Hà Nội bứt phá từ kết quả xây dựng nông thôn mới

 575 lượt xem
BTĐKT - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực giúp bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. 

Ngay từ đầu năm 2016, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành các quận, huyện, thị xã và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và sâu rộng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các huyện đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn toàn huyện, được đông đảo các cơ quan, đơn vị và người dân hưởng ứng, tham gia. Công tác tuyên truyền được quan tâm, thông qua nhiều hình thức như: Hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu... tuyên truyền các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền xây dựng làng, thôn, gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường, các mô hình điển hình tiên tiến, các ứng dụng khoa học, kỹ thuật... nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giúp giảm nghèo bền vững. Đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp từ thành phố đến huyện, xã và các thôn, qua các lớp tập huấn năng lực tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp ngày càng được nâng cao. 
 
Xã viên Hợp tác xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) chăm sóc dưa lưới trong nhà kính
Với quyết tâm thực hiện dồn điền, đổi thửa, nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được hình thành, bước đầu đạt kết quả tốt. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường; hình thành các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao, một số nơi đạt 1-2 tỷ đồng/ha. Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống đê điều, kênh mương thuỷ lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư nâng cấp, bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ và tiêu úng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh; đến nay cơ bản không còn nhà dột nát. Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,2%, môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ. 
Nhờ đó, nền sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2019 đã phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 02 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010. Thành phố đã dồn điền, đổi thửa được 79.454,3ha đất nông nghiệp (đạt 104,6% so với Kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%). Có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Đến nay, thành phố Hà Nội có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019. Toàn Thành phố có 325/386 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. 
 Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,52% (theo chuẩn cũ năm 2010) xuống còn 1,81% đầu năm 2019 theo chuẩn mới. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 100%, tăng 16% so với năm 2010, trong đó có trên 57% số hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tăng 25% so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố đạt 87,2%, trong đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các huyện, thị xã đạt 83,53%. 
Đặc biệt, ngoài nguồn kinh phí ngân sách các cấp hỗ trợ, từ năm 2010 đến nay toàn bộ 12/12 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 633 tỷ đồng. Đồng thời đã có trên 1.000 cá nhân hộ gia đình đã đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền trên 100 triệu đồng/hộ để xây dựng nông thôn mới. 
Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hoá và xã hội hoá; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được đảm bảo; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới. Các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu. 
Đây là những thành tựu quan trọng góp phần đưa Hà Nội ngày càng phát triển, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc./.
                                                                                                                                                                     Ngọc Anh
 

 
Ý kiến của bạn