Kính thưa các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước!
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Đến hôm nay, tôi vẫn còn rùng mình khủng khiếp khi nhớ lại giờ phút nguy hiểm ấy, và cũng rất phấn khởi, vui mừng vì mình đã quyết định đúng và nhanh để cứu các cháu ở Trường Mầm non Khe Sanh – Huyện Hướng Hóa – Tỉnh Quảng Trị.
Trưa hôm ấy, ngày 07 tháng 7 năm 1997, sau buổi học bổ túc văn hóa, tôi trở lại trường để lo cho các cháu giấc ngủ trưa. Vừa đến sân trường, tôi thấy ngoài phòng ngủ của các cháu rất đông bà con nhốn nháo hoảng sợ. Tôi bình tĩnh, chen mọi người bước vào cửa phòng, thì thấy một con rắn Hổ mang thật to đang nằm ngang trên bụng ba cháu nhỏ, nó đang phùng mang giương mắt như muốn vồ lấy các cháu. Hổ mang là loại rắn độc, người nó cắn nếu không chết tại chỗ thì về nhà cũng chết. Vì thế dân gian ta có câu: “rắn mai tại chỗ, rắn hổ về nhà”. Hơn nữa con rắn này bị một nhà buôn bắt nhốt để bán, bị sổ lồng, trên đường trốn thoát, nó vào phòng ngủ của các cháu. Lúc mới chui vào đã bị anh cán bộ phòng thuế nắm đuôi kéo ra để cứu các cháu, nhưng không may một con chó cắn vào chân anh, anh phải thả ra, vốn đã giữ, gặp hoàn cảnh ấy lại càng giữ hơn, chỉ cần đụng nhẹ vào mình nó là phải mang lấy tai họa.
Ngay trước mặt rắn, 15 cháu đang ngủ, 1cháu đã ngồi dậy trong cũi. Phải cứu lấy các cháu! Tôi nghĩ vậy. Lập tức, tay phải tôi túm lấy cổ rắn tay trái kéo cháu nhỏ ở trong cũi ra. Phải nhanh như cắt, nếu không nó sẽ phù hơi độc đối với các cháu đang ngủ. Hoặc nó sẽ phản ứng cắn cháu khi bắt nó thì hậu họa thật khó lường.
Vòng bàn tay tôi vừa hẹp, không đủ sức để nắm chặt cổ rắn nó quay sang cắn vào tay trái của tôi, cắn và nghiến chặt.
Tôi buông cháu nhỏ và dùng hết sức bình sinh kéo mạnh con rắn và quẳng nó ra sân.
Con rắn hổ mang hung dữ này nặng gần 4kg, dài gần 2m, Lúc mới bị đánh chết nó còn phù hơi độc làm nhiều người sưng vù cả mặt.
Rắn đã chết, 16 cháu Trường Mầm non Khe Sanh được cứu thoát, đang ngơ ngác chưa biết việc gì xảy ra.
Còn tôi, những cơn đau dồn ập đến, cái chết đang đe dọa bản thân và cả gia đình hoang mang. Mặc dầu cánh tay trái của tôi được thắt garô ba đoạn nhưng nọc độc đã thấm vào từng thớ thịt đường gân làm tôi đau nhức cả người, tay chân. Mặt mũi toàn thân đều sưng to, mắt không mở ra được.
Là một phụ nữ 37 tuổi, đã vài lần sinh đẻ, và trải qua nhiều cơn đau về thể xác, nhưng không một cơn đau nào sánh nổi lần này.
Giữa lúc sống chết kề bên, tôi được bạn bè, đồng nghiệp, bố mẹ các cháu Mầm non, các thầy thuốc người dân tộc vân Kiều, các y bác sĩ, hộ lý của bệnh viện hướng hoá, bệnh viện tỉnh tận tình chăm sóc cứu chữa. Đặc biệt các bậc phụ huynh có cháu tôi đã cứu sống, đã ngày đêm thay nhau trực bên giường bệnh và luôn cầu mong cho tôi tai qua nạn khỏi, có phụ huynh cảm động đã thốt lên với Nhà báo: “Nếu không có cô thì con tôi đã chết rồi”.
Gần hai tháng nằm trên giường bệnh viện, người tôi lúc tỉnh lúc mê, da thịt ở cánh tay trái bị hoại tử dần. Tôi chỉ mong một điều tối thiểu là: Dù có mất đi một cánh tay, dù có bị tàn phế đi chăng nữa, miễn làm sao được sống để trở về mảnh đất đường 9 Khe Sanh, về với các cháu Mầm non, với chồng con thân yêu của tôi.
Lúc cánh tay đã lành sẹo, tôi trở lại nhà, cháu nhỏ cuối cùng của tôi không nhận ra mẹ nó nữa! Vài ngày đầu nó không cho tôi bế.
Nỗi đau của những ngày tháng qua và nỗi đau của người mẹ lúc này làm toi phải rơi nước mắt.
Tuy thế nhưng hạnh phúc đã đến với tôi gấp nhiều lần.
Ngay lúc còn cứu chữa, Thủ tướng Chính phủ, Ban văn hóa Quốc Hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động Quảng Trị, Sở Giáo dục – Đào tạo, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh, Phòng giáo dục và công đoàn giáo dục Huyện Hướng Hóa, Báo Tuổi trẻ, Báo Lao động, Bảo hiểm Việt Nam và rất nhiều các ban, ngành trong cả nước đã dành cho tôi nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng cao quý, nhất là sự quan tâm ưu ái của Chính phủ và các cấp đối với bản thân, gia đình tôi.
Hạnh phúc nhất đối với tôi lúc này là, các cháu Mầm non Khe Sanh vẫn khoe mạnh và học tập bình thường.
Tôi còn nhớ mãi một thầy lãnh đạo của ngành đến thăm và hỏi: “Sao một mình em dám dũng cảm bắt rắn cứu các cháu?”
Tôi trả lời: Thư thấy em thương các cháu nên em không sợ chết.
Thầy nói rất thân mật với tôi: “Đúng như vậy, nhưng còn nhiều nữa. Em được sinh ra trên đất Quảng Bình, nơi mà trong kháng chiến chống Mỹ có những phụ nữ rất anh dũng, như mẹ Suốt, Chị Trần Thị Lý và rất nhiều chị em không ngại hy sinh, tất cả vì Miền Nam ruột thịt. Em lại được giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt em đã có 6 năm làm lính, 6 năm là giáo viên trường Mầm non và đã từng lam vợ, làm mẹ…. Tất cả đó đã cho em lòng dũng cảm, trí thông minh và tình thương bao la đối với các cháu. Một khoảnh khắc đối với em nhưng là cả cuộc đời em đó.”
Tôi cảm nhận được đó là những lời đánh giá, động viên, đồng thời nhắc nhở tôi phải sống và hành động cho xứng đáng với quá khứ, với quê hương, với nghề nghiệp của mình.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Tôi có một phần công lao nhỏ đối với các cháu, nhưng sự động viên ưu ái dành cho tôi là quá lớn, tôi vô cùng xúc động và nghĩ về những ngày sẽ đến. Đối với tôi, sau khi vết thương lành, sức khỏe bắt đầu bình phục, được trở lại trường, tình thương của tôi đối với các cháu, tình cảm với trường, với nghề như được nâng lên rất nhiều. Tôi thầm nhủ mình phải làm như thế nào để xứng đáng với lòng tin yêu của mọi người.
Từ bấy đến nay, bản thân tôi tiếp tục phấn đấu không ngừng, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong của người giáo viên, say mê, nhiệt tình, với nghề nghiệp, không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm để khỏi phụ lòng tin yêu của các cấp lãnh đạo, các đồng nghiệp và các bậc phụ huynh đã dành cho tôi.
Những năm qua, dù trình độ có hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi đã tiếp tục phấn đấu không ngừng. Tôi trở lại nghề năm 1996. Năm học 1996- 1997, 1997-1998 tôi được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, năm 1998-1999 tôi được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm 1999 – 2000 tôi đã sắp xếp cuộc sống gia đình (Chồng bộ đội, các con còn nhỏ) để theo hoc khóa đào tạo trung cấp Mầm non tại trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh và đã đạt kết quả tốt.
Ở đâu, làm công việc gì, tôi đều cố gắng nỗ lực và được các bạn bè, đồng nghiệp, các bậc cha mẹ, các cháu Mầm non tin yêu mến phục.
Hôm nay tại Đại hội, một lần nữa tôi được sự cho phép của Ban tổ chức Đại hội, trình bày báo cáo về việc làm của mình, tôi thật sự xúc động và vô cùng vinh dự.
Trong không khí vô cùng trang trọng và phấn khởi của Đại hội, tôi xin hứa với các cấp lãnh đạo và quý vị đại biểu là: Tiếp tục phấn đấu để làm trong nhiệm vụ của người công dân, người giáo viên mầm non theo yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục đào tạo và của đất nước nói chung.
Cuối cùng tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe và hạnh phúc!
Xin chân thành cảm ơn!
Trần Thị Nở
Giáo viên Trường Mầm non Khe Sanh, Huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị