Những tấm gương bình dị giữa đời thường

 8230 lượt xem
Là quân nhân, tuy mỗi người một vị trí khác nhau nhưng ở các anh đều có chung niềm đam mê sáng tạo, tận tụy với công việc, lặng lẽ khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

 Thượng úy “3 trong 1”

 
Đại úy Ngô Quý Đông thường xuyên xuống các đơn vị để kiểm tra công tác bảo quản khí tài, giúp việc vận hành đạt hiệu quả.
 
Cứ đến 18 giờ chiều Thứ tư hàng tuần, tôi lại chăm chú xem chuyên mục Quốc phòng - An ninh trên kênh truyền hình Khánh Hòa. Không biết tự lúc nào, tôi đã mê cái văn phong mềm mại, uyển chuyển cùng những hình ảnh đẹp về anh bộ đội Cụ Hồ của tác giả Văn Điệp. Nhiều lần tôi muốn đến gặp anh mà không biết phải liên hệ thế nào. Mãi tới cuối năm 2010, trong dịp đi phòng, chống lụt bão, tôi mới có dịp tiếp xúc với anh - Thượng úy Phạm Văn Điệp, nhân viên Ban Tuyên huấn (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Thật khác với tưởng tượng của tôi về một người đầy chất nghệ sĩ với mái tóc bồng bềnh..., anh khá giản dị, thẳng thắn và nhiệt tình. Lần đó, anh còn để lại trong tôi ấn tượng thật sâu sắc về lòng quả cảm: Giữa lúc nước lũ cuồn cuộn chảy, mưa như trút nước, gió rít từng cơn dữ dội, ai ai cũng cố tìm cách tránh lụt thì anh lại quăng mình vào ngay rốn lũ để ghi lại hình ảnh các lực lượng cứu hộ gồng mình đưa người dân ra vùng an toàn. “Lũ dâng cao, nước chảy xiết, có thể cuốn phăng mọi thứ, lẽ nào anh không sợ?”, nghe tôi ái ngại hỏi, anh chỉ cười: “Nguy hiểm thật, nhưng chỉ có trực tiếp đi vào những nơi ấy mới có được những hình ảnh chân thực nhất để cung cấp cho người xem về tình hình mưa lũ cũng như tinh thần hăng hái cứu người của đội ngũ cứu hộ…”.
 
 
Chiếc camera là người bạn thân thiết đã gắn bó với Thượng úy Phạm Văn Điệp gần 20 năm qua.
 
 
Dù Thứ hai hay Chủ nhật, Thượng úy Phạm Văn Điệp vẫn miệt mài với công việc.
 
Vào quân đội với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lại có khiếu trong ngành kỹ thuật, anh có thể sửa được đài, máy cassette, chuyển hệ tivi đen trắng ở thập niên 90 của thế kỷ XX. Mãn hạn quân ngũ, anh được đơn vị giữ lại Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với công việc cấp phát, quản lý vật tư chính trị (năm 1992). Nghề quay phim đã đến với anh rất tự nhiên. Anh kể: “Bấy giờ, Thượng tá Phạm Hồng Sơn (hiện là Trưởng ban Tuyên huấn) phụ trách mảng tuyên truyền. Mỗi lần có sự kiện là anh lại kéo tôi đi. Dần dà, tôi thấy yêu công việc đó và anh đã giúp đỡ tôi bước vào thử thách mới mà tôi vẫn đeo đuổi tới bây giờ”. Nhiệm vụ của anh là tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh, nhất là trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, dân vận, phòng, chống lụt bão, cháy rừng... Đây là công việc có tính đặc thù, khá vất vả, chịu áp lực về thời gian, đòi hỏi tính nhanh nhạy, trình độ chuyên môn và một phần năng khiếu. Dẫu không được đào tạo cơ bản nhưng bằng tình yêu nghề, anh đã gắng vừa học hỏi vừa làm. Đến nay, anh có thể kiêm nhiều khâu: từ viết kịch bản, quay phim, dựng phim cho đến đạo diễn chương trình... Vì thế, nhiều người trìu mến gọi anh là Thượng úy “3 trong 1”.
 
Gần 20 năm gắn bó với nghề, anh chưa một ngày ngơi nghỉ. Ngày nắng cũng như mưa, Thứ hai cũng như Chủ nhật, anh luôn sốt sắng với công việc. Nhưng ít ai biết đằng sau những khuôn hình đẹp ấy, anh đã phải rất nỗ lực. Gia đình riêng của anh còn không ít khó khăn. Cả nhà phải sinh hoạt trong căn nhà đi thuê cấp 4 vẻn vẹn 15m2. Có lẽ, động lực để anh phấn đấu, cống hiến, tạo “quả ngọt” cho đời chính là người vợ thủy chung đã cùng anh “muối mặn gừng cay” suốt bao năm và hai đứa con đáng yêu. Đồng thời, còn là những ghi nhận của đơn vị, cấp trên: 4 năm liền, anh được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng bằng khen, Bộ Quốc phòng tặng bằng khen Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2010... Hạnh phúc càng lớn hơn khi những tác phẩm dự thi của anh trong liên hoan truyền hình toàn quân đã đoạt giải vàng…
 
 
Đại úy Ngô Quý Đông say sưa thuyết trình sáng kiến bộ gá bắn gián tiếp súng cối 82 mm.
 
Sĩ quan chỉ huy nhiều sáng kiến
Nhắc đến Đại úy Ngô Quý Đông, Trưởng ban Quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, ai cũng phải ngợi khen. Là sĩ quan chỉ huy, tuổi đời còn trẻ, công việc bộn bề nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu, chế tạo các thiết bị kỹ thuật và đã sở hữu gần chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong toàn Quân khu.
 
Gặp Đại úy Ngô Quý Đông trong lần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức nghiệm thu bộ gá bắn gián tiếp súng cối 82mm của anh, tôi rất ấn tượng với chàng sĩ quan chỉ huy 37 tuổi nhỏ người, luôn cười và đặc biệt có mái tóc “hoa râm”. Tranh thủ tiếp cận “cây sáng kiến”, tôi được biết anh sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và luôn ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy. Khi có giấy gọi nhập ngũ, chàng trai Hà Thành tưởng sẽ tạm gác ước mơ, lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nhưng thật may mắn, anh nhập ngũ tại Cục Kỹ thuật Quân khu 5. Bằng tài năng vốn có, thêm tính cần cù chịu khó, anh nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của chỉ huy đơn vị. Mơ ước của anh bỗng nhanh chóng thành hiện thực khi anh được rút về làm trợ lý Ban Quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa (năm 1995).
 
Sáng kiến bộ gá bắn gián tiếp súng cối 82mm của anh là thiết bị dùng để hỗ trợ bắn gián tiếp súng cố 82mm. Nó giúp việc bắn đạn thật trong các buổi huấn luyện, diễn tập trở nên an toàn hơn. Trước kia người bắn phải trực tiếp thực hiện thao tác, nay chỉ cần đứng từ xa điều khiển hệ thống kíp điện. Thiết kế đưa vào sử dụng đại trà khả thi, an toàn, tiết kiệm… Sáng kiến này đã đoạt giải B khi tham gia thi toàn Quân khu 5 (tháng 11-2011). Anh tâm sự: “2 năm là khoảng thời gian không nhỏ cho 1 thiết bị. Đã có lúc tôi tưởng phải bỏ cuộc, bởi những thử nghiệm trước đều không thành công. Cái khó ở chỗ, đơn vị không có thiết bị đo lực, vì vậy, mỗi lần bắn, lực thuốc súng tác động lên gá làm cho các chi tiết vỡ liên kết, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả bắn cũng như độ an toàn khi thực hiện. Sau nhiều lần từ thử nguội cho tới bắn thật, mãi đến đầu năm 2011, tôi mới thành công”.
 
Ngoài sáng kiến trên, anh còn có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi như: Thông nòng súng AR 15; giá hiệu chỉnh súng bộ binh; mẫu tủ súng cho các đơn vị; thiết bị xâu cò súng… Chuỗi sáng kiến của anh là mơ ước của nhiều người, tuy nhiên, như anh thổ lộ, anh chỉ muốn mang những gì đã học được để tạo ra các sản phẩm giúp cho việc huấn luyện, diễn tập trong đơn vị đạt hiệu quả cao, an toàn. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ gá bắn gián tiếp súng cối 60mm, sản xuất thông nòng súng trường Garant, bộ thiết bị bắn gián tiếp súng DKZ…
 
Không chỉ là “cây sáng kiến” của đơn vị, anh còn là chỉ huy mẫu mực, luôn hoàn thành xuất sắc công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về cấp phát, tiếp nhận, thu hồi, bổ sung súng pháo, khí tài, đạn dược, bảo đảm kịp thời cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu… Anh còn tham gia thi Trưởng ban Quân khí giỏi do Quân khu tổ chức và đạt giải nhì, được chọn tham gia thi Trưởng ban Quân khí giỏi toàn quân (tháng 3-2011); được Bộ Quốc phòng tặng giấy chứng nhận Trưởng ban Quân khí giỏi toàn quân; được Tổng cục Kỹ thuật tặng giấy khen… 3 năm liền (2009 - 2011), anh được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
 
Khắc phục khó khăn, lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp chung, các anh đã tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.
 
Ý kiến của bạn