gia đình, nuôi dạy con cái; đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Hàng triệu chị em ở miền Bắc phấn đấu trên đồng ruộng, giành năng suất cao và đã đóng góp thành tích lớn lao trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Hàng chục vạn phụ nữ tham gia thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, lập nhiều thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Phụ nữ đã đi đầu trong việc thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xây dựng gia đình văn hóa mới”.
Phụ nữ miền Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” vượt qua bao gian khổ và hi sinh, đấu tranh quyết liệt với quân thù. Hình ảnh “đội quân tóc dài” là hình ảnh sáng người trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Những năm gần đây, trong phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng, hàng triệu phụ nữ nông dân đã nhạy bén tiếp thu chủ trương cải tiến quản lý trong nông nghiệp, ra sức khắc phục khó khăn, kiên trì, dũng cảm trong lao động, đẩy mạnh thâm canh, tham gia xây dựng những cánh đồng cao sản, đẩy mạnh trồng bông, trồng dâu, dệt vải lụa. Chị em nữ công nhân, viên chức, tiểu và thủ công nghiệp, trí thức đã tích cực sản xuất, công tác, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, phục vụ đời sống nhân dân. Phụ nữ cả nước tích cực thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tham gia bảo vệ Tổ quốc. Phong trào “nâng cao trách nhiệm làm mẹ, nuôi dạy tốt thế hệ tương lai của đất nước” đã được trên 5 triệu phụ nữ tham gia. Từ những phong trào trên, đã xuất hiện những phụ nữ tài năng trên mọi lĩnh vực.
Phụ lão nước ta “tuổi càng cao, chí càng cao”, 70 -80 tuổi vẫn trở thành anh hùng, sản xuất và công tác vẫn giỏi, giáo dục con cháu sống và làm việc có lý tưởng cách mạng, đi đầu trong việc vận động tiết kiệm. Nhiều cụ gương mẫu rèn luyện thân thể, sống lạc quan, khỏe mạnh.
Thiếu nhi nước ta có phong trào “Vâng lời Bác dạy, làm nghìn việc tốt…” thi đua học tập tốt, lao động vừa sức mình, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội. Cả nước đang có phong trào “thực hiện kế hoạch nhỏ, giành danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ”. Cuộc gặp gỡ “cháu ngoan Bác Hồ” năm 1985 cho thấy thiếu nhi nước ta tuổi nhỏ, đã biểu lộ khí phách anh hùng.
Thực tiễn chiến đấu, sản xuất và đời sống chứng minh rằng: Đường lối, mục tiêu và chính sách lớn của Đảng ta là đúng đắn.
Thực tiễn cũng chứng minh rằng: Một khi đường lối, chủ trương đã được xác định, thì việc phát động, tổ chức một phong trào cách mạng mạnh mẽ của quần chúng là biện pháp hàng đầu và thi đua có giá trị như những tấm gương sống động, có tác dụng hướng dẫn hành động và giáo dục phẩm chất, đạo đức; cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và nêu lên kinh nghiệm tổ chức thực hiện ngày càng hoàn chỉnh và sát với cuộc sống. Chính phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa đã phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao và phổ biến những tấm gương này, và từ đó, lại thúc đẩy phong trào thi đua lên cao hơn, sôi nổi và có hiệu quả hơn. Đây là kinh nghiệm rất quý báu.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích to lớn của phong trào thi đua lao động sản xuất, công tác và chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Hoan hô các lực lượng vũ trang nhân dân ta – lực lượng trụ cột của cuộc kháng chiến – đã đánh thắng hoàn toàn giặc mỹ xâm lược, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Hồ Chủ Tịch và nay đang thi đua lập nhiều chiến công xuất sắc mới trong bảo vệ Tổ quốc.
Hoan hô anh chị em công nhân, nông dân tập thể, thợ thủ công, trí thức xã hội chủ nghĩa, các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, các bạn thanh niên, các cháu thiếu niên và nhi đồng đã chịu đựng mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn, phát huy trí thông minh và sáng tạo, lập nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
PHẦN HAI
TÍNH CÁCH NGƯỜI ANH HÙNG – CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đảng và Nhà nước ta đã 4 lần mở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhưng chưa có thời kỳ Đại hội nào, số anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyên dương đông đảo như kỳ này. Đó cũng là điều dễ hiểu vì trong hoàn cảnh khó khăn, con người càng được thử thách và rèn luyện, càng bộc lộ khí phách anh hùng. Đây là những tấm gương lớn của một thời kỳ chiến đấu lớn nhất và thắng lợi vẻ vang nhất của dân tộc ta gần 20 năm nay. Trong đội ngũ anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần này, có người của cả 40 tỉnh, thành phố, đặc khu và hầu hết những ngành và lĩnh vực hoạt động quan trọng; có lao động chân tay và trí óc; có già trẻ, gái trai, dân tộc thiểu số và đa số, tôn giáo v.v… Đẹp đẽ thay đội ngũ anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc của chúng ta, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của sự đoàn kết muôn người như một, đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên cả nước Việt Nam thống nhất. Đó là những người anh hùng của nhân dân anh hùng, do Đảng anh hùng của chúng ta rèn luyện nên.
Các anh hùng và chiến sĩ ta có đặc điểm:
a) Rất mực trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, một lòng hi sinh phấn đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
b) Có tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, kiên trì thực hiện bằng được mọi nhiệm vụ và mục tiêu đã định.
c) Có tinh thần học hỏi cầu tiến bộ, tinh thần thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa cao, luôn vươn lên phía trước.
Như thế, con đường làm nên sự nghiệp của anh chị em không có gì là cao siêu cả, không đòi hỏi những biệt tài bẩm sinh, ai cũng có thể học được, dù là công nhân hay kỹ sư, lao động đơn giản hay phức tạp, hễ có chí, có quyết tâm đều có thể làm theo được.
Do hoàn cảnh khác nhau, môi trường khác nhau, anh hùng và chiến sĩ ta, mỗi người có một tính cách riêng, nói lên sự đa dạng, phong phú của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, gồm 5 điểm sau đây:
Một là, xác định phương hướng đúng đắn, chủ động và sáng tạo trong cách quản lý, trong lao động, mưu trí và dũng cảm trong chiến đấu.
Đất nước ta đang đứng trước những khó khăn chồng chất do kẻ thù cũ để lại, kẻ thù mới đưa đến, do quá khứ nghèo nàn, lạc hậu, do còn thiếu kinh nghiệm quản lý, do trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn non kém… Nhưng một trong những cái khó nguy hại nhất là lười nghĩ, ngại làm, ngại đổi mới, sợ trách nhiệm; là sự trì trệ trong tư duy kinh tế, đặc biệt sâu đậm là dấu ấn của bệnh hành chính, quan liêu, bao cấp nên cái khó vốn đã có càng nặng thêm, đáng khó năm thành khó mười, có khi không đáng khó lại thành khó kéo dài. Đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thụ động và ỷ lại là hết sức cấp thiết nhưng thật gian khổ vì nó rất dai dẳng, ngoan cố. Các đơn vị anh hùng, các anh hùng và chiến sĩ thi đua của chúng ta là những tập thể, những người nêu cao tấm gương của người lao động mới, xác định rõ phương hướng tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ một cách chủ động và sáng tạo, mưu trí và dũng cảm. Xuất phát từ lòng trung thành với cách mạng, từ sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn, yêu cầu của đất nước và nguyện vọng đúng đắn của quần chúng, họ tìm ra con đường phải đi, cung cách làm ăn phải thực hiện. Suy nghĩ kỹ rồi, họ dám quyết định và quyết làm, làm tới cùng, dám đương đầu với mọi trở lực, bình tĩnh trước mọi dư luận, lấy thực tiễn để thuyết phục, lấy lòng tin của Đảng làm chỗ dựa, lấy kết quả và niềm tin của nhân dân làm niềm động viên, không nao núng trước bất cứ khó khăn nào.
Nhà máy Su-pe phốt-phát Lâm Thao, trong chiến tranh chống Mỹ là một trong những điểm bị đánh phá và cũng gặp nhiều khó khăn như các nhà máy khác do cơ chế quản lý cũ gây ra nhưng sản xuất vẫn không ngừng phát triển: Su-pe lân tăng 3 lần so với 1962, tăng thêm 8 mặt hàng mới ở quy mô công nghiệp và 17 mặt hàng tận dụng nguyên liệu thải với chất lượng bảo đảm; giao nộp đủ sản phẩm, thu nộp đủ ngân sách, có vốn để tự phát triển và duy trì đời sống cán bộ, công nhân. Đó là do đã kiên quyết đấu tranh để duy trì nền nếp quản lý trong bất kỳ tình huống nào, trên cơ sở thực hiện đúng chính sách, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm cho từng người, từng bộ phận và kiểm tra nghiêm ngặt, không loại trừ ai. Lúc đầu nhiều người thấy gò bó, khó chịu nhưng nay tự thấy rất cần thiết, tạo nên phong cách làm việc có kỷ luật, có kế hoạch, có hiệu quả, phát huy tính chủ động của từng người, từng bộ phận. Chính nền nếp quản lý toàn diện đó đã thúc đẩy cách mạng khoa học – kỹ thuật mà trước hết là phải có đủ các quy trình kỹ thuật, buộc ai cũng phải tôn trọng và làm theo đúng các yêu cầu kỹ thuật đó, có như vậy mới đánh giá thực chất công nghệ và thiết bị mình quản lý, đề ra phương hướng cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị. Nhờ đó, có phong trào sáng kiến rộng rãi, với trên 1.500 sáng kiến, làm lợi hàng chục triệu đồng, trong đó có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giảm tiêu hao py-rít cho 1 tấn su-pe, nâng cao hệ số sử dụng công suất và tận thu phế liệu làm mặt hàng mới. Nhà máy luôn luôn coi trọng việc đầu tư đồng bộ các khâu cơ khí, điện…, tự giải quyết được 80% phụ tùng, thiết bị thay thế bằng vốn tự có và bằng kỹ thuật của mình. Nhà máy rất coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, ở cương vị nào cũng có cán bộ kế cận; chăm lo thường xuyên đời sống cán bộ, công nhân trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, có đủ việc làm cho công nhân và cả con em của họ, do vậy ai cũng yên tâm hăng hái sản xuất.
Chúng ta đều biết chị Nguyễn Thị Ráo tức chị Ba Thi ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị là tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, lo những cái lo của Đảng và của dân từ cái lo đó, nảy nở những cách làm ăn mới. Đi mua lương thực về bán cho hơn 2 triệu dân trong thành phố không thuộc diện cung cấp của Nhà nước, mà tiền vốn không đáng kể, không kho, không xe vận tải, biên chế chỉ vài chục người. Thế mà chị làm được. Đó là do chị đã biết cách khai thác nguồn hàng từ các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long; biết cách sử dụng lao động trong việc phân phối, dựa vào đoàn thể, dựa vào dân, hạn chế tăng biên chế; biết cách sử dụng tốt phương tiện sẵn có ở thành phố để vận chuyển; biết nhìn xa, dự kiến mọi tình huống để xử trí kịp thời, kiên quyết và chủ động. Thành phố đỡ được mối lo lớn. Dân tin cách mạng hơn. Bạn gian thương bớt lộng hành. Nhưng chị đã từng gặp không ít khó khăn, có lúc rất căng, do kẻ địch phá cũng có, do cách quản lý cũ gây ra cũng có. Đôi khi chị cảm thấy mệt mỏi nhưng trách nhiệm và lương tâm của người cộng sản, sự tín nhiệm của Đảng, tình cảm của dân thôi thúc chị vững bước tiến lên. Như mọi người, chị khó tránh một số nhược điểm và trong cách làm ăn cũng còn có thiếu sót, nhưng tấm gương của chị mãi mãi trong sáng trong lòng người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, công nhân – kỹ sư, nay là Phó Quản đốc phân xưởng dụng cụ, nhà máy chế tạo máy công cụ số 1 Hà Nội là một trong những thợ tiện giỏi nhất của ngành chế tạo cơ khí ở nước ta. Đồng chí có thể làm được tất cả những việc khó nhất của nghề tiện và là người sáng tạo nhiều phương pháp gia công tiên tiến trong nghề tiện.
Là một công nhân chịu suy nghĩ sáng tạo, giàu tư duy kỹ thuật, đồng chí đã phát huy và áp dụng vào sản xuất hơn 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị. Một trong những sáng kiến tiêu biểu là đã thiết kế và chế tạo thành công ổ lăn MK31 -12, một bộ phận của bơm thủy lực bánh răng dùng cho xe máy ở mỏ than. Để gia công được loại ổ lăn này, đồng chí đã nghiên cứu, suy nghĩ, làm được nhiều đồ gá chuyên dùng phức tạp, có kết cấu đặc biệt khác với tất cả các loại đồ gá thường dùng ở nhà máy. Trong đó, đáng chú ý là bộ đồ gá điện tử để mài lỗ bạc ổ lăn MK 31 -12, bảo đảm độ đồng tâm và độ méo rất cao, năng suất mài tăng lên từ 5 đến 10 lần, nhờ vậy đã sản xuất được ổ lăn, không phải mua của nước ngoài.
Đồng chí là một người thợ có ý thức tổ chức và kỷ luật cao, có tác phong lao động công nghiệp, làm việc có nền nếp, sắp xếp dụng cụ đồ nghề gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy, dễ tìm; bảo quản tốt thiết bị máy móc, gần 30 năm qua, chưa một lần làm hỏng máy. Đồng chí thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp, hướng dẫn, dìu dắt nhiều thợ trẻ trở thành thợ tiện khá và giỏi của nhà máy.
Anh Trần Công Biên, công nhân, nay là Phó giám đốc sản xuất nhà máy thiết bị bưu điện Hà Nội. Nhà máy có trên 300 thiết bị của 9 nước sản xuất, công nghệ đa dạng (đúc, tiện, phay, bào, rèn dập, mạ…), có thiết bị công nghệ hiện đại. Muốn bảo quản, sửa chữa nó, phải biết nhiều nghề, không thuần túy về cơ khí. Do vậy, anh đã học và đã thành thạo nghề tiện, phay, bào, doa, mài, rèn, điện công nghiệp, vô tuyến, thủy lực, điều khiển tự động; học từ thực tế, học đồng đội và đọc tài liệu bằng 4 thứ tiếng. Anh đã có 52 sáng kiến, làm lợi hàng chục triệu đồng như thiết kế, chế tạo 12 thiết bị chuyên dùng. Ngoài ra, còn hỗ trợ sửa chữa cho đơn vị bạn ở các tỉnh. Có lần, sửa chiếc máy ép nhựa thủy lực hiện đại, cỡ lớn bị mất tủ điện, nên chưa chạy bao giờ. Thợ giỏi sửa đã nhiều nhưng chạy bị rung mạnh, làm hỏng thêm bơm cao áp. Anh đã tìm ra nguyên nhân là do lắp đặt sai chương trình, chu kỳ làm việc của máy. Anh vẽ lại sơ đồ, nguyên lý làm việc của máy, thiết bị và chế tạo tủ điện mới theo chương trình và chu kỳ máy thuộc thế hệ châu Âu và hướng dẫn anh em điều khiển máy. Nay máy đã chạy, bảo đảm công suất thiết kế, đem lại niềm vui mừng lớn cho nhà máy bạn.
Trong quân đội ta, đồng chí Đặng Trung Thành, trung tá, tiểu đoàn trưởng bộ đội đặc công, mưu trí và sáng tạo, bất ngờ, dũng cảm, quyết đoán, quyết thắng. Chỉ với một trung đội, đồng chí đã chỉ huy đánh vào căn cứ địch, diệt 180 tên mà ta chỉ hi sinh một người. Có một trận dẫn một tổ luồn sâu vào vùng địch kiểm soát, vượt qua nhiều chặng có địch tuần tra, diệt 40 tên, phá hủy hơn 100 tấn hàng quân sự mà ta an toàn còn địch hoang mang lo sợ, bắn lẫn nhau, chết thêm một số. Cả tiểu đoàn của đồng chí Thành đều lập công xuất sắc.
Phục vụ quân đội có lực lượng quân giới hùng hậu và đầy tài năng, mà đồng chí Phùng Hạnh Phúc, công nhân luyện kim nhà máy Z 111 là một trong những người tiêu biểu. Chỉ tính những sáng kiến có giá trị, anh có 54 cái mà quá nửa do anh độc lập nghiên cứu. Đây là thước đo trí tuệ và kỹ xảo của người thợ. Trong công nghệ, thường có những chi tiết kỹ thuật ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất. Sáng kiến của anh thuộc loại này, nó giúp cho nhà máy anh góp được nhiều thành tích phục vụ quân đội.
Trong lực lượng công an nhân dân, có chị Ngô Thị Huệ ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi mới 19 tuổi, thấy cán bộ của Đảng họp trong nhà mình bị địch bao vây, đã mưu trí đánh lạc hướng để cán bộ tìm cách vượt vòng vây của địch chạy ra ngoài an toàn. Sau này, chị làm an ninh ở tỉnh và được phân công về ấp chiến lược Hòa Ninh, khu thí điểm dồn dân của địch, nằm vùng cùng với gia đình trong ấp để phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, rải truyền đơn, gỡ mìn, bí mật đưa lực lượng cách mạng vào phá ấp chiến lược trong tỉnh. Sau đó, chị đã luồn sâu vào vùng Phước Đông là vùng thiên chúa giáo tập trung, có nhiều tổ chức đảng phản động, có nhiều ác ôn và lực lượng của địch, nhờ khôn khéo hoạt động, mở được con đường liên hoàn giữa thành phố Đà Nẵng với vùng hậu cứ, đưa trinh sát của ta của ta vào hang ổ địch, diệt bọn ác ôn khét tiếng, phá ấp chiến lược. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man, chị vẫn một lòng trung thành với Đảng và cách mạng, nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường, làm thất bại mọi âm mưu dụ dỗ, đe dọa của địch. Những năm gần đây, chị vẫn tiếp tục phục vụ trong ngành và lập nhiều thành tích mới.
Hai là, ra sức học tập và rèn luyện, kiên trì và bền bỉ thực hiện mục tiêu đã định, thắng không kiêu, bại không nản, luôn luôn tiến công, không lùi bước.
Nói đến anh hùng là nói đến cống hiến và hi sinh, kiên trì phấn đấu, có khi tạm thời thất bại nhưng không nản chí mà làm kỳ đạt kết quả, lấy thực tiễn thuyết phục mọi người, dùng tình cảm chân thành để giúp đỡ đồng chí, cùng nhau hợp tác hoàn thành nhiệm vụ.
Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân sớm xác định cho mình ý nghĩa cuộc đời là lao động phục vụ đất nước, góp phần đào tạo con người có trí thức và lý tưởng. Anh làm giàu kiến thức của mình bằng học tập và lăn lộn vào thực tế, gần gũi bà con nông dân, tập trung vào hướng đã định là phát triển nông thôn. Nổi nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, anh tìm và nhận được giống lúa kháng rầy có năng suất cao, nêu ra cách sử dụng đất phèn hợp lý, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người lãnh đạo và người trực tiếp sản xuất, đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật. Anh là người nói và làm đi đôi, dù khó khăn đến mấy cũng kiên trì cùng tập thể làm cho đến thành công.
Đồng chí Lâm Búp, người Khơ-me, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, tỉnh Sông Bé. Đồng chí đi theo cách mạng từ kháng chiến chống Mỹ. Khi quê hương được giải phóng, đồng chí vận động bà con định canh, định cư, đi từ tổ đổi công lên hợp tác xã, vận động gia đình giao 5 hec-ta ruộng và 5 con trâu cho tập thể để bà con làm theo. Đồng chí sớm tiếp thu kỹ thuật mới trong sản xuất, biết dùng các loại phân bón ruộng, cái gì cũng thử, làm trước để bà con theo. Trong việc thực hiện nếp sống mới ở nông thôn, đồng chí cũn gương mẫu. Nhờ đó, sản xuất phát triển, văn hóa được nâng cao, quê hương đồng chí ngày càng đổi mới.
Đồng chí Hà Lân, tức Ba Đen, cán bộ công an, ngay từ những năm 1960 đã tình nguyện lên rẻo cao để vận động quần chúng, gây cơ sở cho kháng chiến. Để hòa mình với đồng bào dân tộc, đồng chí đã lấy nhựa cây xát vào người thay đổi màu da, ăn mặc như đồng bào dân tộc ít người, tự học tiếng và tìm hiểu phong tục tập quán dân tộc nên chẳng bao lâu, đã thông thạo mọi sinh hoạt của đồng bào và bắt đầu giáo dục, tuyên tuyền đồng bào tham gia cách mạng, thành lập các đội vũ trang, vận động nhân dân phá ấp chiến lược, bảo vệ an toàn cán bộ khu căn cứ suốt 20 năm kháng chiến. Sau hòa bình, đồng chí trở về thành phố, nhưng đồng bào các dân tộc ít người ở Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn thường xuyên thăm hỏi và coi đồng chí như Trưởng bản của mình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trạc cũng rời quê hương lên dạy học ở xã rẻo cao Pù Ni thuộc huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây quanh năm mây phủ, khí hậu khắc nghiệt, đi lại khó khăn. Hồi đó, phong tục tập quán ở Pù Ni còn lạc hậu, đi học sợ “ma” bắt, sợ xa gia đình. Nhưng đồng chí hòa mình với đồng bào, kiên trì vận động, dần dần tranh thủ được vài cháu đi học và ở lại ký túc xá, sau tăng dần lên. Nay đã có trường, mà thầy, cô lại chính là người trong xã, là học trò năm đầu của thầy Trạc. Đồng chí là người ươm giống văn hóa ở đây và qua nhiều năm, cây đã đơm hoa, kết quả.
Đồng chí Hồ Giáo, nay là việc tại Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé. Ba mươi mốt năm gắn bó với nghề chăn nuôi trâu bò sữa giống ngoại, một nghề còn mới và khó vì phải tạo cho trâu bò thích nghi thủy thổ, lớn nhanh, sinh sản đều, ít ốm đau, cho nhiều sữa. Trong lao động đồng chí bền bỉ chịu đựng gian khổ do rất yêu nghề, cần cù chăm sóc những con bê như mẹ chăm con, thuộc nết từng con. Tự tay đồng chí đỡ đẻ được 160 nghé, tất cả đều sống. Chăn dắt trâu bò là việc bình thường nhưng vì khắc phục được nhiều khó khăn, có đầu óc sáng tạo và kiên trì nên đồng chí được phong anh hùng lao động lần thứ hai.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghi, 26 năm làm nghề đốn gỗ trong rừng sâu Cẩm Phả, không những gặp khó khăn về núi cao, suối sâu, mưa nắng mà còn phải vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Đã mấy chục năm công tác nhưng nhà cửa vẫn thế, vợ con nhắc nhở anh luôn. Có lần, con anh thương bố tuổi cao mà vẫn trèo đèo, lội suối, tay dao, tay dìu, chịu mưa nắng ngoài trời, khuyên bố nên nghỉ nhưng anh ôn tồn giải thích: “Ông con làm rừng là làm thuê, đời bố làm rừng vất vả nhưng là làm chủ. Mỏ than rất cần gỗ, bố không làm thì người khác cũng phải làm”. Sau này, người con hiểu ra và càng yêu quý anh. Đúng là rừng không xa anh, anh không thể xa rừng, anh yêu quý rừng, gắn bó với rừng, làm việc có năng suất cao vì đất nước, dù công việc còn vất vả.
Đồng chí Tư Mau mà tên tuổi gắn liền với sự nghiệp tiếp tế vũ khí cho khu 9 (Nam bộ) bằng “con đường mòn” trên biển. Đồng chí là tấm gương về lòng kiên trì và bền bỉ, đã cùng đồng đội nghĩ ra cách làm thuyền hai đáy để bí mật chở hàng quân sự bằng đường biển vào Nam, mặc dù chèo thuyền đi biển là công việc hết sức gian khổ. Sau anh làm tàu để chở được nhiều hàng hơn. Địch phát hiện được con đường này, truy lùng anh ráo riết. Anh đã phải cải trang nhiều lần để giấu kín tông tích hoạt động trong lòng địch, có trường hợp phải chịu đựng những phẫu thuật lớn để thay đổi hình dạng, nhờ vậy mà duy trì được con đường biển tiếp tế vũ khí vào Nam cho đến ngày toàn thắng.
Đồng chí Cao Thị Ngoãn làm nghề hàn vỏ tàu, luôn luôn ngoài trời. Mùa hè, nắng trên trời dội xuống, nóng của sắt thép và của lửa hàn hắt ra, đốt khô ngay từng giọt mồ hôi. Nhưng chị kiên trì nghề nghiệp đã 25 năm nay, tay nghề lên tới bậc 7/7, nhiều mối hàn của chị được những người có tay nghề cao hết lòng khen ngợi. Là vợ liệt sĩ, có 3 con nhỏ, nhiều khi hết ca, chị vẫn ở lại nhà máy, trăn trở với những mối hàn khó. Chị là tấm gương yêu nghề, giỏi nghề, kiên trì học thầy, học bạn mà trưởng thành.
Chị Hoàng Thị Thanh Mai, giáo viên mẫu giáo Thái Bình, bị thương ở bàn tay do bom na-pan, khó có thể theo nghề mẫu giáo, một nghề cần có bàn tay khéo léo. Nhưng chị lại có tình thương lớn với các cháu, mong được làm giáo viên mẫu giáo. Do kiên trì, chị được thu nhận vào học với điều kiện không có phục cấp. Rồi cũng do kiên trì chị được nhận vào làm giáo viên mẫu giáo. Trong tiết dạy múa, chị huấn luyện cho con gái bé của mình để làm mẫu cho bạn và đem lại kết quả tốt.
Các đồng chí này nêu cho chúng ta tấm gương: Làm cách mạng, làm khoa học, thậm chí làm một công việc bình thường đều phải kiên trì và tận tụy. Chỉ có như vậy mới khắc phục được khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ba là, hăng hái làm theo cái hay, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện các biện pháp tổ chức sản xuất và tổ chức lao động hợp lý, coi đó là hướng khai thác tiềm năng lớn nhất.
Đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hợp lý hóa tổ chức sản xuất và lao động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là con đường ngắn nhất đi tới năng suất, chất lượng và hiệu quả, khắc phục bệnh hành chính, quan liêu, bao cấp. Người lao động hàng ngày trực tiếp vật lộn với thiên nhiên, với khó khăn nên dễ nảy ra sáng kiến kinh nghiệm; nếu lại có quyết tâm học tập, học thầy, học bạn, học nước ngoài và học đến đâu áp dụng đến đó thì sáng tạo càng lớn.
Trong nông nghiệp, chúng ta có nhiều hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nhờ đi vào khoa học – kỹ thuật thâm canh trồng trọt và chăn nuôi, phát triển ngành nghề sử dụng hết lao động và quỹ thời gian lao động, tổ chức phân công và hiệp tác lao động hợp lý, thực hiện kinh doanh tổng hợp. Bình Minh đi lên từ thủy lợi hóa, làm tốt các khâu kỹ thuật, đặc biệt giỏi về tính thời vụ nên đạt năng suất lúa cao. Nhưng bài toán ở đây cũng như ở rất nhiều hợp tác xã phải giải là đất hẹp, người đông, không thể chỉ trông chờ vào lúa, tuy rằng lúa là chính. Bình Minh phải tăng vụ, từ lâu đã nổi tiếng về vụ đông và luôn luôn nghĩ đến việc nâng cao không ngừng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, trên một ngày công lao động. Bình Minh coi trọng thế cân bằng giữa trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời đã mở mang ngành nghề như thêu ren, gạch ngói, gạch hoa, vôi, giấy, chổi đót, cơ khí, hóa chất và làm pháo v.v…, ra sức hoàn thiện khoán đến tất cả các nghề, nghề nào cũng hạch toán kinh tế. Bình minh là một trong những mô hình mới về sản xuất – kinh doanh nhiều mặt, đã thống nhất tài sản và vốn trong một hợp tác xã nông, công, thương, tín và đang phát triển thêm nghề vận tải. Bình Minh đang rà soát lại quy hoạch, phương hướng sản xuất, phương án kinh tế, kỹ thuật cho phù hợp với việc chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Điều đó đòi hỏi phải có một Ban Quản trị gồm những người giỏi, nhất là chủ nhiệm phải hiểu biết rộng và có năng lực tổ chức. Con đường của Bình Minh đi phù hợp với tinh thần các Nghị quyết 8 và 9 của Đảng, phù hợp với quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Thủ đô Hà Nội ta mới có thêm hai cây cầu lớn: Thăng Long và Chương Dương. Đây là hai công trình có ý nghĩa lớn về chính trị và kinh tế. Cầu Thăng Long là cây cầu bền vững hữu nghị Việt – Xô. Cầu Chương Dương nhỏ hơn, là cây cầu của tinh thần tự lực, tự cường do ta thiết kế và thi công. Cả hai xí nghiệp làm cầu Chương Dương: 12 và 16 đều là Đơn vị anh hùng. Hãy xem Xí nghiệp 12 chịu trách nhiệm phía Nam. Anh chị em gặp nhiều khó khăn lớn: Lực lượng thi công phân tán, vừa làm cầu Chương Dương vừa làm cầu Phố Lu và Hoàng Thạch; thiếu thời gian chuẩn bị; mặt bằng quá chật hẹp; vật tư kỹ thuật có khối lượng và trọng lượng lớn nhưng không đủ thiết bị hiện đại để cẩu, không đủ xe lớn để vận chuyển chúng; kỹ thuật thi công đòi hỏi rất cao, như việc liên kết các thanh dầm cầu bằng trên 3 vạn bu-lông có cường độ cao phải rất chính xác. Tất cả những khó khăn đó đòi hỏi anh chị em làm việc cật lực, vận dụng hết tiềm năng kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng cầu 30 năm để giải quyết. Nhờ đó, cầu Chương Dương xong sớm một năm, giảm vốn đầu tư trên 100 triệu đồng và cùng với cầu Thăng Long giải tỏa ách tắc giao thông qua sông Hồng.
Giáo sư bác sĩ Hoàng Đình Cầu năm nay tuy đã ngoài 68 tuổi, nhưng trên mặt trận y học Việt Nam thì đồng chí vẫn còn khá sung sức. Là một thầy thuốc đã phục vụ cách mạng từ năm đầu kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã vượt qua nhiều thử thách, không ngừng rèn luyện, học tập và nghiên cứu khoa học, kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học hiện đại với thực tiễn Việt Nam và trở thành nhà khoa học, người thầy thuốc giỏi, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, điều trị có hiệu quả như công trình điều trị tràn dịch màng phổi, hồi sức với dung dịch điện giải, cắt góc phổi không điển hình v.v… Là nhà phẫu thuật giỏi, đồng chí đã giải quyết nhiều trường hợp phức tạp về lồng ngực và đã cứu sống được nhiều con bệnh hiểm nghèo. Đồng chí đã góp phần quan trọng đưa tiếng Việt thay thế tiếng Pháp trong toàn bộ chương trình giảng dạy Đại học, trực tiếp làm công tác thuật ngữ, soạn danh từ y học và cùng với bạn đồng nghiệp biên soạn từ điển y học Pháp – Việt và Nga – Việt. Nhiều sách của đồng chí như tổ chức y tế, y xã hội học học v.v… đang được sử dụng rộng rãi trong các trường y. Đồng chí khiêm tốn, lặng lẽ làm việc, không tự tuyên truyền, không màng danh lợi. Làng y ai cũng kính trọng công lao và tư cách đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Sên, Phó Giám đốc xí nghiệp ô tô vận tải Cẩm Phả đảm nhiệm quản lý kỹ thuật hơn 800 xe vận tải lớn cho các mỏ than ở Cẩm Phả. Đây là loại xe hiện đại, có sức chở lớn. Với bất kỳ loại xe nào, anh đều tìm hiểu kỹ và vạch ra được những thiếu sót về thiết kế và chế tạo để tìm cách bổ khuyết. Có lần, đoàn xe nhập từ nước ngoài về, mới chạy có 400 giờ mà 30 xe đã nứt ống xả, làm cả dây chuyền sản xuất than bị tê liệt. Đồng chí đã tìm ra được nguyên nhân và buộc phía bán hàng phải bồi thường. Trong lúc chờ đợi, đồng chí tự thiết kế và chế tạo thử ống xả mới nhưng thất bại. Ít người tin anh làm được ống xả mới như nước tiên tiến đã làm. Đồng chí rút kinh nghiệm và vận dụng kiến thức về nhiệt luyện, về cách tạo khuôn hình, vẽ đồ gá và làm thử lần nữa. Kết quả thành công. Tuy ống xả tự làm chưa thật tốt như ý muốn nhưng giá thành rẻ nhiều so với giá nhập và cái lợi lớn nhất là số xe hỏng ống xả chờ đầy bãi đã sống lại, hối hả chạy lên tầng giữa mùa khô hanh thuận lợi cho khai thác than. Đồng chí còn chữa cho 90 loại xe khác mới nhập chạy có 800 giờ đã hỏng nhíp thủy khí. Tuy làm được nhiều việc cho mỏ nhưng đồng chí sống rất giản dị, không đòi hỏi gì cho mình, chỉ mong được đi sâu vào nghề, góp phần làm cho ngành than sớm ra khỏi tình trạng gần như dẫm chân tại chỗ, điều thường xuyên day dứt lòng anh.
Trong quân đội, có trung tá kỹ sư Nguyễn Văn Đệ được coi là từ điển sống về vũ khí địch dùng ở Việt Nam. Anh biết đầy đủ cấu tạo, tính năng hầu hết các vũ khí của địch. Đây là tài liệu quý giá tích lũy suốt 39 năm trong nghề, rút ra từ những cuộc thử nghiệm đầy nguy hiểm của anh về vũ khí địch. Anh vào nghề từ một nhân viên quân giới, van hóa tiểu học, vừa làm, vừa học, nay thành kỹ sư thành thạo về các vũ khí địch, góp phần không nhỏ vào sự trưởng thành của ngành quân giới nước ta.
Bốn là gắn bó với tập thể, thực sự tin và dựa vào tập thể, có sức lôi cuốn đồng nghiệp, đồng đội làm theo.
Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội lần thứ tư và năm của Đảng ta là xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng. Điều quan trọng là tổ chức và tạo điều kiện cho quần chúng thực sự làm chủ sản xuất, làm chủ cơ sở, cùng lo cái lo của người lãnh đạo, làm theo quyết định của người lãnh đạo một cách chủ động sáng tạo và có kết quả. Các đơn vị anh hùng lập được thành tích lớn là vì có những người lãnh đạo như vậy. Các đồng chí Giám đốc, Chủ nhiệm hợp tác xã, các thủ trưởng trong các lực lượng vũ trang được tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc chính vì đã gắn bó với tập thể, phát huy tiềm năng của đơn vị, lập thành tích lớn. Sự nghiệp anh hùng chỉ có thể là kết quả của một quá trình suy nghĩ, chủ trương, vận động, tổ chức và giáo dục quần chúng hành động đúng lợi ích của đất nước và nguyện vọng của quần chúng, được quần chúng đông đảo nhất trí hành động. Ngoài ra, người anh hùng còn phải gương mẫu, trong sáng về tư tưởng và hành động.
Chị Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc nhà máy dệt Minh Khai là một ví dụ. Chị vốn là những người lao động bình thường làm công việc quét dọn vệ sinh ở ga Hà Nội từ năm 14 tuổi, rồi làm thợ dệt và từ năm 1980 làm Giám đốc một nhà máy dệt trong tình hình nhà máy đang rất khó khăn. Vốn có sẵn mối quan hệ với công nhân và cán bộ, chị hiểu rõ ý chí, nguyện vọng và chú ý lắng nghe mọi ý kiến của anh chị em nhà máy nêu ra nhằm nhanh chóng ngăn chặn đà đi xuống của nhà máy. Nhưng việc này khó, nhiều năm qua đã bàn, cuối cùng lại bỏ.
Với nghị lực vốn có, bằng kiến thức của một kỹ sư cơ khí – dệt, bằng kinh nghiệm của người thợ, với ý thức trách nhiệm rất cao, chị đã lôi cuốn cả nhà máy hăng hái bắt tay vào việc tổ chức lại sản xuất, mở đầu là việc cơ giới hóa khâu đầu dây chuyền sản xuất vốn nặng nhọc và năng suất thấp để tạo nên sự đồng bộ trong nhà máy, tiếp đó cải tiến máy móc, tổ chức lại việc phục vụ sản xuất, nhờ đó mà nhà máy dệt khăn mặt, khăn tay non yếu, trì trệ nhiều năm thành nhà máy dệt Minh Khai tiên tiến có sản phẩm xuất khẩu sang Liên Xô, Đức và Nhật Bản.
Đồng chí Nguyễn Hữu Vọng, năm nay 64 tuổi, từ năm 13 tuổi đã phải lao động kiếm sống. Sớm giác ngộ cách mạng, anh tham gia quân đội chống thực dân Pháp từ những năm đầu. Anh đã 3 lần bị thương, loại thương tật đặc biệt. Ta có câu: “Giầu hai con mắt, khó hai bàn tay”, nhưng anh lòa cả hai mắt, chỉ còn một tay. Không phải không có lúc nản lòng, nhưng lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế” đã nâng anh lên. Anh đã cùng hai người nữa, đứng ra thành lập tổ sản xuất, sau lớn dần thành hợp tác xã thủy tinh Nam Hải, một hợp tác xã tiên tiến, 20 năm liền hoàn thành kế hoạch, có sản phẩm ngày càng tinh xảo, làm cả những sản phẩm có chất lượng như phích nước. Anh làm được như thế là do anh rất tin ở con người. Anh nêu cao tấm gương lao động để anh chị em noi theo, anh giúp đỡ và tạo điều kiện để anh chị em trẻ đi vào kỹ thuật, nghiệp vụ, giúp anh trong quản lý. Hợp tác xã anh thu nhận 17 thương binh, 25 người mù lòa, tàn tật, dạy nghề cho học để họ tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội, gây lòng tự tin cho họ. Anh còn thu nhận 86 thanh niên đã có tiền án, không đâu dám nhận và bằng lao động, bằng tình thương, anh cảm hóa họ trở thành những người lao động chân chính. Sau có người lại đi bộ đội, vào Đoàn thanh niên Cộng sản. Anh giúp anh chị em xây dựng gia đình. Họ nói với nhau: “Tàn tật như bác Vọng mà làm được bao việc có ích cho xã hội, sao mình có thể sống vô ích với đời”. Anh còn động viên người vợ vừa làm vừa học, cho đến tốt nghiệp đại học kinh tế, ngoài thời gian làm việc cơ quan, chị đã giúp anh ghi chép sổ sáh; anh giáo dục cho con anh sống cho nên người và đều trở thành những người lao động có trình độ đại học. Anh luôn xứng đáng là một chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận mới, lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năm là, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn học hỏi cầu tiến bộ.
Hơn lúc nào hết, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là đức tính đặc biệt quý báu. Cần kiệm là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, lúc nghèo đã vậy, lúc ăn nên làm ra vẫn phải như vậy. Tiết kiệm là quốc sách, lãng phí là tội lỗi. Trong khó khăn hiện nay, tất cả mọi người, nhất là cán bộ phụ trách phải đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm, phải gương mẫu, trong sạch về đời sống.
Quân đội ta vừa chiến đấu, vừa sản xuất, kết hợp kinh tế và quốc phòng để kinh tế và quốc phòng đều mạnh. Nhiều đơn vị quân đội trước đã anh hùng trong chiến đấu nay cũng rất anh hùng trong lao động sản xuất. Như Quân đoàn 2 tự làm ra vôi, than, gạch xây dựng được 50 vạn mét vuông nhà các loại, thu hoạch 5.000 tấn rau và 300 tấn thịt, cá hàng năm. Trung đoàn 513 công binh Quân khu 3 có thành tích toàn diện, riêng trong sản xuất đã biến cánh đồng “vịt mò” ở Ninh Ginag thành cánh đồng 5 tấn, hàng năm thu hoạch hàng trăm tấn thóc; đã làm cống Quản Châu (Thanh Hóa), làm cống An Thổ (Hải Hưng), tưới tiêu 3.200 héc-ta, cả hai công trình đều giảm thời gian gần 10 lần so với kế hoạch; đã tự xây dựng khu doanh trại 14.000 mét vuông. Nhân dân thích gửi con em mình vào Trung đoàn này vì được giáo dục toàn diện.
39 chị em Tổ may 3, Xí nghiệp may 10 tiết kiệm từng cái kim, sợi chỉ, từng mảnh vải vụn, cải tiến kỹ thuật và quản lý để không có sản phẩm xấu, 22 năm liền là Tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Chị em xem việc giữ danh dự cho tổ, cho xí nghiệp là lương tâm, là trách nhiệm. Cả xí nghiệp may 10 là một tập thể lớn cần kiệm và sáng tạo mà tổ may 3 là chim đầu đàn.
Việc phân phối công bằng, kết hợp hài hòa 3 lợi ích cũng là nét tiêu biểu trong các đơn vị anh hùng. Hợp tác xã 19-5 (Hậu Giang) có 240 héc-ta đất ruộng, làm 2 vụ. Năm 1984 đạt 12 tấn/héc-ta, huy động gần 6 tấn/héc-ta. Hè thu năm 1985, mỗi héc-ta đạt 5 tấn 5 và đã huy động 1.100 tấn trên sản lượng chung 1.830 tấn lúa nhưng nhà nào, nhà nấy vẫn đầy ắp lúa, ai trước ở chòi nay có nhà cột đúc, ai nhà lá nay lên tường. So với đất gọi là Lung Đen của huyện Long Phú trước kia, nay khác hẳn.
Chúng ta coi trọng đức tính khiêm tốn, khiêm tốn thực sự từ suy nghĩ đến việc làm. Càng khiêm tốn, càng tiến bộ. Các nhà khoa học anh hùng của ta như Phan Hùng Diêu, Võ Tòng Xuân, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Như Khuê… cho đến những đồng chí Giám đốc, Chủ nhiệm hợp tác xã, công nhân, nông dân làm nên sự nghiệp đều bắt dầu từ việc học, học nữa, học mãi, học trong sách vở và trong thực tiễn. Hợp tác xã Vũ Thắng (Thái Bình), ngọn cờ đầu thâm canh cũng đi lên từ việc học làm thủy lợi ở Hải Hưng. Ngày nay, không mấy hợp tác xã có năng suất cao ở miền Nam không nhận thấy mình đã học kinh nghiệm của Vũ Thắng, của thủy nông Cầu Giẽ hoặc của một điển hình tiên tiến nào đó.
Chưa có thời kỳ nào, cách mạng nước ta gặp những khó khăn to lớn như gần 20 năm qua và cũng chưa có thời kỳ nào, thắng lợi lại vẻ vang như thế. Chúng ta đã chiến thắng đế quốc Mỹ, chiến thắng quân bành trướng Trung Quốc, đã thu được những thành tựu quan trọng trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng rất đỗi anh hùng, nhân dân ta đã làm nên bao sự tích anh hùng trong phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa mà nội dung tư tưởng của nó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sản phẩm của quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chứng minh chân lý: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, và quần chúng là người anh hùng vĩ đại nhất”.
Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn gay gắt, đường ta đi còn dài và không ít chông gai. Nhưng có Đảng anh hùng lãnh đạo, nhân dân ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
PHẦN BA
NÊU CAO CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VÀ TINH THẦN LÀM CHỦ TẬP THỂ, RA SỨC THI ĐUA YÊU NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, HOÀN THÀNH THẮNG LỢI MỌI NHIỆM VỤ
Hồ Chủ tịch kính yêu đã dạy chúng ta: “Thi đua là đoàn kết; thi đua là yêu nước; thi đua là tinh thần quốc tế; thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình; thi đua thì cải tạo con người…”. Người khuyến khích: “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Người chỉ ra mục đích thi đua là “diệt giặc đói khổ - diệt giặc dốt nát - diệt giặc ngoại xâm”, cách làm là “dựa vào lực lượng của dân – tinh thần của dân” để “gây hạnh phúc cho dân”. Người đã chỉ ra những khuyết điểm chính để cùng nhau sửa: “Còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc... Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua… Tưởng lầm rằng thi đua chỉ là nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ… Nhiều nơi đặt kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương… nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành, đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch không ăn khớp với nhau…; nhiều nơi có kinh nghiệm nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau…”. Người lại dạy: “Nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ, của Mặt trận là phải đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn nữa và rộng khắp hơn nữa” và đã có lần Người phê bình “Nhiều đồng chí phụ trách các ngành, các địa phương chưa chú ý đúng mức công tác chỉ đạo, tổ chức thi đua”. Người dặn: “Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc” và “Mỗi đại phương, mỗi đơn vị… đều nên ký giao kèo thi đua thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm riêng của mình để hoàn thành kế hoạch chung của Chính phủ”.
Ôn lại những lời dạy và căn dặn trên đây của Hồ Chủ tịch, liên hệ với thực tế hiện nay, chúng ta thấy sâu sắc biết bao, và những lời dạy ấy vẫn còn mới đối với chúng ta. Chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của Người, phải làm tốt hơn để phong trào thi đua được sôi nổi, liên tục, mạnh mẽ và thu được kết quả như Người mong muốn.
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) và kỳ họp thứ 10 Quốc hội (khóa VII) đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986.
Năm 1986 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 1986 -1990, là năm tiến hành Đại hội lần thứ VI của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế xã hội trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ mà Đại hội lần thứ V của Đảng đã đề ra; tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tập trung sức tăng nhanh lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp; ra sức phát triển hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; phát triển các ngành công nghiệp nặng then chốt phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và giao thông vận tải, tăng thêm hàng xuất khẩu.
Năm 1986 tập trung thực hiện những mục tiêu quan trọng nhất tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng lao động, đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, khai thác tốt các nguồn khả năng, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Kế hoạch Nhà nước năm 1986 thể hiện quyết tâm lớn của Trung ương Đảng và Quốc hội, cũng là quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện các biện pháp lớn về phân công, phân bố lại và sử dụng tốt lực lượng lao động trên quy mô tòan xã hội, giải quyết tốt các vấn đề về phân phối – lưu thông, phấn đấu ổn định thị trường, giá cả, tài chính và tiền tệ; thực hành triệt để tiết kiệm trong sản xuất và trong tiêu dùng; đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới; hình thành một bước cơ chế quản lý mới, thực hiện tập trung dân chủ, tiến hành hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch làm trung tâm.
Năm 1986 là năm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động phải được thể hiện bằng phong trào thi đua sôi nổi và có hiệu quả của quần chúng và sự cải tiến rõ rệt trong công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu kế hoạch Nhà nước năm 1986, phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa phải được tổ chức, chỉ đạo thật tốt, tạo ra chuyển biến sâu sắc ở ngay từng cơ sở, từng người lao động, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy hoàn thành xuất sắc kế hoạch Nhà nước năm 1986 và mọi nhiệm vụ cách mạng khác.
A – PHÁT ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THẬT TỐT 4 PHONG TRÀO
CỤ THỂ SAU ĐÂY:
1. Phong trào thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thật sự đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
- Sử dụng tốt lao động, đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có để phát triển mạnh sản xuất và kinh doanh; phải rất quan tâm đến việc phân công và bố trí lại lao động tại chỗ, sử dụng thật hợp lý lực lượng lao động trong từng xí nghiệp, cơ quan, giảm nhẹ biên chế gián tiếp, động viên toàn dân, toàn quân hăng hái tham gia xây dựng vùng kinh tế mới. Mọi cán bộ, công nhân, viên chức phải lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, bảo đảm ngày công, giờ công, có năng suất và hiệu quả rõ rệt. Học sinh thi đua học tập tốt, tham gia lao động tốt. Phải kiểm tra nghiêm ngặt kết quả lao động cả số lượng và chất lượng, thực hiện phân phối theo kết quả lao động.
- Kết hợp sử dụng các biện pháp tổng hợp về củng cố quan hệ sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, động viên mọi người, mọi cơ sở nêu cao ý thức làm chủ, tinh thần tự lực tự cường, ra sức ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến tổ chức sản xuất và tổ chức lao động, làm ra nhiều của cải vật chất với chi phí lao động, vật tư, năng lượng, tiền vốn ít hơn.
2. Phong trào toàn dân tham gia lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trong mọi lĩnh vực, đấu tranh chống mọi hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Cán bộ ngành phân phối – lưu thông thi đua cải tiến kinh doanh, nắm hàng, nắm tiền, cải tạo và quản lý thị trường, phải tự giữ mình và đấu tranh triệt để chống bọn đầu cơ, tích trữ, phá hoại, mở rộng và cải tiến thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phục vụ thật tốt sản xuất, chiến đấu và đời sống nhân dân.
- Toàn dân, toàn quân tích cực tham gia quản lý thị trường, chống mọi hiện tượng tiêu cực từ trong cơ sở, địa phương mình, cùng Nhà nước nhanh chóng ổn định thị trường, giá cả, tài chính, tiền tệ.
3. Phong trào tiết kiệm triệt để trong sản xuất, công tác và tiêu dùng.
- Ứng dụng khoa học – kỹ thuật và mọi biện pháp để tận dụng công suất máy móc, thiết bị, tăng năng suất, giảm định mức tiêu hao lao động, vật tư, năng lượng, hạ giá thành. Kiểm tra nghiêm ngặt, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình.
- Tiết kiệm lao động, bỏ những cơ quan, tổ chức hoặc khâu trung gian không cần thiết, chuyển bớt cán bộ, nhân viên khu vực hành chính sang sản xuất, bảo đảm mọi người có việc làm và làm việc có ích. Phát triển ngành nghề và dịch vụ, thu hút số lượng lao động chưa có việc làm.
- Tiết kiệm triệt để các khoản chi, nhất là chi hành chính, sự nghiệp; loại trừ thất thu để cân bằng ngân sách.
- Tiết kiệm tiêu dùng nhất là tiêu dùng của công, tăng xuất khẩu để nhập những thứ hết sức cần thiết cho sản xuất.
Tiến tới mỗi cấp đều phải tự trang trải chi tiêu, vừa làm đầy đủ nghĩa vụ với trung ương.
4. Phong trào toàn dân tham gia củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh, trật tự, trị an xã hội.
- Quân đội nhân dân gồm 3 thứ quân ra sức rèn luyện về mọi mặt, nâng cao sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu tốt, lập nhiều chiến công đồng thời tích cực tham gia xây dựng kinh tế, tổ chức tốt đời sống.
- Công an nhân dân xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; đảm bảo an ninh xã hội, chống lại hoạt động phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, giữ gìn trật tự, trị an xã hội, chống mọi hoạt động tiêu cực.
- Toàn dân tham gia củng cố quốc phòng và an ninh, ủng hộ tuyến trước, thi hành tốt chính sách hậu phương; tham gia giữ gìn trật tự - trị an, chống tiêu cực.
B – TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THI ĐUA.
Nhằm tổ chức tốt phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, đối chiếu với lời dạy của Hồ Chủ tịch, công tác lãnh đạo và tổ chức thi đua phải được thật sự tăng cường trên mấy vấn đề lớn sau đây:
1. Thi đua là phong trào cách mạng của quần chúng vươn lên làm chủ trong cuộc đấu tranh rộng lớn nhằm cải tạo xã hội và xây dựng xã hội mới, xây dựng một nền kinh tế mới, một nền văn hóa mới, những con người mới. Phong trào ấy nhất thiết phải được sự lãnh đạo, cổ vũ, nêu gương của các tổ chức Đảng, từ Trung ương đến cơ sở. Cấp ủy Đảng phải định ra mục tiêu, yêu cầu và nội dung thi đua, phải ra sức giáo dục, xây dựng con người mới làm chủ tập thể, lấy đó làm động lực của phong trào mà bồi dưỡng, nâng cao con người mới; phải hết sức chú ý kiểm tra, uốn nắn động cơ thi đua sai lệch, dẫn đến thổi phồng thành tích, che giấu khuyết điểm, phải làm cho mỗi chi bộ, mỗi đảng viên hăng hái gương mẫu, làm đầu tàu cho phong trào; chú ý giúp đỡ những tập thể và người yếu kém, biểu dương đích đáng những tập thể và người có thành tích thật sự. Phải qua phong trào mà củng cố tổ chức, đào tạo và lựa chọn cán bộ.
2. Thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa có nội dung chủ yếu là thi đua về kinh tế, thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước. Do vậy các cấp chính quyền phải coi việc tổ chức thi đua là một việc cần thiết phải làm, như Lê-nin đã nói: “Tổ chức thi đua phải chiếm địa vị trọng yếu trong nhiệm vụ kinh tế của chính quyền Xô-viết”. Trong quân đội, chủ yếu là thi đua huấn luyện, thi đua đánh giặc và người chỉ huy phải trực tiếp chỉ đạo thi đua. Trách nhiệm người thủ trưởng thể hiện trước hết là phát động quần chúng xây dựng và cân đối kế hoạch, trên cơ sở khai thác đầy đủ các nguồn khả năng, phát huy được tiềm năng sẵn có, từ đó xây dựng chỉ tiêu, biện pháp thi đua tích cực, có sự phối hợp của đoàn thể. Người thủ trưởng phải tạo ra những điều kiện cần thiết để thi đua phát triển thuận lợi và cần phải huy động bộ máy quản lý của mình, cùng với các đoàn thể, theo dõi phong trào, phát động sáng kiến, kinh nghiệm, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, xác minh nó, tổng kết nó, thể chế hoá những kinh nghiệm và sáng kiến để mọi người, mọi đơn vị yên tâm áp dụng; khen thưởng, phê bình đích đáng, kịp thời, chính xác.
3. Các đoàn thể là lực lượng quần chúng có tổ chức, đặc biệt là công đoàn và đoàn thanh niên trong các cơ sở sản xuất, phải làm thật tốt công tác vận động, xây dựng và phát triển phong trào, theo sát mục tiêu và nội dung đã định, có sự nhất trí của tổ chức Đảng và chính quyền, bảo đảm phong trào thi đua thực sự có tính quần chúng rộng rãi, đi vào 3 cuộc cách mạng, bám sát nhiệm vụ chính trị. Các đoàn thể tham gia với chính quyền trong việc lựa chọn điểm hình tiên tiến, trong việc khen thưởng, bảo đảm mọi quyết định thật sự phản ánh nguyện vọng đúng đắn của đông đảo quần chúng.
Hội đồng thi đua là tổ chức gồm đại biểu chính quyền và các đoàn thể do mỗi cấp lập ra, phải thống nhất kế hoạch thi đua, tránh tình trạng không ăn khớp như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê bình. Ban thi đua các cấp cần phải được kiện toàn để giúp Đảng, chính quyền và Hội đồng thi đua cấp mình trong việc thực hiện nhiệm vụ.
4. Có được nội dung đúng rồi, lại cần có biện pháp hay, thu hút được các cấp, các ngành, các cơ sở và đông đảo quần chúng vào cuộc thi đua, không để ai đứng ngoài. Phải luôn luôn quán triệt nguyên tắc công khai, so sánh, làm theo kinh nghiệm tiên tiến, kết hợp khuyến khích cả tinh thần và vật chất trong thi đua. Mọi hình thức, biện pháp vận động thi đua mà nội dung không rõ, không thể hiện nguyên tắc trên, không đem lại hiệu quả rõ rệt đều cần phải rút kinh nghiệm. Thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước thì phải xây dựng chỉ tiêu kế hoạch từ mỗi người lao động, mỗi tổ, đội, từ cơ sở và huyện, mức phấn đấu phải tiên tiến và hiện thực, hễ cố gắng là đạt, không giao mức quá cao đến nỗi cố đến đâu cũng không thực hiện được; phải có kiểm tra, so sánh, chấm điểm, xếp hạng. Do vậy, cần có giao ước thi đua, tổng kết thi đua.
Phải đặc biệt chú trọng khai thác sáng kiến và kinh nghiệm của các anh hùng và chiến sĩ thi đua. Đây là vốn rất quý của nhân dân ta. Họ không có điều kiện thuận lợi gì đặc biệt mà làm nên sự nghiệp, cho nên học hỏi, áp dụng, phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm của tiền tiến là con đường ngắn nhất đi tới năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng dâng lên rất cao trong chống Mỹ cứu nước, nay đang dâng lên trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quần chúng càng giác ngộ cách mạng, càng được nâng cao trình độ về mọi mặt, càng tự giác thi đua thì chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng cao, càng thắng lợi lớn.
Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc là những người có thành tích, cần phải cố gắng lập thành tích cao hơn nữa, đã anh hùng càng phải anh hùng hơn nữa. Cách mạng và khoa học là vô cùng; trí khôn, sáng tạo và lòng hi sinh của con người cách mạng là vô cùng; do vậy mức thi đua cũng là vô cùng, nó cứ tiến lên mãi, mỗi năm tháng một cao. Muốn vậy, anh chị em cần thật tâm khiêm tốn, khiêm tốn từ trong suy nghĩ đến hành động, duy trì mối liên hệ mật thiết với đồng đội và nhân dân để có nhiều thành tích mới cao hơn.
Theo gương các anh hùng và chiến sĩ thi đua, toàn quân và toàn dân ta hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể, ra sức thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, thực hiện đầy đủ các Nghị quyết 6,7,8,9 của Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, lập thành tích xuất sắc nhằm hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1986, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ sáu của Đảng cuối năm nay.