BTĐKT - Thấm nhuần tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 5 năm qua (2014 – 2019), công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua Quyết thắng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được triển khai toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, phong trào thi đua Quyết thắng đã thắp lên ngọn lửa đạo đức và nhân cách nghề y trong tập thể, cán bộ, y, bác sĩ toàn bệnh viện.
Quan trọng nhất là tình yêu với nghề
Khoác trên mình quân phục của người lính, Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Việt Tân, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Viện Chấn thương Chỉnh hình cho rằng: Bất kỳ nghề nào cũng có những gian truân, vất vả, nhưng tình yêu nghề sẽ mang đến cho bạn động lực để vượt qua tất cả.
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Việt Tân, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu, Viện Chấn thương Chỉnh hình
Những ngày đầu về công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, xen lẫn cảm xúc tự hào vì được làm việc ở bệnh viện tuyến cuối của ngành quân y, chiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Tân cũng gặp không ít những áp lực mà nghề y đem lại. Đặc biệt là khi anh được làm quen với công việc tại Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật.
Với đặc thù là kỹ thuật khâu nối những mạch máu và thần kinh nhỏ có đường kính từ 1-2 mm, các ca mổ vi phẫu thường tinh vi, phức tạp và kéo dài, luôn đòi hỏi bác sĩ phải có sức khỏe tốt và đôi bàn tay khéo léo. Nhưng Tân vốn bị cận thị và không thực sự có một đôi bàn tay mềm mại, nên nhiều người đã khuyên anh tìm kiếm một đam mê khác phù hợp hơn.
Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Việt Tân tham gia thực hiện nhiều ca vi phẫu vô cùng phức tạp và khó khăn
Không nản chí, Tân quyết tâm chinh phục. Từ việc tự liên hệ khoa Thực nghiệm, mua chuột và nhặt nhạnh những sợi chỉ vi phẫu còn thừa lại trên phòng mổ để thực hành; đồng thời tranh thủ sự chỉ bảo từ các thầy và đồng nghiệp đi trước, bác sĩ Tân nhanh chóng trưởng thành về mặt chuyên môn và đạt được những thành tích nổi bật như: Làm chủ được kỹ thuật vi phẫu; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trong các ca trực, xử trí các vết thương bàn tay, mạch máu, thần kinh, trồng nối chi thể đứt lìa.
Trong mổ phiên, anh đã bước đầu thực hiện và tiếp cận các ca mổ phức tạp như chuyển vạt phần mềm tại chỗ, vạt phần mềm tự do, vạt ngón chân vi phẫu, chuyển thần kinh trong tổn thương đám rối cánh tay.
Tân cho biết, để có được những thành công đó, anh luôn tự nhủ phải chắt chiu, cố gắng hết sức trong từng ca bệnh. Theo đó, trước mỗi ca mổ do mình thực hiện, anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước và đọc thêm tài liệu để xây dựng một kế hoạch mổ chi tiết, tỉ mỉ nhất, nhằm đảm bảo kết quả tốt nhất cho ca mổ.
Ngoài ra, với suy nghĩ, “thực hành” và “nghiên cứu” là hai quá trình song song, bổ trợ lẫn nhau và không thể tách rời, Tân luôn chủ động ghi chép, chụp ảnh, sắp xếp nghiêm túc, phân loại cụ thể hồ sơ từng bệnh nhân điều trị, viết báo cáo trực, tổng kết bệnh án...
Đó là những việc tưởng chừng rất đơn giản đối với mỗi bác sĩ, song theo Tân, nếu được tiến hành thường xuyên, liên tục, đó sẽ là cơ sở quan trọng để người bác sĩ có thể so sánh, nghiên cứu, tìm ra những tồn tại, hạn chế và có biện pháp khắc phục, nhằm phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Đồng thời, đó cũng là những tài sản quý giá và nền tảng cho các báo cáo, bài báo, luận án, luận văn, công trình khoa học tương lai.
Với sự chủ động, say mê, nghiêm túc trong công việc, đến nay, chiến sĩ, bác sĩ trẻ Nguyễn Việt Tân đã có 20 bài báo khoa học về chuyên ngành vi phẫu được đăng trong các tạp chí uy tín trong chuyên ngành; báo cáo trong các hội nghị Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam 2017, 2018, 2019; tham dự Hội nghị Bàn tay châu Á – Thái Bình Dương 2017 tại Philippines; Hội nghị Khoa học tuổi trẻ năm 2019; tham gia một đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu 2019.
Anh được giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ 26 (năm 2015) và 27 (năm 2017); giải nhì cuộc thi Giải thưởng tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2017.
Thượng úy Nguyễn Việt Tân khẳng định: Quan trọng nhất vẫn là tình yêu nghề. Đây sẽ là động lực to lớn để mỗi y bác sĩ không ngừng thi đua, vượt khó, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chữa bệnh cứu người, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Bệnh nhân là người thân, ân cần phục vụ
Cũng như bác sĩ Tân, theo nữ điều dưỡng Đặng Thu Trang, Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng chính là rèn luyện bản thân trở thành người thầy thuốc giỏi, đồng thời là người mẹ hiền; luôn coi người bệnh như người nhà và ân cần phục vụ.
Nữ điều dưỡng Đặng Thu Trang, Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống
Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, khi có người thân đang mắc bệnh nặng; vừa gánh vác việc nhà, làm tròn chữ hiếu; lại vừa phải đối mặt với không ít những áp lực bởi tính chất công việc thường xuyên phải trực đêm và công tác xa nhà... nhưng Đặng Thu Trang luôn nỗ lực mạnh mẽ, trở thành một nữ điều dưỡng trẻ, giỏi về chuyên môn và có tấm lòng lương thiện, đem đến niềm tin, hi vọng cho từng người bệnh.
Với nhiệm vụ chuyên môn được giao, Trang luôn ân cần tư vấn, chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân suốt quá trình điều trị, phục hồi và thông báo về kế hoạch cũng như phương pháp điều trị của bác sĩ tới người bệnh. Đồng thời, chị còn là cầu nối giúp bệnh nhân bày tỏ nguyên vọng và báo cáo tiến trình hồi phục lên bác sĩ chữa trị cho bệnh nhân một cách chính xác, chi tiết.
Trang tâm sự: Là một thầy thuốc quân y, bên cạnh giúp bệnh nhân hồi phục dần những tổn thương của cơ quan vận động, còn cần đồng hành, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, để xoa dịu những nỗi đau về thể xác cùng người bệnh. Đó mới là liều thuốc tinh thần quý giá, để tiếp thêm động lực, giúp bệnh nhân có niềm tin vào bác sĩ và bệnh viện, an tâm chữa trị đến khi bình phục hoàn toàn.
Không những vậy, với đặc thù của công việc đòi hỏi có chuyên môn, hiểu biết sâu rộng, điều dưỡng Trang còn phụ giúp bác sĩ khi thăm khám, thực hiện y lệnh; hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc sau điều trị và các công việc chuyên môn khác.
Cô cũng không ngừng học hỏi, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tìm ra những giải pháp hiệu quả trong chăm sóc người bệnh. Trang đã có bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí chuyên ngành về chấn thương chỉnh hình toàn quốc. Năm 2014, cô được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bệnh viện; năm 2017 - 2018, được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cấp bệnh viện; năm 2019 được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì có thành tích xuất sắc trong công tác các năm 2017 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, cô cũng dành thời gian, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị như thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ với một tinh thần say mê và nhiệt tình nhất, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào xây dựng đơn vị đoàn kết và phát triển.
Thấy cô luôn chân, luôn tay với việc nước, việc nhà, nhiều người hỏi rằng, có bao giờ cô cảm thấy quá sức và muốn từ bỏ. Cô nở nụ cười nhân hậu và bảo rằng: “Được nhìn những bệnh binh có thể đi lại, thoát khỏi chiếc xe lăn gắn bó bao nhiêu năm; những chàng trai, cô gái chinh phục được ước mơ khi có một đôi chân khỏe mạnh; những cụ già không còn chịu đau đớn mỗi khi trái gió, trở trời..., tôi như được tiếp thêm sức mạnh, sẵn sàng đối mặt với tất cả những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người bệnh”.
Bác sĩ Tân và điều dưỡng Trang chỉ là hai trong số hàng trăm tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách của người thầy thuốc quân y, được phát hiện trong phong trào thi đua Quyết thắng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt; là những hạt nhân tiêu biểu, đưa phong trào thi đua Quyết thắng của bệnh viện lên tầm cao mới; góp phần xây dựng bệnh viện chính quy, khoa học, tiên tiến, văn hóa, xứng đáng là bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia.
Ngọc Anh