Về việc phát động đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004-2005 và Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII.
Ngày 21 tháng 5 năm 2004, Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Chỉ thị số 39-CT/TW về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
Để thực hiện tốt Chỉ thị nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đoàn thể nhân dân trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện những công việc cụ thể sau đây:
1. Phát động đợt thi đua đặc biệt, tập trung sức hoàn thành kế hoạch của những tháng còn lại năm 2004 và cả năm 2005, hoàn thành những thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước:
- Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2005).
- Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005)
- Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 – 19/5/2005)
- Kỷ niệm 60 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2005).
- Kỷ niệm 60 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2005) và Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2005).
- Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VII vào Quý 4 năm 2005 và các ngày kỷ niệm khác trong 2 năm 2004 – 2005.
Khẩu hiệu chung trong đợt thi đua đặc biệt này là: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 – 2005)”.
Với tinh thần đó, từng ngành, địa phương và cơ sở, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phải đề rõ được các mục tiêu cụ thể, hướng phong trào thi đua vào việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của năm 2004, tạo đà vững chắc phấn đấu đạt và vượt mục tiêu của kế hoạch năm 2005.
- Đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là trong ngành giáo dục, y tế, văn hoá, cải tiến quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này nhằm nâng hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và tăng cường đào tạo lao động xuất khẩu. Từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Tiếp tục củng cố quốc phòng và an ninh, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh trấn áp các hoạt động tội phạm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xã hội.
Các Bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nghiên cứu đổi mới, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp tổ chức thi đua phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tạo ra chất mới trong phong trào thi đua. Chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua sau đây:
+ Phong trào toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu cho mình, cho cộng đồng, cho đất nước, phấn đấu hàng năm có thêm nhiều địa phương và đơn vị không còn hộ nghèo, tăng nhanh hộ giàu.
+ Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá và các cuộc vận động ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, văn hoá phẩm độc hại, góp phần thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
+ Phong trào cả nước trở thành xã hội học tập, nhằm nâng cao dân trí, trước hết trong cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
+ Phong trào thi đua xây dựng quốc phòng và an ninh vững mạnh.
2. Đẩy mạnh sản xuất, chống lãng phí, chống phô trương hình thức trong các ngày lễ và tổ chức đón nhận danh hiệu thi đua.
3. Triển khai việc học tập, quán triệt Luật Thi đua – Khen thưởng và Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn cụ thể hoá thực hiện Luật Thi đua – Khen thưởng. Xúc tiến hoàn thành việc khen thưởng thành tích kháng chiến, đảm bảo thực hiện tốt Chỉ thị 26/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Xây dựng các điển hình xuất sắc, trên cơ sở các bài học đã được tổng kết, làm tốt việc giới thiệu các điển hình để nhân rộng trong cả nước. Chú trọng phát hiện các điển hình tiên tiến và nhân tố mới thật sự nổi trội trong các phong trào thi đua yêu nước. Việc bình chọn các danh hiệu thi đua phải chính xác, được quần chúng suy tôn, để có kế hoạch bồi dưỡng và đề nghị các hình thức khen thưởng xứng đáng (phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc vào đợt cuối năm 2004; 01/5/2005; 02/9/2005)
5. Tiếp tục đổi mới công tác tổ chức và cán bộ thi đua khen thưởng; các Bộ, ngành địa phương tiến hành củng cố bộ máy và cán bộ, đảm bảo bộ máy gọn nhẹ và có hiệu lực theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thi đua khen thưởng để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện Luật Thi đua – Khen thưởng.
6. Bộ Văn hoá – Thông tin và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và các địa phương coi trọng việc thường xuyên tuyên truyền cho các phong trào thi đua và đến kỳ hạn thì tập trung tuyên truyền cho Đại hội Thi đua các cấp và Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII, nhằm biểu dương những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tổ chức các cuộc thi sáng tác và xuất bản các tác phẩm về chân dung các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương người tốt, việc tốt trong thời kỳ đổi mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.