BÁO CÁO TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN, NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH THÁI NGUYÊN

 9220 lượt xem
 

         BÁO CÁO TÓM TẮT THÀNH TÍCH 

CỦA ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN, NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH THÁI NGUYÊN 

(Do đồng chí Dương Ngọc Long Phó BT TU, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại Lễ kỷ niệm)

            Kính thưa các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng!

            Kính thưa các quý vị đại biểu!

            Thưa các đồng chí và toàn thể nhân dân! 

         Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vinh dự được đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

           Kính thưa các quý vị! 

       Vào năm Minh Mạng thứ 12 (ngày 01 tháng 10 âm lịch tức ngày 04/11/1931), nhà Nguyễn đã chia cả nước thành 30 tỉnh, 01 phủ; trấn Thái Nguyên được đổi là tỉnh Thái Nguyên. Tên đơn vị hành chính “tỉnh Thái Nguyên” đã tồn tại 180 năm trong đó có 31 năm được gọi tên là tỉnh Bắc Thái.

          Trải qua các thời kỳ, nhân dân Thái Nguyên luôn phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; tích cực xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. 

       Từ những năm 40 sau công nguyên, nhân dân Thái Nguyên đã tập hợp dưới cờ đại nghĩa của Hai Bà Trưng nổi dậy đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ. Thái Nguyên còn được coi là phên dậu phía bắc kinh thành Thăng Long, Đông đô Hà Nội; là quê hương của vị anh hùng Lý Bí; là địa đầu của phòng tuyến sông Cầu nơi diễn ra các trận đánh ác liệt giữa nhà Lý với quân xâm lược nhà Tống. Lịch sử tỉnh Thái Nguyên, gắn liền với lịch sử của cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của của cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh (năm 1936 tại xã La Bằng huyện Đại Từ ) là dấu mốc lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng Thái Nguyên 

        Giai đoạn 1936-1939 và những năm sau đó, đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, động viên quần chúng tham gia các hoạt động cách mạng do Đảng Cộng sản Đông dương lãnh đạo.

         Thời kỳ chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 năm 1945, Thái Nguyên là địa bàn hoạt động, phát triển lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ đã hoạt động tại đây. Thái Nguyên cũng là nơi ra đời đội Đội Cứu quốc quân II (năm 1941), nơi hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân (năm 1945) - tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

        Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, an toàn khu kháng chiến. Cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên trở thành Trung tâm của Thủ đô kháng chiến, nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương Đảng, nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “ Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “ Tất cả cho tiền tuyến”, tỉnh Thái Nguyên cùng với tỉnh bạn là hậu phương vững mạnh,  chi viện sức người sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975.

        Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết anh dũng trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, đoàn kết một lòng, khai thác tiềm năng thế mạnh, đưa Thái Nguyên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển trở thành một tỉnh công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đặc biệt, nhìn lại 10 năm trở lại đây, từ năm 2001 đến 2011, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc.

        Giai đoạn 2006-2011, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị vững chắc.

        - Về kinh tế: Tăng trưởng bình quân hàng năm trên 11,11%, cao gần gấp đôi bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; trong đó công nghiệp tăng từ 38,34% lên 41,6%; khu vực dịch vụ tăng từ 36,23% lên 37,32%; nông, lâm nghiệp giảm từ 25,43% xuống còn 22,08%. Đặc biệt năm 2011, tỉnh đã xác định và bám sát chủ đề: “Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đảng các cấp; tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch dịch vụ, tổ chức thành công Festival trà quốc tế, từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội”. Với tư duy hành động là: "Năng động, sáng tạo, sát tình hình, hiệu quả"; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đưa ra giải pháp “Năm đẩy, bốn quản, ba chống”, với phương châm “Ba thân thiện", giúp Thái Nguyên có bước phát triển đột phá, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó một số chỉ tiêu chủ yếu đạt kết quả cao như: thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,8 triệu đồng/người so với năm 2010; Giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt gần 140 triệu USD, bằng 177,8 % so với kế hoạch, tăng 5,8 triệu USD so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.612 tỷ đồng; trong đó, thu trong cân đối ngân sách đạt 3.250 tỷ đồng, tăng 11,1% so với dự toán; Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 415 nghìn tấn; Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đạt 3,88% so với năm 2010, vượt 1,7% kế hoạch v.v..

          - Về văn hoá - xã hội: Qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Thái Nguyên đã trở thành một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Việt Bắc. Thái Nguyên là nơi hội tụ nền văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc và là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ. Thái Nguyên là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 của cả nước với 8 trường đại học; hơn 20 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp lực lượng trí thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho tỉnh và các tỉnh khu vực phía Bắc. Đội ngũ giáo viên ngành sư phạm của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đạt chuẩn từ 98% trở lên. Chất lượng dạy và học ngày càng có nhiều tiến bộ; tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt trên 95%; số trường chuẩn quốc gia tính đến hết năm 2011 đạt 57%. 

          - Về y tế: Toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ chương trình xây dựng hệ thống bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã; thực hiện tốt chương trình khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2011 trên địa bàn tỉnh có 162/180 xã đạt chuẩn về y tế. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai theo đúng kế hoạch. 

            Các cơ quan thông tin tuyên truyền trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt... Từ ngày 1/9/2011 kênh TN1 của Đài phát thanh truyền hình Thái Nguyên chính thức phát sóng qua vệ tinh Vinasat1. Chương trình của TN1 đã vươn xa với phạm vi phủ sóng là khu vực Đông Nam Á, một số nước châu Á và khu vực lân cận. Đặc biệt, năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011. Đây là sự kiện lớn của tỉnh và của cả nước, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trà Việt và tôn vinh các địa phương trồng chè, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đặc biệt là tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo của hàng triệu nông dân, lao động - những người trực tiếp trồng, chế biến và kinh doanh chè Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. 

           Các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa”, thi đua “Xây dựng khu dân cư tiên tiến”, “Xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hóa”. Trong phong trào thể thao, toàn tỉnh có 856 câu lạc bộ TDTT, 06 Liên đoàn, 03 CLB thể thao cấp tỉnh luôn duy trì hoạt động đều với nhiều hoạt động thiết thực. Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đạt 194 huy chương (trong đó có 58 Huy chương Vàng, 54 Huy chương Bạc, 82 Huy chương Đồng); có 01 Huy chương Đồng giải vật tự do cổ điển Châu Á; nhiều Vận động viên đạt kiện tướng và cấp I; 14 cờ thưởng các loại và 01 Huy chương bạc tại Seagame 25.

            - Về quốc phòng - an ninh: Các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị ổn định. Công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

          Kính thưa các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân!

         Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, chủ động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ghi nhận những thành tích to lớn ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Thái Nguyên đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2007 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm năm liền (từ năm 2005-2010) liên tục được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, năm 2011, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vinh dự được đón nhận “Huân chương Hồ Chí Minh”- Phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đó là sự ghi nhận công sức, trí tuệ, tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân; là kết quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Đây là cơ sở, là tiền đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để tỉnh Thái Nguyên thực hiện thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm tới. 

           Nhân dịp này thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tôi xin trân trọng cảm ơn những đóng góp và sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh để có dược thành quả này

           Năm 2012 và những năm tiếp theo, đứng trước thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức; nhưng với một lòng tin tưởng sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng; Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên nguyện nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, phát huy mọi tiềm năng và lợi thế, chủ động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Năm 2012, với chủ đề:  “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình thiết yếu; triển khai các chương trình, đề án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh doanh và xây dựng nông thôn mới”, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ; trọng tâm là 06 nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, hướng về cơ sở và gắn với cơ sở, phát huy được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, loại bỏ các rào cản gây phiền hà đến người dân và doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm xây dựng một nền hành chính thực sự trong sạch, vững mạnh. 

             Kính thưa các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân!

           Trong không khí trọng thể kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên nguyện ra sức phấn đấu, quyết tâm phát huy sức mạnh đoàn kết và truyền thống cách mạng của quê hương; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sớm đưa Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu có, là trung tâm vùng Việt Bắc; có kinh tế - xã hội phát triển; an ninh - quốc phòng được đảm bảo, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

           Nhân dịp này, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn trong những năm qua đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Thái Nguyên vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

         Xin kính chúc các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân dồi dào sức khoẻ; năm mới - thắng lợi mới! Xin trân trọng cám ơn!                    

 

 T.P Thái Nguyên: Đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ

Ngày 2/2, T.P Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2011.

 

Tới dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

      Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên đã đọc Diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 82 năm qua của Đảng; truyền thống của Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, nêu rõ những đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc thành phố trong những giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc…

       Với niềm tự hào về Đảng, về Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra, trước mắt là thực hiện nhiệm vụ năm 2012

       Về phong trào thi đua yêu nước năm 2011: Trong năm, thành phố đã phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp và Liên hoan Trà Quốc tế, cùng với nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực khác. Các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế trong việc ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thành phố được suy tôn là đơn vị dẫn đầu khối thi đua và được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2012, T.P Thái Nguyên đề ra 5 giải pháp nhằm tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị; nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý và điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức đoàn thể từ thành phố đến cơ sở.

       Đồng chí Dương Ngọc Long đã ghi nhận những thành tựu mà thành phố Thái Nguyên đã đạt được trong năm vừa qua, trong đó có việc tổ chức các phong tào thi đua yêu nước và cho rằng đó sẽ là động lực mạnh mẽ để thành phố tiếp tục dành thêm những thắng lợi to lớn hơn trong thời gian tới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng trong năm 2012 như: Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thi đua khen thưởng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; nâng cao nhận thức trong cán bộ và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua; đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực, cũng như tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

       Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố đã công bố các quyết định và trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2011, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đồng chí Dương Ngọc Long trao Cờ thi đua xuất sắc cho nhân dân và cán bộ T.P Thái Nguyên; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 tập thể và 4 cá nhân (ảnh).

 


Thái Nguyên: Đẩy mạnh công tác Xây dựng nông thôn mới

Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012.

Theo đánh giá năm 2011, Công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai sâu rộng và tương đối đồng bộ. Thái Nguyên đã kiện toàn Ban chỉ đạo ở cả 3 cấp, tỉnh, huyện, xã; đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo thông qua việc ban hành các văn bản, tài liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo và tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới; Thái Nguyên đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm trong công tác xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình, mở các chuyên trang, chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Nhận thức của người dân và cán bộ các cấp chính quyền đã cơ bản đồng nhất coi chương trình xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, người nông dân có đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Người thực hiện thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới là nhân dân, các cấp chính quyền và Nhà nước là người tổ chức và hỗ trợ cho nhân dân thực hiện. Để công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện mạnh mẽ hơn, tỉnh Thái Nguyên và các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức phát động hưởng ứng cuộc thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. 

Tuy nhiên theo đánh giá tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn chậm so với chỉ đạo của tỉnh và so với tiến độ chung của cả nước; nguồn vốn huy động để phục vụ cho chương trình còn ít (gần 20 tỷ); cán bộ chuyên trách của Văn phòng điều phối và các đơn vị, sở ngành còn thiếu và chưa được kiện toàn, công tác quy hoạch còn được thực hiện chậm, nhận thức của một bộ phận cán bộ, Đảng viên còn chưa thông…

Trên cơ sở đánh giá những mặt thuận lợi và khó khăn trong năm 2011, hội nghị đã thống nhất đề ra mục tiêu trong năm 2012 phấn đấu hoàn thành công tác quy hoạch của 143/143 xã. Tiếp tục tăng cường công tác đào tào đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, thực hiện lập đề án phát triển sản xuất tại các địa phương nhất là 35 xã điểm, huy động các nguồn lực và tạo cơ chế để mỗi xã điểm có khoảng 3 đến 4 tỷ đồng phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các thành viên Ban chỉ đạo đã đề nghị tỉnh cần quan tâm công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông thôn để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm của nông dân; quan tâm cơ chế để duy trì hệ thống bưu điện văn hóa xã; quan tâm công tác kiểm tra giám sát quy hoạch và thực hiện sau quy hoạch và xây dựng đề án sản xuất tại các xã để bảo đảm chất lượng và hiệu quả đồng vốn  đầu tư…

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo đã phát biểu ghi nhận sự vào cuộc của các thành viên Ban chỉ đạo, của các các sở, ngành các cấp chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Dương Ngọc Long khẳng định: Tuy Thái Nguyên thực hiện chương rình xây dựng nông thôn mới có chậm về tiến độ nhưng lại có bước đi đúng hướng và vứng chắc. Công cuộc xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện kiên trì và lâu dài. Cái đích Thái Nguyên xác định là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải được nâng cao, người dân phải là chủ thể vừa là người thực hiện vừa là thừa hưởng thảnh quả từ chương trình này. Thông qua đây, Nhà nước và các cấp chính quyền phải hỗ trợ đắc lực cho nhân dân. Trên tinh thần đó, đồng chí Dương Ngọc Long yêu cầu các sở, ngành và các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài của ngành mình, đơn vị mình và địa phương mình. Do vậy việc bố trí nguồn lực, nhân lực, trí tuệ cũng phải được ưu tiên. Trước mắt trong công tác quy hoạch các sở, ngành phải về cơ sở hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch bảo đảm chất lượng, xây dựng phương án sản xuất có tính khả thi. Mục tiêu trong quý II,  năm 2012 công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện xong, đề án sản xuất tại các xã điểm phải được triển khai đồng bộ và khẩn trương. Tỉnh sẽ bố trí các nguồn vốn ưu tiên cho các xã điểm để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả ngay từ ban đầu. Trong quá trình thực hiện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ngành và các địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tự giác, sáng tạo để công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên sát tình hình, hiệu quả cao. 

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã thông qua quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm phụ trách địa bàn cho các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 
Ý kiến của bạn